Phóng to |
Sinh viên Trường ĐH Luật TP.HCM phải chen chúc trong giảng đường chật chội tại cơ sở Tân Thuận (Q.7, TP.HCM) được trường thuê trong khi chờ trường xây cơ sở mới - Ảnh: Anh Khôi |
Là một trong những trường ĐH trọng điểm, Trường ĐH Xây dựng Hà Nội nằm ở vị trí đẹp tại Hà Nội. Nhưng chỉ cần bước qua cổng chính của trường đã thấy ngộp thở vì khoảng trống còn lại duy nhất là khoảng sân bêtông quá nhỏ so với khuôn viên chính của một trường ĐH, xung quanh được bao kín bởi các tòa nhà cao thấp. Với hơn 38.000m2, hiện Trường ĐH Xây dựng có diện tích đất bình quân chỉ đạt 2,2m2/sinh viên.
Cơi nới tối đa
Cách đấy không xa, Viện ĐH Mở Hà Nội còn chật chội hơn với duy nhất một tòa nhà, chưa đủ bố trí phòng làm việc cho các phòng ban. Nhìn vào cơ sở chính của viện, không ai nghĩ đây là một trường ĐH vì tòa nhà đã được cơi nới, chắp vá như một khu chung cư cũ nhìn xuống một khoảng sân chật hẹp. Tất cả các khoa của viện phải đi thuê địa điểm bên ngoài để làm lớp học rải rác ở nhiều nơi.
Trường ĐH Ngoại thương sau khi được đầu tư xây dựng đã có thêm tòa nhà mới, có đủ diện tích xây dựng giảng đường, thư viện đạt chuẩn. Đổi lại, trường không còn khuôn viên, không còn sân bãi cho sinh viên tập luyện... Với diện tích đất bình quân chỉ đạt 2,3m2/sinh viên, hiện Trường ĐH Ngoại thương đang quá tải về mật độ xây dựng, không còn đất cho các tiện ích cần thiết khác của một trường ĐH.
Đó cũng là tình cảnh chung về cơ sở vật chất của các trường ĐH ở Hà Nội: hiếm có những trường ĐH có diện tích trên 10ha và còn quỹ đất cho xây dựng. Các trường có thể xoay xở để xây dựng thêm một vài tòa nhà, nâng diện tích giảng đường, phòng làm việc nhưng phải giảm phần diện tích đất tạo nên không gian cho một cơ sở đào tạo ĐH. Sân bóng hiếm hoi có trong khuôn viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng được tận dụng xây dựng giảng đường. Sân bãi để dành cho tập luyện thể dục thể thao, các hoạt động ngoài trời của sinh viên vì thế rất hạn chế.
Trong khi đó, cơ sở H (số 1A Hoàng Diệu, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM là cơ sở nhỏ nhất trong sáu cơ sở của trường với diện tích đất chỉ 520m2 gồm sáu phòng học và vài phòng làm việc. Cơ sở B (279 Nguyễn Tri Phương, Q.10) là cơ sở lớn nhất của trường có 55.000m2 với 51 phòng học. Thế nhưng tổng số sinh viên của trường này đã lên hơn 41.000 (trong đó hơn 21.000 sinh viên chính quy tập trung). Tương tự, cơ sở 134 Nguyễn Đình Chiểu, Q.3 của Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM có diện tích đất chỉ 500m2 và diện tích sàn xây dựng 1.500m2.
Rải rác nhiều nơi
Không chỉ chật hẹp, nhiều trường có cơ sở manh mún, nằm rải rác, phân tán khắp nơi trong thành phố. Tại TP.HCM, trong khối các trường ngoài công lập, Trường ĐH Hồng Bàng hiện nay đang giữ kỷ lục là trường có số cơ sở đào tạo nhiều nhất với 10 cơ sở nằm rải rác khắp các quận nội thành. Phần lớn đều nhỏ bé và đầu tư tạm bợ, chưa đúng chuẩn của một cơ sở phục vụ giáo dục ĐH.
Trường ĐH Văn Hiến TP.HCM là một trong số các trường sau hơn 10 năm thành lập vẫn chưa có cơ sở đào tạo chính thức, phải đi thuê mướn chỗ dạy khắp nơi. Hiện trường đang thuê bốn cơ sở ở các quận của TP.HCM: 4, 12, Phú Nhuận, Tân Bình. Tình trạng các cơ sở này cũng đều rất nhỏ bé. Ông Nguyễn Mộng Hùng, hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Mỗi năm nhà trường phải chi 7 tỉ đồng thuê bốn cơ sở dạy học. Các cơ sở phân tán khiến gặp không ít khó khăn trong quản lý, tổ chức giảng dạy...”.
Trong khi đó, ở khối các trường ĐH công lập, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM hiện có sáu cơ sở đào tạo nằm phân tán ở nhiều quận nội thành. Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Định - phó hiệu trưởng nhà trường, ngoài sáu cơ sở trên trường còn phải thuê thêm phòng học ở Trường CĐ Kinh tế TP.HCM và Trường CĐ Bách Việt vào các buổi tối trong tuần để dạy sinh viên hệ liên thông.
Ngoài ra, trường còn phải thuê sân Phú Thọ, sân Phan Đình Phùng để dạy môn giáo dục thể chất cho sinh viên. Nhiều trường ĐH công lập vẫn còn trong tình trạng đi thuê mướn cơ sở bên ngoài làm nơi dạy học. Sinh viên những trường này liên tục có ý kiến phản ảnh việc phải vất vả “chạy” học giữa các cơ sở cách xa nhau hàng chục cây số.
TS Trần Thanh Bình, viện trưởng Viện Nghiên cứu thiết kế trường học, nhận định: “Các trường ĐH, CĐ tại TP.HCM có bình quân diện tích đất quá thấp, thiếu các khu chức năng cơ bản, mật độ xây dựng tại khu học tập quá cao, chất lượng quy hoạch thấp, môi trường sư phạm không đảm bảo, tổ chức không gian kiến trúc nghèo nàn và giao thông bất tiện...”.
Các trường lại nằm xen lẫn trong khu dân cư nên gặp nhiều khó khăn và tốn kém nếu muốn mở rộng đầu tư, cải thiện điều kiện đô thị và nâng cấp chất lượng dịch vụ công cộng đáp ứng yêu cầu của giảng viên và sinh viên. Đây là lý do dẫn đến môi trường sư phạm ngày càng xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo và sự phát triển của các trường về mọi phương diện.
Chỉ tiêu bình quân diện tích đất/sinh viên và bình quân diện tích đất/đơn vị trường quá thấp so với tiêu chuẩn xây dựng trường ĐH VN (55-85m2/sinh viên). Theo số liệu thống kê mới nhất từ 32 trường ĐH, CĐ trong nội thành TP.HCM, tổng diện tích đất hiện có là 256,2ha, bình quân chung số mét vuông diện tích đất/sinh viên quy chuẩn đạt khoảng 12,9m2, bằng xấp xỉ 50% tiêu chí đất đai để thành lập trường theo quy định. Có đến 17/32 trường chỉ có bình quân 0,4-9m2/sinh viên quy chuẩn: Trường ĐH Sư phạm TP.HCM 0,44m2/sinh viên, Trường ĐH Ngoại ngữ - tin học TP.HCM 0,46m2/sinh viên, Trường ĐH Hồng Bàng 0,51m2/sinh viên... |
____________
Kỳ 2: Giải pháp ngoại thành
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận