16/06/2013 00:34 GMT+7

Đa mang một tiếng khẩu cầm

TUẤN KHANH
TUẤN KHANH

TT - Mân mê CD mới vừa phát hành, nghệ sĩ Tòng Sơn hấp háy đôi mắt cười, nói rằng giờ đây ông đã hoàn thành tâm nguyện của mình. Album độc tấu harmonica thứ sáu trong đời ông, cũng là album cuối cùng mà ông để lại, ghi dấu cuộc phiêu lưu hơn nửa thế kỷ trên đất Việt cùng tiếng kèn không đối thủ.

BRLimITC.jpgPhóng to
Nghệ sĩ Tòng Sơn trong tiết mục biểu diễn tại sân khấu Trống Đồng (TP.HCM) tối 13-6 - Ảnh: Gia Tiến

Trong những cuộc trò chuyện về đời mình, nghệ sĩ Tòng Sơn thường nói rằng ông đã đi qua nhiều cuộc tình, nhưng chung thủy và không thể rời xa được, vẫn là mối tình với chiếc khẩu cầm - harmonica. Cuộc gặp gỡ chớp nhoáng giữa những ngày tháng loạn lạc chạy giặc Pháp ở Vĩnh Long năm 1946, cậu trai trẻ Dương Ngô Tòng lượm được cây harmonica của một người lính lê dương đánh rơi. Sững sờ với âm thanh của cây kèn này như một tiếng sét ái tình chớp nhoáng, nên chàng trai đó quyết không bán lại cho bất kỳ ai, dù được trả giá cao.

Năm 1948, tức năm 18 tuổi, Tòng lên Sài Gòn học làm thợ sửa máy đánh chữ. Thuở đó, sửa máy đánh chữ, đặc biệt là chế máy đánh chữ có dấu tiếng Việt, là một nghề dễ sống. Tòng cũng nghĩ rằng mình sẽ sống hết cuộc đời như một anh thợ. Đêm đêm, đô thị đèn vàng nhắc nhớ đến quê nhà hay nỗi cô đơn của một chàng trai từ tỉnh lên thành thị, Tòng chỉ biết mượn cây harmonica làm âm thanh để bớt trống trải tâm hồn chứ chưa bao giờ nghĩ rằng mình có thể thành nghệ sĩ.

Yêu tôi hay yêu đàn...

Album mới tháng 6-2013 và cũng là album cuối cùng nghệ sĩ Tòng Sơn thực hiện với sự hỗ trợ, phát hành của Công ty Phương Nam, có tên Anh còn nợ em.

Trước đó, ông đã có các album độc tấu là Vì đó là em, Dừng bước giang hồ, Những tình khúc khó quên...

Nhưng với album cuối cùng này ông bảo là một tập hợp hết sức chăm chút của ông, dành để lại cho những ai đã biết đến tiếng kèn của Tòng Sơn. Đặc biệt, album này cũng như là một lời xin lỗi với những gì mà ông chưa làm được. “Đời người quá ngắn, vẫn còn nhiều thứ nợ với cuộc đời, con người mà mình yêu thương nhưng không thể làm kịp” - nghệ sĩ Tòng Sơn tâm sự như vậy.

Học thêm chút nhạc lý cơ bản từ anh trai của mình, Tòng mày mò bắt chước chơi lại các bài hát được phát trên đài phát thanh. Thời đó, bài được nhiều người biết đến, lại dễ thuộc, dễ chơi lại trên harmonica là Lên đàng của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Nhiều bạn bè, người quen đã bất ngờ trầm trồ thích thú khi nghe Tòng chơi bản nhạc này một cách điệu nghệ, với nhạc cụ bé xíu trong lòng bàn tay.

Là một thanh niên điển trai, ăn nói thu hút cộng thêm tài biểu diễn harmonica rất độc đáo, Tòng được không ít cô gái mới lớn thầm yêu trộm nhớ. Trong ca khúc Cây đàn bỏ quên của nhạc sĩ Phạm Duy, có câu hát tự vấn rằng “yêu tôi hay yêu đàn...?” cũng mô tả những hoàn cảnh xã hội như vậy ở thời đầu thế kỷ 20, khi nét phong lưu thời mới ở các nghệ sĩ trẻ xuất hiện, luôn cuốn hút các thiếu nữ. Nói đến ngày tháng đó, nghệ sĩ Tòng Sơn cũng bật cười sảng khoái: “Đó là những ngày tháng đáng nhớ, nhưng không biết là mấy cô gái đó thích tui hay là thích tiếng kèn harmonica của tui nữa”.

Do giỏi nghề làm dấu máy đánh chữ, Dương Ngô Tòng được một nhà in mướn về làm thợ sắp chữ typo. Cũng từ công việc này, Tòng tình cờ được các anh em kháng chiến chống Pháp bí mật nhờ làm một số máy đánh chữ để đánh truyền đơn. Việc chế máy, chuyển giao tận Phú Văn, Thủ Dầu Một thành công nhưng sau đó khi truyền đơn xuất hiện, bị truy nguyên nguồn gốc, mật thám Pháp tìm biết người chế bộ chữ Việt này chẳng ai khác hơn là cậu Tòng. Mất việc, bị giải qua nhiều phòng giam thẩm tra như bót Đakao, Gia Định, Catinat... Tòng vẫn lén mang theo mình cây harmonica làm bạn. Nhưng cũng nhờ tài thổi kèn và nụ cười hiền lành của Tòng mà lính gác luôn châm chước.

Nghệ sĩ Tòng Sơn kể rằng nhiều khi lính gác buồn, gọi ông nói chơi một bản harmonica. Ông thổi những bài nhạc Pháp khiến nhiều anh lính nhớ nhà đến sụt sùi. Chàng trai trẻ lúc bấy giờ cảm nhận được rằng với cây harmonica, anh đã có một uy lực kỳ lạ với cuộc đời mà tạo hóa dành tặng, không phải ai cũng có được.

p2j1coDW.jpgPhóng to
Nghệ sĩ Tòng Sơn (giữa, hàng đầu) và các học trò - Ảnh: Tuấn Khanh

Đường đến... quái kiệt

Ra khỏi trại giam, chàng trai trẻ lại bước vào cuộc đời đầy gió bụi khó đoán phía trước, nhưng hành trang lại cũng chẳng có gì ngoài cây khẩu cầm định mệnh.

Năm 1950, trong cuộc tuyển lựa tài năng của Đài Pháp Á, Dương Ngô Tòng thử ghi danh dự thi môn harmonica. Chưa tự tin, anh lấy thêm tên của ba mình ghép vào, để lỡ như có rớt thì còn lấy tên thiệt ráng thi thêm lần nữa. Nghệ danh Tòng Sơn từ đó ra đời. Chỉ một lần xuất hiện, tài năng trình diễn của con người trẻ và rất mới Tòng Sơn hoàn toàn chinh phục khán thính giả. Cây kèn harmonica trước đó vốn chỉ được coi là một nhạc cụ hạng thứ, nhằm giải trí chứ không được so với những nhạc cụ khác như piano, violon... nhưng qua phần trình diễn của Tòng Sơn, từ năm 1955, đặc biệt từ album đầu tay bản băng magné Thần tượng, thì harmonica đã hoàn toàn có một chỗ đứng đáng nể trên sân khấu biểu diễn của VN.

Tìm hiểu và tự học, nâng cấp khả năng của mình về harmonica, Tòng Sơn lại càng biến cây kèn nhỏ trở nên độc đáo khác thường. Đặc biệt, từ khi nhuần nhuyễn kỹ thuật biểu diễn trên các loại harmonica chromatic - cây kèn mà nghệ sĩ Tòng Sơn vẫn nói đùa là “ông kèn sư phụ của harmonica”, tiếng kèn harmonica của ông không chỉ đem lại những giai điệu vui tươi mà còn sâu thẳm trong những bài tình ca không hạnh phúc.

Sân khấu miền Nam thập niên 1960 không dễ được xưng danh là quái kiệt. Những ai có danh hiệu đó chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ngay như danh hài Tùng Lâm ở giai đoạn lừng lẫy nhất cũng chỉ mới được gọi là “tiểu quái kiệt” mà thôi. Nhưng ngoài 20 tuổi, Tòng Sơn đã được gọi là “quái kiệt” cùng với các nghệ sĩ tài danh khác như Trần Văn Trạch, Ba Vân, Bảy Xê...

Năm 1966, khi bộ phim cao bồi lừng danh The good, the bad and the ugly của đạo diễn Sergio Leone đến Sài Gòn, giai điệu bất hủ của cây harmonica do nhạc sư Ennio Morricone tạo ra đã làm giới trẻ trở nên mê đắm âm thanh của nhạc cụ này. Liên tục nhiều năm sau đó, các loại phim cao bồi luôn được đánh dấu bằng âm thanh harmonica đã trở thành một phương tiện quảng bá độc đáo cho tài năng của nghệ sĩ Tòng Sơn. Gần như suốt cả một thập niên, đi đâu người ta cũng yêu cầu ông chơi lại bài nhạc cao bồi này, và cũng khi nhắc tới bài nhạc này, người ta lại cứ phải nhớ đến Tòng Sơn. Cũng vì bị ám ảnh bởi các ký ức này mà năm 2010, khi nghệ sĩ Tòng Sơn đi Mỹ lưu diễn, một nhà nhiếp ảnh đã mời ông đến khung cảnh Mễ Tây Cơ rất ư cao bồi để làm một loạt ảnh cho thỏa ước mong.

Tiếng kèn hư ảo và đệ tử chân truyền

Nói về những điều thú vị mà người ta vẫn hay nhắc đến như việc ông có thể vừa chơi harmonica vừa ăn chuối hay uống bia, nghệ sĩ Tòng Sơn chỉ cười xòa: “Đó chỉ là tạp kỹ sân khấu qua ngày. Quan trọng là nghệ thuật chứ không phải điều đó”. Ấy vậy mà đâu phải chuyện chơi. Đã có những người chơi harmonica thử vượt qua kỹ năng đó suýt nghẹt thở vì chuối.

Dắt kèn vào túi, nghệ sĩ Tòng Sơn rong ruổi khắp mọi nơi và chưa bao giờ nghĩ mình là một “bậc thầy”. Cho đến khi từng người một tìm đến nơi ông biểu diễn, bái sư và xin theo học harmonica, nghệ sĩ Tòng Sơn mới biết rằng mình đã có một “triều đại” harmonica xung quanh. Mới đây, Hoàng Hòa, một trong những “đệ tử” chân truyền từng theo ông gần 10 năm, đã đến làm lễ xin ông chứng nhận việc hình thành một lớp dạy harmonica đời sau, nối tiếp sự nghiệp của quái kiệt Tòng Sơn.

Hằng tuần, trên căn gác mà ông thuê nhiều năm nay trên đường Trần Hữu Trang (TP.HCM) vẫn vang lên tiếng kèn của nhiều đời học trò đến thụ giáo.

Thỉnh thoảng trong các buổi dạy, nghệ sĩ Tòng Sơn được học trò xin ông mang ra giới thiệu bộ sưu tập của mình, là những cây harmonica lớn nhỏ đã cùng ông theo năm tháng. Học trò có đứa nhìn xanh mắt. Có cây đã từng vang lên vào lúc ông chỉ mới là một chàng thanh niên đầy nhiệt huyết, có cây vừa mới theo chân ông ở một điểm diễn lúc xế chiều hôm nọ. Ở lúc đầy đủ nhất, nghệ sĩ Tòng Sơn từng có bộ sưu tập harmonica vô giá với hơn 100 cây kèn đủ loại.

Thế nhưng điều đó có nghĩa gì đâu, cái vẫn lưu luyến và níu chặt cuộc đời này là tiếng kèn hư ảo mà ông chưa bao giờ muốn rời xa, dù năm nay ông đã 84 tuổi và có 64 năm phiêu lưu cùng harmonica qua cõi nhân gian này.

Xóm đêm như cuộc đời tôi

Một trong những bản nhạc mà nghệ sĩ Tòng Sơn hay nhắc tới, hay chơi cho học trò và bạn bè nghe là bài Xóm đêm của Phạm Đình Chương. Giai điệu của bài hát này cứ dìu dặt và cô đơn, lại được lối biểu diễn nhấn, thả điệu nghệ kiểu blues của Tòng Sơn, dễ làm người nghe chìm đắm vào một không gian khác. Một căn gác nhỏ, một lối đi hiu hắt cho mình, phía sau sân khấu rực rỡ ánh đèn màu nhộn nhịp, cũng chính là cuộc sống của ông.

“Xóm đêm như cuộc đời tôi, đêm về lặng lẽ như vậy đó” - ông nói. Đời ông là một chuỗi dài những câu chuyện diễm tình, nhưng lưu lại đáng nhớ vẫn là đời vợ đầu với 10 đứa con. Ấy vậy mà rồi ông vẫn sống một mình. Theo tự ông lý giải thì dường như chính cái nghiệp sân khấu buộc ông phải chọn phần tự do nhất để theo nghề. Nhưng giữ được nghề mà không giữ được sự sum vầy lẽ thường. “Cuộc đời khó đoán, biết đâu mình chọn sống như một người bình thường thì lại không giữ được Tòng Sơn” - ông nheo mắt cười, nói.

TUẤN KHANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên