21/10/2004 00:01 GMT+7

Đại học: nơi tụt hậu xa nhất trong nền giáo dục tụt hậu

GS.TS PHẠM DUY HIỂN
GS.TS PHẠM DUY HIỂN

TT - Nếu bảo GD của chúng ta đang tụt hậu thì ĐH chính là nơi tụt hậu xa nhất. Càng lên bậc học cao, nhãn mác càng hấp dẫn gây nên nạn lạm phát giáo sư tiến sĩ.

7KKQMdjH.jpgPhóng to
CD luận văn chép sẵn được bày bán tại các cửa hàng băng đĩa. Nạn sao chép luận văn đang phổ biến cũng là biểu hiện của "bệnh" chạy theo nhãn mác - Ảnh: H. Thuật

Chúng ta chưa xem trọng và xây dựng được một xã hội nghề nghiệp, trong khi vẫn cứ hô hào xây dựng một xã hội học tập để tiến lên nền kinh tế tri thức.

Khi tính chuyên nghiệp chưa được xã hội tôn vinh thì GD sẽ không có chỗ đứng trong xã hội, và nó bị lợi dụng để thương mại hóa là xu hướng khó tránh khỏi.

GD: bài toán xã hội

Ngành GD phải chịu trận trước hết bởi những nhãn mác của chính mình. Để vừa có tiền vừa đạt danh hiệu thi đua, có nơi thầy cô phải phụ đạo trước cho HS về bài thi tại nhà riêng của mình. Có HS kém, thầy sẽ mất danh hiệu thi đua, nhà trường không được tiên tiến, xuất sắc để báo cáo lên cấp trên, cấp trên lại báo cáo lên cấp trên nữa...

Cuộc chơi vừa đá bóng vừa thổi còi đó đã không còn đủ thang điểm để chấm nên điểm mười lại phải gắn thêm một, hai hoặc ba dấu cộng để phân loại (theo lời kể của cô giáo hiệu phó một trường trung học nổi tiếng ở TP.HCM). Điểm thi của HS trở thành một thứ tiêu chí qua đó đánh giá thành tích phát triển của địa phương, cho nên cứ phải đẩy tỉ lệ tốt nghiệp ở các cấp lên sát 100%.

HS chen chúc nhau để lọt qua cổng trường ĐH làm cho các lò luyện thi với những bộ đề mẫu trở thành siêu lợi nhuận. Nhưng một khi lọt qua cổng rồi thì mảnh bằng ĐH coi như đã cầm chắc trong tay. Mái trường ĐH là nơi nhàn nhã nhất trong đời HS. Đó là nhận xét của một số sinh viên nghiêm túc khi so sánh ĐH với trường phổ thông.

Nếu bảo GD của chúng ta đang tụt hậu thì ĐH chính là nơi tụt hậu xa nhất. Càng lên bậc học cao, nhãn mác càng hấp dẫn gây nên nạn lạm phát giáo sư tiến sĩ. Nhưng thật là oan nếu đổ tất cả chuyện lạm phát tiến sĩ, giáo sư đó lên đầu Bộ GD-ĐT, trong khi phần trách nhiệm lớn ở đây lại thuộc về giới khoa học.

Không biết bao nhiêu nhà trường của chúng ta đã bị cuốn theo cơn lốc thương mại hóa đó? Điều này càng khơi đậm thêm điểm yếu vốn có ở một nước lạc hậu như nước ta là nhồi nhét các kiến thức khô cứng rồi đóng dấu chất lượng cho HS. Có người lại dùng dấu chất lượng đó làm “hòn gạch Lỗ Tấn” để gõ cửa vào chốn quan trường. Lọt qua cửa rồi người ta sẽ vứt hòn gạch đi. GD bị lợi dụng và trở thành một sân chơi hết sức lãng phí.

Nói GD là bài toán xã hội không có nghĩa là ngành GD vô can trước những sa sút hiện nay của nhà trường chúng ta. Bộ GD-ĐT buông lỏng quản lý chất lượng để cho mặt trái của cơ chế thị trường chi phối. Trong khi đó lại nhúng tay quá sâu vào việc thi cử, là nhiệm vụ của nhà trường.

Cũng như mọi hoạt động sản xuất và dịch vụ khác trong xã hội hiện đại, GD cần được xã hội hóa và thương mại hóa trong khuôn khổ các khung pháp lý về đảm bảo chất lượng (quality assurance).

Bộ GD-ĐT có nhiệm vụ bảo đảm thực thi chính sách GD của Nhà nước, đề ra khung pháp lý cho nhà trường hoạt động, đồng thời phải giám sát quản lý chất lượng GD qua những tổ chức thanh tra chuyên nghiệp.

Phải mất ít nhất 20 năm!

Những yếu kém trong nền GD của chúng ta đã tồn tại từ lâu, lại có cội rễ sâu xa trong xã hội, nên phải mất ít nhất là một thế hệ (trên 20 năm) mới hòng đổi mới được, nếu chúng ta thật sự nhận ra nguyên nhân và quyết tâm giải quyết vấn đề một cách nghiêm túc. Như trên đã nói vấn đề vừa mang tính toàn cầu vừa đặc thù của nước ta.

Trước hết cần phải có thời gian để đẩy lùi các tệ nạn xã hội dường như đang gia tăng chưa kiểm soát được, thay đổi hẳn cách nhìn nhận về con người và hoàn thiện một xã hội nghề nghiệp, trong đó tính chuyên nghiệp là thước đo giá trị đích thực của mỗi người, bất kể anh ta hành nghề gì.

Đây là xu thế tất yếu do nhu cầu phát triển bền vững của đất nước, công nghiệp hóa hiện đại hóa, do hội nhập và cạnh tranh quốc tế.

Đương nhiên phải có khâu đột phá trong quan điểm từ phía lãnh đạo và sớm thể hiện một số chính sách cán bộ cụ thể, nếu không chúng ta sẽ mất thời cơ. Ngay trong Bộ GD-ĐT cũng cần phải có một vài khâu đột phá.

Chẳng hạn, giao việc thi cử tuyển sinh ĐH cho các trường để chăm lo xây dựng hệ thống thanh tra chuyên nghiệp về chất lượng GD. Xóa bỏ hoàn toàn việc lấy điểm thi của HS làm tiêu chí thi đua của thầy giáo, nhà trường và địa phương.

Thứ hai, cũng cần có một khoảng thời gian đủ dài như thế mới đào tạo được một thế hệ giáo viên hoàn toàn mới cho các cấp học từ trên xuống dưới. Có thể nói đó là đội ngũ thầy giáo biết dạy cách học, cách làm người trong xã hội hiện đại.

Trước hết, đội ngũ chuyên gia cao cấp đang ngày một ít dần phải tận dụng vào nhiệm vụ đào tạo những chiếc máy cái mới, từ đó sẽ nhân dần lên, nhất là trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên và xã hội.

Có thể cần phải có những đột phá mạnh về tổ chức, xem ĐH là cơ sở tiến hành các hoạt động R&D trong cả nước. Thật là nghịch lý và phí phạm khi để 70% giáo sư và phó giáo sư nằm ngoài trường ĐH.

Hoạt động khoa học và giảng dạy phải theo chuẩn mực quốc tế. Sự nhìn nhận các kết quả nghiên cứu trên những tạp chí quốc tế là thước đo chất lượng nghiên cứu và trình độ của người thầy ĐH. Có làm như thế mới chặn đứng được nạn lạm phát học hàm học vị hiện nay.

Phải có cách mạng trong GD, một sự lựa chọn duy nhất hiện nay. Không thể gọi đó là cải cách, vì nó đụng chạm đến hệ khái niệm và quan niệm, chứ không chỉ thay đổi phương pháp dạy, học và thi cử. Thậm chí nó đòi hỏi phải xáo trộn lại tổ chức GD, khoa học công nghệ, điều mà thỉnh thoảng vẫn có người nhắc đến, nhưng chưa ai dám làm.

GS.TS PHẠM DUY HIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên