Đại hội yêu cầu: “Xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát tính hợp hiến, hợp pháp trong các hoạt động và quyết định của cơ quan công quyền”; “Xây dựng cơ chế phán quyết về những vi phạm hiến pháp trong hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp”.
Đó là những nội dung tiến bộ, quan trọng, đã tạo cơ sở để ta nghĩ đến việc lập tòa án hiến pháp. Tuy nhiên, dù đã nói tới lâu rồi nhưng việc lập tòa án này vẫn chưa thành hiện thực. Nhiệm kỳ Quốc hội (QH) mới nên làm điều này, vì muốn kinh tế phát triển phải tạo ra một môi trường pháp lý hoàn thiện.
Đã có việc các cơ quan nhà nước cứ làm mà không nghĩ đến hiến pháp (như việc cấm đăng ký xe máy trước đây), việc nhiều bộ ngành làm sai luật, việc ban hành giấy phép, điều kiện kinh doanh, hạn chế quyền kinh doanh của người dân... mà không bị một cơ quan nào phán xét cả. Nếu được thành lập, tòa án hiến pháp sẽ là một thiết chế để bảo vệ nhân dân, tránh sự cẩu thả và suy diễn, cũng như thói quen làm việc mà không cần nghĩ đến luật của các cơ quan nhà nước. Từ sự phán quyết của tòa án này dựa trên cơ sở hiến pháp, tiền đề cho một nhà nước pháp quyền mới được xây dựng. Bởi nếu chỉ có công dân tuân theo pháp luật thôi chưa đủ.
Chúng ta nói đến cải cách hành chính, cải cách đó tập trung vào yếu tố một cửa, như thế là hẹp. Trong khi đó, nghị quyết đại hội Đảng rộng hơn rất nhiều. Từ lâu tôi đã nêu mệnh đề nhà nước không thể tự cải cách mình, giống một người ốm không thể tự chẩn bệnh và điều trị cho bản thân mà phải có sự giám sát. Có rất nhiều công việc phải làm như phát huy quyền giám sát của người dân, tăng cường vai trò của các hiệp hội. Nhưng liên quan đến các cơ quan chức năng có quyền lực lớn thì cần phải có một cơ quan có quyền phán quyết dựa trên hiến pháp.
Khi Đảng đã đặt mục tiêu xây dựng một nhà nước pháp quyền nghĩa là đã định hướng mọi tổ chức đều phải tuân theo pháp luật. Đảng càng nghiêm túc trong tôn trọng ý kiến, lợi ích của dân, tôn trọng hiến pháp, pháp luật bao nhiêu thì càng tăng niềm tin, sự đồng thuận của dân đối với chính sách của Đảng. Dân “tâm phục, khẩu phục” thì các chính sách dễ được thực hiện đầy đủ, không hình thức.
Khi tòa án hiến pháp được thành lập, để tránh ảnh hưởng đến những phán quyết của nó thì các thành viên của tòa này nên do QH bầu và họ sẽ được ở vị trí đó đến hết đời, không ai có quyền tước quyền của họ như cách làm của hầu hết các nước khác trên thế giới. Về công việc, tòa này sẽ có quyền xem xét, phán quyết, tuyên vô hiệu tất cả văn bản vi phạm hiến pháp, kể cả của QH.
Người VN nói chung chưa quen tuân thủ pháp luật một cách triệt để, chưa quen có một tổ chức độc lập. Bộ máy nhà nước của chúng ta vẫn đang ở dạng nhân trị chứ chưa phải pháp trị. Như cán bộ địa phương thì vẫn rất ngại đụng đến quyết định của lãnh đạo địa phương mình, dù biết ý kiến chỉ đạo của vị ấy sai luật. Mục tiêu nhà nước pháp quyền vẫn đang ở phía trước và nó có đến hay không, nhanh hay chậm đang phụ thuộc vào quyết tâm của Nhà nước. Nhiều người có thể nói rằng đặc thù ở ta chưa phù hợp cho tòa án hiến pháp. Nhưng nghị quyết Đại hội Đảng X đã định hướng rất rõ rồi, giờ đến lúc phải làm chứ không thể trì hoãn mãi. Tôi mong QH khóa XII sẽ nhanh chóng thực hiện chủ trương này.
Trong một đất nước mà dân chủ được coi là mục tiêu thì các cơ quan quyền lực đều phải bị giám sát, như QH được giao giám sát Chính phủ. Nhưng ai giám sát QH? Chưa có, nếu có, tòa án hiến pháp sẽ làm điều đó. Điều này sẽ giúp hoàn thiện vòng tròn giám sát, đưa luật lên vị trí tối thượng, tạo một nhà nước pháp quyền, không cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào đứng trên pháp luật.
Xã hội đã thay đổi, dân trí đã được nâng cao một bước, công nghệ thông tin đã mở rộng khả năng tiếp cận thông tin nhiều chiều của người dân. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc thực hiện kịp thời những quyết định đúng đắn của Đại hội X sẽ góp phần thúc đẩy quá trình dân chủ hóa, công khai minh bạch và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Việc này càng làm sớm chừng nào hay chừng đó!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận