20/09/2006 20:32 GMT+7

Đám cưới Việt - hành trình một thế kỷ

KIM EM
KIM EM

TTO - Hơn 100 bức ảnh cưới từ đầu thế kỷ 20 đến nay và những thiệp cưới, quà mừng cưới, giấy khai giá thú, áo cô dâu chú rể... do Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam thu thập trong suốt 2 năm qua đang được trưng bày tại Bảo tàng Đà Nẵng (78 Lê Duẩn - Đà Nẵng) đã giúp cho công chúng một góc nhìn khá thú vị về hành trình của đám cưới Việt.

GRWgn1JX.jpgPhóng to
Đám cưới Việt thời bao cấp

Chiếm số lượng lớn những bức ảnh cưới được chụp rất nghệ thuật ở nhiều góc độ là “đám cưới theo lối tân thời” (nửa đầu thế kỷ 20) ở Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn. Lúc này văn hóa phương Tây du nhập vào Việt Nam ở các thành phố lớn nên đám cưới thể hiện rõ sự kết hợp giữa nếp cưới truyền thống (y phục, hôn nhân sắp đặt, mai mối, thách cưới, phù dâu, phù rể, nghi thức xin dâu...) với những nét ”tân thời” mới tiếp thu từ văn hoá phương Tây (âu phục, hoa cưới, thiếp cưới, ô tô đón dâu, tuần trăng mật...).

Bộ ảnh cưới được nhiều người tò mò là đám cưới của vua Hàm Nghi (1904) lúc nhà vua đang bị lưu đày ở Angiêri. Chú rể mặc quốc phục VN (khăn đóng, áo dài) còn cô dâu mặc váy cưới màu trắng ngồi trên xe ô tô mui trần.

QywdoefR.jpgPhóng to XZKxmnN3.jpg
Vua Hàm Nghi rước dâu trên xe mui trần Rước dâu ngày nay

Nhưng thú vị nhất có lẽ là bộ ảnh cưới “Đám cưới thời chiến”. Sống trong thời bình với những tiện nghi khá đầy đủ, việc chuẩn bị đám cưới của các bạn trẻ bây giờ có thể nói là thuận lợi mọi bề, nên họ rất ngạc nhiên khi xem những bức ảnh cưới thời chiến (1945-1975) mà cô dâu và chú rể ăn mặc rất đơn sơ, chỉ mang trên mình bộ quân phục và hoa cưới là những nhánh lan rừng hái vội bên suối.

TYsvflpz.jpgPhóng to
Đám cưới thời chiến

Đặc biệt, những hiện vật quý gồm thiếp mời và tập album với hai ảnh cưới của Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi và chị Phan Thị Quyên (tổ chức vào ngày 21-4-1964 tại Sài Gòn) rất được sự quan tâm của người xem. Anh Trai - cán bộ phụ trách phòng trưng bày của Bảo tàng Đà Nẵng cho biết: những kỷ vật cưới của anh Trỗi và chị Quyên đã được chính tay chị Quyên tặng cho Bảo tàng QN-ĐN (cũ) vào năm 1982. Và đây là lần đầu tiên được đem ra trưng bày.

Bộ sưu tập ảnh cưới 100 năm đám cưới Việt trở nên phong phú hơn với hình ảnh đám cưới thời “bao cấp” (1975-1990) mà nhiều người quen gọi là “đám cưới tập thể”. Một thời khó khăn của đất nước được thể hiện khá sinh động trong các đám cưới mà quà mừng cưới cho cô dâu chú rể chỉ là những chiếc chậu men, bát ăn cơm bằng sắt, nồi nhôm... bọc trong giấy đỏ và tiệc cưới với lạc rang, kẹo vừng, chè lam, thuốc lá sông Cầu...

6llm6XOo.jpgPhóng to
Ngoài ra còn nhiều hình ảnh về đám cưới thời mở cửa (1990 đến nay), đám cưới vàng, đám cưới của các dân tộc thiểu số trên lãnh thổ VN...đã đem lại cho người xem một cái nhìn khá toàn diện về sự thay đổi trong việc duy trì thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt trong cuộc sống thời hiện đại.

Điều ghi nhận từ cuộc trưng bày ”100 năm đám cưới Việt” là người xem không chỉ được ngắm nhìn cô dâu, chú rể qua các thời kỳ khác nhau mà quan trọng hơn, thông qua các câu chuyện khá lý thú về lịch sử cuộc đời, tình yêu, hôn nhân và cả những quan niệm, bí quyết bảo vệ hạnh phúc gia đình của những con người cụ thể đó để có thể thấy được bức tranh khách quan về sự chuyển biến kinh tế, văn hoá, xã hội của đất nước trong suốt 100 năm qua.

Và thông điệp của hành trình 100 năm đám cưới Việt mà những người làm công tác bảo tàng muốn gửi đến công chúng: Những hình ảnh đám cưới và lịch sử cuộc đời của những cô dâu chú rể có giá trị như một di sản lịch sử - văn hoá, hãy cùng gìn giữ và chia sẻ chúng.

KIM EM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên