Theo đó, bản quyền truyền hình VPF bán cho VTV có thời hạn ba năm, giá trị hợp đồng trong mùa giải 2012 là 7 tỉ đồng (cao hơn 1 tỉ so với giá VFF bán cho AVG).
Phóng to |
Nóng bỏng cuộc đấu bản quyền truyền hình giữa VPF và AVG - Ảnh: QUANG MINH |
Có thể nói quyết định của VPF đã chính thức mở màn cho một “cuộc chiến” hứa hẹn rất gay cấn, bởi Công ty cổ phần Nghe nhìn toàn cầu (AVG) là đơn vị đang nắm trong tay bản quyền truyền hình độc quyền của các giải đấu nói trên trong 20 năm sau khi đã mua từ Liên đoàn bóng đá VN (VFF). Thật ra, câu chuyện bản quyền truyền hình đã nóng từ cuối mùa giải 2010 khi AVG mua lại bản quyền truyền hình hầu hết các giải đấu quốc nội của VFF trong thời hạn 20 năm với giá trị 6 tỉ đồng/năm, lũy tiến tăng 10% mỗi năm.
Ngay sau khi VFF bán bản quyền cho AVG, truyền thông và người hâm mộ đã phản ứng dữ dội về sự phi lý ở thời hạn 20 năm của hợp đồng. Thông thường hợp đồng bản quyền chỉ kéo dài ba năm và mỗi nhiệm kỳ của các quan chức VFF cũng chỉ có năm năm. Các quan chức của VFF khi đó và cả hiện nay đều một mực khẳng định bản quyền truyền hình V-League cùng các giải đấu quốc nội thuộc sở hữu của VFF và VFF bán cho AVG là đúng luật.
Ngày 9-11-2011, Công ty VPF ra đời với sự đồng ý của Bộ VH-TT&DL để tổ chức, quản lý, điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp VN. Việc tổ chức, điều hành các giải đấu (cụ thể gồm bốn giải Super League, Hạng nhất, Cúp quốc gia, Siêu cúp quốc gia) và toàn bộ thương quyền của các giải đấu này VFF buộc phải chuyển giao cho VPF, trong đó có bản quyền truyền hình.
Theo khoản 2, 3 điều 53 Luật TDTT được Quốc hội thông qua năm 2006 quy định: Liên đoàn Thể thao quốc gia, các CLB thể thao chuyên nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác tổ chức giải thể thao thành tích cao và giải thể thao chuyên nghiệp là chủ sở hữu giải thể thao thành tích cao và giải thể thao chuyên nghiệp do mình tổ chức. Chủ sở hữu giải thể thao thành tích cao và giải thể thao chuyên nghiệp được chuyển nhượng quyền sở hữu đối với giải thể thao cho tổ chức, cá nhân theo hợp đồng do các bên thỏa thuận. |
Ngày 29-12, trong công văn gửi VTV do ông Nguyễn Đức Kiên ký ghi rõ: “VPF được quyền quản lý, tổ chức, điều hành và khai thác thương quyền các giải bóng đá chuyên nghiệp VN bao gồm Super League, Hạng nhất quốc gia, Cúp quốc gia và trận Siêu cúp quốc gia từ mùa giải 2012. VPF cho phép VTV và các đơn vị trực thuộc VTV được tuyên truyền, truyền hình trực tiếp và phát lại các trận bóng đá của các giải nêu trên cho đến khi VPF có thông báo mới về vấn đề bản quyền truyền hình của các giải đấu nêu trên. Nhằm phục vụ đông đảo người hâm mộ cả nước và quảng bá cho các giải chuyên nghiệp, VPF đề nghị VTV hỗ trợ đài truyền hình kỹ thuật số VTC và các đài truyền hình địa phương có nhu cầu trong việc truyền hình các trận đấu”. Ông Võ Quốc Thắng, chủ tịch HĐQT VPF, cho biết HĐQT đã giao cho ông Kiên là đại diện của VPF làm việc về vấn đề bản quyền truyền hình. Tất cả những điều ông Kiên làm là vì quyền lợi của các cổ đông (tức các CLB) và vì quyền lợi của bóng đá VN.
Theo thông tin của Tuổi Trẻ, bản quyền truyền hình VPF bán cho VTV có thời hạn ba năm, giá trị hợp đồng trong mùa giải 2012 là 7 tỉ đồng.
___________________________________________
Luật sư Nguyễn Minh Anh, trưởng văn phòng luật sư Trí Minh (Đoàn luật sư Hà Nội), cho biết: “Nếu VFF đã ký hợp đồng 20 năm với AVG thì bản hợp đồng đó vẫn có hiệu lực vì hiện nay chưa có ai, cơ quan, tòa án nào kết luận rằng hợp đồng đó vô hiệu hoặc AVG hay VFF tuyên bố hợp đồng đó đã chấm dứt hoặc hết hiệu lực. Nếu hợp đồng đang tồn tại có hiệu lực, theo quy định của pháp luật, AVG đang có quyền khai thác bản quyền các giải đấu này.
Khi VFF chuyển giao cho VPF, VPF phải kế thừa quyền và nghĩa vụ mà VFF đã chuyển giao. Khi VPF tự ý cho phép VTV tường thuật các trận đấu đã được VFF bán độc quyền cho AVG sẽ xảy ra sự xung đột về mặt pháp lý. Về nguyên tắc, nếu thắc mắc về giá cả, thời hạn, hai bên phải đàm phán lại chứ hành động như VPF là không đúng. Nếu AVG đang độc quyền thì AVG mới có quyền mời các đài khác vào để khai thác chứ VPF không có quyền mời đài khác vào. Từ trước đến nay VFF luôn là đơn vị đứng ra ký hợp đồng bản quyền truyền hình và không có CLB nào phản đối. Hợp đồng VFF ký với AVG vẫn còn hiệu lực nên vẫn còn giá trị thực thi giữa VFF và AVG. Tôi không loại trừ khả năng khi VFF ký hợp đồng với AVG có sai phạm nhưng phải có một tòa án nào đó tuyên đó là hợp đồng đúng hoặc sai mới có giá trị.
Trong trường hợp này nếu AVG kiện, theo quan điểm của tôi, AVG ký hợp đồng với ai thì AVG kiện người đó. VPF không liên quan gì đến AVG, hai bên không xâm phạm lợi ích của nhau, chỉ có VFF ký với AVG. Nếu VFF đã chuyển giao hợp đồng cho VPF và cho phép VPF có thể cắt, ngưng hợp đồng thì VFF là người vi phạm.
Theo VPF, VFF đã chuyển giao quyền sở hữu các giải bóng đá nói trên, trong đó có Super League, cho VPF theo một nghị quyết do chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ ký ngày 28-12. Do đó kể từ mùa giải 2012, VPF chính là đơn vị chủ sở hữu đối với bản quyền truyền hình các giải đấu nêu trên. Đó là lý do khiến VPF có cơ sở để bán lại cho VTV mà không cần quan tâm đến việc VFF đã bán bản quyền truyền hình các giải này cho AVG với thời hạn 20 năm vào năm 2010. |
_________________________________
Phóng to |
Ông Nguyễn Đức Kiên - Ảnh: QUANG MINH |
Chiều 29-12, ông Nguyễn Đức Kiên đã có cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ.
* Cơ sở nào để VPF tuyên bố cho phép VTV và các đài khác được truyền hình trực tiếp các trận đấu tại bốn giải nêu trên kể từ mùa bóng 2012, trong khi bản hợp đồng VFF bán độc quyền cho AVG cũng bao gồm bốn giải đấu này vẫn còn giá trị?
- Hôm nay, tôi thay mặt VPF đưa ra đề nghị để VTV và các đài truyền hình được truyền hình trực tiếp các trận đấu mà VPF quản lý. Tôi không bình luận về phát ngôn của AVG về việc họ cho rằng cho đến khi AVG có sự đồng ý bằng văn bản thì VFF mới được bàn giao hợp đồng đã ký với AVG cho VPF.
* Vì sao VPF đơn phương bán hợp đồng cho VTV trong khi vẫn chưa đàm phán với AVG. Liệu sẽ xảy ra việc tranh giành việc truyền hình trực tiếp các trận đấu này khi diễn ra không?
- VPF là người đứng ra tổ chức điều hành giải, việc cho đài nào vào sân quay là thẩm quyền của VPF. VPF đang dùng đúng cái quyền mà VPF được phép. Trong trường hợp AVG có ý kiến gì đó là việc của AVG với VFF. VPF làm theo quyền hạn, chức năng, mục đích của mình đúng theo quy định của pháp luật.
____________________________________
Phóng to |
Ông Phạm Nhật Vũ - Ảnh: Việt Dũng |
Ngay sau khi VPF có văn bản đồng ý cho VTV truyền hình các giải đấu, ông Phạm Nhật Vũ - chủ tịch HĐQT AVG - cho biết: “AVG sẽ gửi văn bản có đầy đủ chứng lý đến các cơ quan chức năng đề nghị làm rõ, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của AVG”.
Trước đó ngày 21-12, AVG cho biết đã gửi văn bản tới VFF nêu rõ: “Việc đàm phán, làm việc (nếu có nhu cầu thay đổi thật sự từ phía VFF) cần diễn ra trước khi đưa ra bất kỳ một quyết định nào từ phía VFF cho dù với đối tác là VFF hay bất kỳ một tổ chức/cá nhân nào”. Những quan điểm này không phải nhằm loại bỏ VPF khỏi cuộc chơi mà là cách thức tiến hành để đạt được mục đích vừa bảo đảm lợi ích hợp pháp của AVG vừa tạo điều kiện để VPF hoạt động đúng luật pháp.
Về phần mình, chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ cho biết VFF mới có nghị quyết chuyển giao bốn giải đấu này cho VPF chứ chưa ký hợp đồng bàn giao chính thức. Trong tuần tới thường trực VFF mới có cuộc họp để làm việc về vấn đề này. “Việc anh Kiên có văn bản cho VTV vào khai thác các trận đấu Super League anh Kiên chịu trách nhiệm. Bây giờ làm tất cả mọi việc thế này là không đúng quy trình vì mọi việc phải làm theo thứ tự từng bước. Nếu có phương pháp giải quyết tốt, tôi nghĩ sẽ ổn thôi. Trong trường hợp VFF đã bàn giao bằng hợp đồng các giải đấu này cho VPF thì VPF có được bán lại bản quyền truyền hình hay không phải căn cứ vào hợp đồng bàn giao xem VPF được quyền gì thì khai thác đó”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận