![]() |
Lotte Mart tọa lạc tại vị trí khá bề thế ở khu Nam Sài Gòn - Ảnh: HỒNG NHỰT |
Đây là hai đối thủ ngoại đáng gờm của các doanh nghiệp bán lẻ nội địa.
Vị trí mở siêu thị của Lotte Mart khá thuận tiện, nằm trên khu đất rộng hơn 30.000m2 với ưu thế ba mặt tiền, cách trung tâm thành phố chừng 4km. Có thể nói đây là lần đầu tiên một siêu thị ngoại có vị trí nằm sát trung tâm thành phố nhất mà hệ thống Metro có mơ cũng chưa được.
Theo ghi nhận những ngày gần đây, Lotte Mart đã có những hoạt động tiếp thị khá rầm rộ như đặt bảng quảng cáo tại các trạm dừng xe buýt, kêu gọi người tiêu dùng làm thẻ thành viên khách hàng thân thiết, phát tờ rơi...
Theo quan sát, tại khu siêu thị này có ba tầng kinh doanh các mặt hàng từ thực phẩm, phi thực phẩm, các dịch vụ như nhà hàng, quán cà phê, rạp chiếu phim Lotte Cinema... và cũng không loại trừ các sản phẩm đặc trưng của Hàn Quốc như kim chi, sâm... với tổng vốn đầu tư hàng chục triệu USD.
Tại khu vực này cách đó chừng 1km về hướng nam, trước đó ngày 24-1-2008 Công ty cổ phần đầu tư phát triển Saigon Co.op (SCID) cùng các đối tác chiến lược là MapleTree (Singapore) và Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (SAMCO) dự kiến xây dựng khu phức hợp thương mại dịch vụ Tân Phong có quy mô 30 tầng, tổng trị giá đầu tư dự kiến 200 triệu USD, diện tích 42.200m2 được đặt tại P.Tân Phong, Q.7, TP.HCM.
Theo Saigon Co.op, đây là một vị trí chiến lược của khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, cách trung tâm thành phố 5km. Dự kiến sẽ xây dựng khu kinh doanh thương mại, siêu thị Co.opMart, cao ốc văn phòng… theo mô hình Shopping Mall.
Trong khi đó, liên tục trong tháng 12, Saigon Co.op mở thêm bốn siêu thị tại những vị trí gần các chợ ở TP.HCM và các tỉnh. Đó là Co.opMart Bến Tre khai trương hôm 6-12, Co.opMart Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc) khai trương ngày 19-12, Co.opMart Tuy Lý Vương trên đường Tuy Lý Vương, P.13, Q.8, TP.HCM sẽ khai trương ngày 27-12 và cuối tháng là Co.opMart Phạm Văn Hai, Q.Tân Bình, TP.HCM sẽ đi vào hoạt động. Saigon Co.op cho biết tổng vốn đầu tư bốn siêu thị trên khoảng 150 tỉ đồng.
Tuy nhiên, trong cuộc chạy đua này Lotte Mart đã cán đích trước và để lại đằng sau là nỗi lo của các nhà bán lẻ trong nước.
* Trao đổi với TTO, chiều 16-12 ông Lê Hồng Xuân - tổng giám đốc Công ty tiếp thị Bến Thành, đơn vị quản lý hệ thống điện máy Best Carings - cho biết vì sao các nhà bán lẻ ngoại ồ ạt chọn thời điểm cuối năm 2008 đặt chân vào thị trường TP.HCM - một thị trường có sức mua hàng điện máy lớn của VN:
- Mở rộng mạng lưới là một trong những mục tiêu chiến lược. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay chúng tôi vẫn chưa thể triển khai kế hoạch này một cách nhanh chóng và tràn lan theo kiểu cho “nấm mọc”.
Có hai lý do: Thứ nhất, trong suốt thời gian qua, ngay sau khi ký kết hợp đồng nhượng quyền, chúng tôi đã tập trung toàn lực cho một công tác duy nhất là tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ Best Denki, tiến hành cải tổ hai siêu thị tại Hà Nội và Cần Thơ đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế, làm nền tảng và chuẩn mực cho chuỗi siêu thị sẽ ra đời sau này nên chưa đặt mục tiêu mở rộng mạng lưới làm ưu tiên hàng đầu.
Thứ hai, những siêu thị Best Cairrngs tiếp theo của chúng tôi bắt buộc phải đạt được những tiêu chuẩn khắt khe về quy mô, vị trí, chất lượng dịch vụ, đặc biệt là vấn đề mặt bằng kinh doanh không dễ kiếm nên đến thời điểm này các yêu cầu trên mới được đáp ứng.
Vào thời điểm năm 2004 lúc chúng tôi bắt đầu thâm nhập thị trường bán lẻ thì đây đã là một thị trường cạnh tranh hết sức khốc liệt, ở cả kênh bán lẻ truyền thống lẫn hiện đại. Vì vậy, nhảy vào thị trường này khi còn chân ướt chân ráo và rất non kinh nghiệm như chúng tôi lúc đó quả thật là một việc làm mạo hiểm. Vì vậy, chúng tôi quyết định đầu tư trước vào Cần Thơ và Hà Nội, là hai thị trường “dễ thở” hơn để tích lũy kinh nghiệm.
Thị trường TP.HCM còn rất lâu nữa mới đạt đến điểm bão hòa, thậm chí vẫn tiếp tục tăng trưởng qua từng năm. Vì vậy, không có gì là quá muộn khi đầu tư vào đây ở thời điểm này. Về việc người tiêu dùng đã quá quen với các tên tuổi lớn hiện nay, thật sự chúng tôi cũng không quá lo lắng vì Best Carings biết rõ khách hàng của mình là ai, chúng tôi là ai, có thế mạnh nào và phải làm gì để họ có thể tin tưởng chúng tôi.
* Best Carings là thương hiệu nhượng quyền của chuỗi điện máy lớn tại Nhật (Best Denki), khi vào TP.HCM dịp cuối năm có bị hút theo phong trào hàng giảm giá như các hệ thống điện máy khác hay không?
- Best Denki là một trong năm tập đoàn bán lẻ điện máy điện tử lớn nhất của Nhật, thế mạnh của Best Denki là sự đa dạng chủng loại sản phẩm, kiến thức ưu việt của nhân viên bán hàng giúp việc tư vấn khách hàng một cách tốt nhất, thứ ba là trình độ quản lý cao, chuyên nghiệp của đội ngũ quản lý, thứ tư là công nghệ trưng bày sản phẩm siêu hạng và giá bán rất cạnh tranh nhờ hệ thống chuỗi trên 600 đại siêu thị trên toàn châu Á. Điều này giúp Best Denki có sức mạnh đàm phán và nhận được hỗ trợ lớn từ nhà cung cấp, từ đó giúp Best Denki có giá bán rất cạnh tranh.
Nói tóm lại, Best Denki dùng năm thế mạnh trên để hướng dẫn người tiêu dùng chứ không dùng biện pháp giảm giá như các hệ thống siêu thị điện máy khác tại TP.HCM hiện nay.
Một khía cạnh nữa cũng cần đề cập là sự hút theo phong trào giảm giá thường là cách cạnh tranh trực diện thiếu cơ sở do nhu cầu của người tiêu dùng không chỉ có giá mà còn phải có dịch vụ tốt, khả năng tư vấn lựa chọn đúng, sự cam kết chất lượng sản phẩm bằng chính sách cho phép đổi - trả hàng, chính sách ưu đãi cho khách hàng thường xuyên, khách hàng có mối quan hệ lâu dài với siêu thị… vì sản phẩm điện tử điện máy vốn rất phức tạp và người tiêu dùng thường không tự mình thẩm định được.
* Mặt bằng giá cả hàng điện máy của Best Carings dành cho lớp khách hàng nào? Khi vào TP.HCM, các ông có chạy đua trong việc cạnh tranh giá với các đối thủ khác hay không?
- Best Carings cam kết đưa ra chính sách giá cạnh tranh nhất trong điều kiện dịch vụ tốt nhất cho khách hàng bằng chính sách đổi trả hàng trong 72 giờ. Theo chính sách này, nếu khách hàng cảm thấy bị “hố giá” sau khi mua thì có thể trả lại hàng hoặc đổi sản phẩm khác ưng ý hơn...
* Ông có nhận xét gì về thị trường bán lẻ VN khi bước sang năm 2009? Theo ông, sang năm tới giá hàng điện máy có rẻ hơn nữa không?
- Theo những thông tin tôi có được, thị trường điện máy 2009 của VN vẫn tiếp tục giữ mức tăng trưởng trên 20% và là một trong những thị trường có mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực và thế giới. Các mặt hàng có tăng trưởng cao vẫn là TV LCD, máy tính, điện thoại di động và thiết bị di động nói chung.
Giá bình quân hàng điện máy điện tử giảm theo thời gian là quy luật tất yếu, chẳng hạn Thái Lan có giá bình quân trên sản phẩm (lấy tổng giá trị chia cho tổng số lượng tất cả sản phẩm) thấp hơn Việt Nam và cũng thấp dần so với những năm trước đây. Vậy giá bán hàng điện máy tại Việt Nam năm sau thấp hơn năm trước vẫn là điều bình thường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận