![]() |
Tranh: Lê Minh Quốc |
Khán phòng phần lớn yên vị, một số tỏ ra chần chừ, chỉ có ba người nhanh chân đi lên để lấy ba cuốn sách. Khi đợi ba nhân vật nhanh nhảu về chỗ ngồi, vị diễn giả liền nở một nụ cười tươi như hoa: “Tôi chỉ có ba cuốn sách và đã dành trọn nó cho những người biết hành động ngay lập tức. Bạn thấy đó, chỉ cần một chút do dự, bạn đã đánh mất cơ hội…”.
Tôi đang ở ngoài công viên, gió mát lành, cách tôi một khoảng có một cô gái xinh đẹp đang ngồi một mình ngẩn ngơ ngắm trời mây... Tôi đã biến khỏi khán phòng trong khi vị diễn giả kia đang hăng hái nói sùi bọt mép. Cảm ơn vị diễn giả kia đã cho tôi một “cơ hội” để có mặt ở “ngoài trời” này. Cảm giác của khoảnh khắc này thật nhẹ nhàng và hạnh phúc. Tôi trộm nghĩ vị diễn giả kia chắc cũng không sung sướng gì khi đi khắp thế giới với một mánh khóe cũ rích “ba cuốn sách... cơ hội để trên bàn”.
Nhưng, đấy là theo suy nghĩ chủ quan của tôi mà thôi, chứ trong thực tế tôi thấy thế giới hôm nay đang rất thịnh hành những “khóa học” đại loại: Đừng bỏ qua cơ hội, Hãy tự tin vào chính mình, Làm giàu không có gì là khó, Không có ai là thất bại... Luôn hướng đến sự thành công, luôn khẳng định mình là người tài giỏi, luôn tận dụng tất cả cơ hội để trở nên thành đạt... là những mẫu người rất thường thấy trong thế giới hôm nay.
Dường như những kẻ khờ khạo, những tâm hồn mộng mơ đang dần bị “tuyệt chủng”?!. Tôi luôn thấy sợ và lạc lõng, chán ngắt khi đứng trong đám đông những người thành đạt hoặc làm ra vẻ thành đạt. Thẳng thắn mà nói tư duy của người thành đạt phần lớn là tư duy ứng dụng chứ không phải tư duy sáng tạo. Một kẻ đi theo con đường sáng tạo tuyệt đối chẳng bao giờ tự nhận mình là thành đạt, mà luôn thấy những thất bại, nỗi cô đơn và cả niềm chết!
2. Nhưng mà chúng ta đang nói về sự tư duy. “Tôi tư duy, tôi tồn tại” là câu nói rất nổi tiếng của triết gia người Pháp Descartes (có văn bản khác dịch theo sát nghĩa cụm từ Latin Cogito ergo sum - Tôi tư duy, vậy tôi hiện hữu). Tôi không biết đề dẫn “Tôi tư duy...” mang một hàm nghĩa và hướng đến những phương nghĩa nào. Nhưng câu nói của Descartes thực chất là sự hoài nghi về sự tồn tại bản chất tất cả những điều hiện hữu trong ông. Trong mỗi chúng ta luôn luôn có “một cái gì đó”, mà nhiều khi chúng ta không thể giải mã được, nhưng rõ ràng nó đang hiện hữu. Tôi tư duy, tức là tôi đang vận hành khả năng “tự biết” về cái hiện hữu đó. Và, cái “tôi tư duy” đó là không bao giờ dừng lại. Tư duy cho đến... ngủm củ tỏi thì thôi (!).
Nếu cho tư duy như là sự tính toán và tồn tại như là sự thành công thì hẳn chúng ta đã đi “trật đường ray” so với câu nói bất hủ của Descartes. Nhưng, thực tế tôi thấy hầu hết chúng ta hôm nay đều nhìn nhận câu nói (vấn đề) trên theo phương diện thực dụng như vậy. Một anh đọc nhiều sách lúc nào cũng mang tâm lý dương dương tự đắc cho rằng mình đã thâu tóm được tất cả “trí khôn” của nhân loại, cho rằng chỉ có mình là biết tư duy.
Thật ra, tư duy theo đúng tinh thần của câu nói “Tôi tư duy, tôi tồn tại” không phải là lối tư duy “ăn theo” để ứng dụng, mà là khả năng “tự biết” một cách âm thầm của mỗi người. Tư duy là để soi rọi vào sự hiện hữu bản thể của cá thể con người. Tư duy như thế còn đồng nghĩa với sự cô đơn chứ không phải là nỗi hân hoan thành đạt đám đông. Và, tư duy như thế không phải ai cũng có thể “có mặt điểm tên” vào danh sách. Đương nhiên vắng mặt chính là tôi, một kẻ khoái mộng mơ hơn là tư duy.
3. Chúng ta đều biết theo y học, bộ não con người chia làm hai phần: bán cầu não trái và bán cầu não phải. Bán cầu não trái (tưởng là trái, không thuận) nhưng lại dùng vào việc rất quan trọng, cần thiết cho đời sống là tư duy, tính toán, làm ăn... Còn bán cầu não phải (tưởng như chân phải, nhiều người thuận dùng đá bóng) lại dùng vào những việc rất vớ vẩn: mơ mộng.
Cũng theo sách y học nói thì thật ra không có người nào là dốt hơn người nào cả, chẳng qua người đó đang “xài” phần bán cầu não nào mà thôi. Người khoái xài bán cầu não phải (để mơ mộng) đương nhiên là không thể nào giỏi tính toán, áp phe, vô mánh được. Ở Singapore hiện nay có một nhân vật tuổi trẻ khá nổi tiếng đó là Adam Khoo, người viết cuốn sách best-seller I am gifted, so are you (tạm dịch là Tôi tài giỏi, bạn cũng thế).
Adam Khoo từng được xem là một đứa trẻ đần độn hết thuốc chữa, nhưng từ khi được đưa vào Trường Thiếu niên siêu đẳng (cũng ở Singapore) thì anh trở nên thông minh hết biết nhờ phương pháp “đánh thức sự làm việc” của bán cầu não trái. Trong cuốn sách của mình, Adam Khoo đã tập trung đưa ra tất cả những lý thuyết và phương pháp để chứng minh rằng:“Bạn cũng tài giỏi giống như tôi vậy”.
Và, cuốn sách của Adam Khoo đã được Tony Buzan (đã từng đến VN; người đạt danh hiệu người có trí thông minh sáng tạo nhất thế giới - Creativity IQ), người phát minh sơ đồ tư duy - Mind Mapping®), chủ tịch Tổ chức về não bộ - Brain Foundation)...) quan tâm “cho vài lời” giới thiệu (có lẽ cũng nhờ “thương hiệu” Tony Buzan mà cuốn sách của Adam Khoo bán đắt như tôm tươi?!).
Sau khi cuốn sách của Adam Khoo phát hành, có lẽ số người thông minh đã được tăng lên đáng kể. Nhưng thử giả sử nếu một ngày toàn nhân loại ai cũng thông minh, tài giỏi, thành đạt hết thì sao nhỉ?! Thì... thế giới hẳn sẽ buồn vô cùng. Lúc đó loài người sẽ nhớ đến khóc ròng Don Quixote, Hoàng Tử Bé, thằng Bờm... Có thể đến một lúc nào đó con người ta sẽ quên hết các vĩ nhân, thiên tài mà chỉ nhớ và tôn vinh những kẻ khờ khạo, mộng mơ; những người dám sống “ra mình” nhất mà không cần biết mình đang xài phần nào của bộ não. Như vậy thì có lẽ còn lâu mới hết thời của mộng mơ...
Áo Trắng số 7 (ra ngày 15-8-2007) hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận