![]() |
Khách chọn mua gà H’Mông tại siêu thị Lotte (ảnh chụp chiều 24-5) -Ảnh: Minh Đức |
Cả người nuôi và nhà phân phối đều cho biết dù đã phát huy hết công suất nhưng vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu của khách hàng ngày một nhiều. Cầu nhiều hơn cung khiến thị trường các loại đặc sản này trở nên vô cùng sôi động, nhộn nhịp và hút hàng một cách đặc biệt.
Gà H’Mông vào siêu thị
Những ngày gần đây, nhiều người tiêu dùng vào siêu thị Lotte (quận 7) khá bất ngờ khi tại đây bán mặt hàng gà có màu sắc đặc biệt: da đen, thịt đen và xương... cũng đen. Thật ra đây là loại gà H’Mông vốn nổi tiếng với vị thịt ngon, thơm kỳ lạ và được xem như mặt hàng đặc sản của vùng Tây Bắc đã có ở các nhà hàng tại TP.HCM từ hơn một năm qua.
Theo ông Phùng Mạnh Đức - giám đốc kinh doanh siêu thị Lotte, mỗi tuần nhà cung cấp giao cho siêu thị khoảng 100 con, nguồn cung ít trong khi nhu cầu nhiều nên gà H’Mông luôn trong tình trạng thiếu hàng. “Nhiều hôm chỉ đến trưa là quầy gà H’Mông đã hết sạch. Khách đến hỏi, đặt hàng thêm với quy mô lớn cũng đành bó tay” - ông Đức cho biết.
Xuất hiện ở nhiều siêu thị Hiện nay, ngoài Lotte và VGFood, gà H’Mông còn được bán phổ biến trong hệ thống Co.op Mart, siêu thị báo Sài Gòn Tiếp Thị và các nhà hàng tại TP.HCM. Bà Nguyễn Thị Thanh Nga cho biết nhà phân phối Metro cũng đặt vấn đề tiêu thụ loại gà này nhưng công ty chưa dám nhận lời vì chưa đủ khả năng cung cấp hàng với số lượng lớn. “Nếu không bị rủi ro do dịch bệnh, nuôi gà H’Mông đem lại lợi nhuận cao hơn hẳn so với nuôi gà khác. Chúng tôi đang phải liên kết với một số trang trại để mở rộng quy mô chăn nuôi. Một mình công ty chúng tôi không thể đáp ứng hết nhu cầu của thị trường” - bà Nga cho biết. |
Nhiều chuyên gia trong ngành chăn nuôi nhận định nuôi gà H’Mông đang là ngành đem lại siêu lợi nhuận. Nếu nuôi đúng quy trình, sau khoảng ba tháng kể từ ngày nở, gà H’Mông có thể đạt trọng lượng trung bình 1 kg/con. Giá thành nuôi loại gà này hiện chỉ dao động ở mức 20.000-30.000 đồng/kg.
Trong khi đó, khảo sát tại một số cửa hàng và siêu thị, gà H’Mông hiện được bán với giá từ 140.000-178.000 đồng/kg, cao hơn hẳn so với các loại gà nuôi công nghiệp và gà thả vườn thông thường khác. Mặc dù giá cao như vậy, nhưng theo bà Nguyễn Thị Thanh Nga, nhu cầu của thị trường rất lớn, hiện mỗi tuần công ty chỉ đáp ứng khoảng 7.000 con gà H’Mông và gà sao ra thị trường.
Heo rừng, dông về nhà hàng
Nắm bắt nhu cầu thưởng thức các loại đặc sản lạ của dân TP, anh Trần Công Khải đã bắt tay gầy dựng một trang trại rộng hơn 1,5ha tại thị trấn Cam Đức, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa và một trang trại khác trên địa bàn huyện Củ Chi, TP.HCM. Tại hai trang trại này, anh Khải nuôi 10 cặp heo rừng giống, 50 cặp gà H’Mông, đặc biệt là khoảng 10.000 con dông giống và thịt. “Hiện nay heo và gà H’Mông giống không đủ cung cấp cho nhu cầu thị trường. Rất nhiều người chăn nuôi hỏi mua nhưng không đủ bán” - anh Khải nói.
Theo anh Khải, giá gà H’Mông giống hiện dao động từ 17.000 - 19.000 đồng/con, heo rừng giống khoảng 1.500.000 đồng/con nặng 10kg. Anh Khải tính toán: “Một con heo rừng nái một năm đẻ hai lứa được khoảng 16 con. Nếu đem nuôi đến 10kg xuất bán, với giá giống hiện nay, thu về 40 triệu đồng, trừ mọi chi phí (tính cả tiền mua heo mẹ), tôi dễ dàng bỏ túi trên dưới 20 triệu đồng”. Hiện chỉ tính riêng tiền bán heo rừng giống, một năm anh Khải đã thu về khoảng 400 triệu đồng. Các con giống này được dân chăn nuôi, chủ trang trại khác lùng mua để phát triển heo thịt cung cấp cho các nhà hàng trong TP.
Ngoài ra, anh Khải cũng đang đầu tư mạnh vào mặt hàng đặc sản là con dông. Dự kiến cuối tháng 5-2009, anh Khải sẽ cho “xuất chuồng” khoảng 4 tạ dông thương phẩm với giá từ 170.000 - 200.000 đồng/kg. “Các thương lái đã đến đặt hàng để đem đi tiêu thụ trong các nhà hàng, khách sạn ở TP.HCM và Hà Nội. Từ 2 tạ con giống, tôi thả nuôi trên khu vườn hơn 400m2, đến nay đàn dông đã sinh sôi rất đông, mỗi tháng có thể cung cấp cho thị trường hàng trăm ký thịt” - anh Khải nói.
Gà H’Mông, heo rừng, dông... đang được tiêu thụ hằng ngày với một khối lượng lớn tại các nhà hàng, quán ăn TP.HCM do các nhà chăn nuôi cung cấp. Tuy nhiên, để các mặt hàng đặc sản nói trên có chỗ đứng trong các siêu thị là cả một quá trình gian nan. Khi vào siêu thị thì dễ vướng nhiều điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm và mỗi hệ thống siêu thị lại có một yêu cầu khác nhau... như phải chứng minh nguồn gốc, hàng sản xuất trong điều kiện đạt vệ sinh an toàn thực phẩm, quy cách đóng gói và vận chuyển đạt yêu cầu...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận