![]() |
- BS Nguyễn Đình Sang (Chuyên khoa BS gia đình, TT y tế quận I): Các môi trường trong suốt của nhãn cầu đi từ trước ra sau gồm có:
- Giác mạc.
- Thuỷ dịch: là một chất lỏng trong suốt.
- Thuỷ tinh thể: có hình thấu kính hội tụ trong suốt, có tác dụng giống như vật kính của máy ảnh.
- Thuỷ tinh dịch: là một chất keo trong suốt nằm sau thuỷ tinh thể và trước võng mạc.
Bệnh cườm mắt (cườm khô) y học gọi là đục thuỷ tinh thể. Đó là hiện tượng thuỷ tinh thể mất đi sự trong suốt bình thường của nó.
Nguyên nhân
- Đục thuỷ tinh thể gặp ở người già: nguyên nhân chưa rõ nhưng người ta cho rằng đó là một phần của sự lão hoá.
- Đục thuỷ tinh thể bẩm sinh: thường xảy ra do trong quá trình mang thai bà mẹ bị nhiễm trùng như bị nhiễm rubella; do tác dụng của một số thuốc bà mẹ dùng trong lúc mang thai; do trẻ bị hội chứng Down…
- Đục thuỷ tinh thể do chấn thương mắt, dị vật đâm vào thuỷ tinh thể.
- Đục thuỷ tinh thể ở bệnh nhân bị đái tháo đường.
- Các nguyên nhân gây đục thuỷ tinh thể khác như: dùng corticoid kéo dài; ngộ độc naphtalene, nấm mốc; do điện giật; do tia X; do tia hồng ngoại, tử ngoại; do sóng vi ba…
Triệu chứng
Triệu chứng chính là thị lực giảm từ từ, bệnh nhân bị loá mắt khi ra chỗ có nguồn sáng mạnh, nhìn màu sắc bị xáo trộn như nhìn màu đỏ, màu vàng, màu cam nổi rõ, màu xanh bị mờ đi.
Điều trị: thường phải mổ lấy đi thuỷ tinh thể bị đục và thay vào đó bằng một thuỷ tinh thể nhân tạo.
Mắt của mẹ bạn là “cườm non“ có nghĩa là mới bị đục thuỷ tinh thể, thị lực có lẽ chưa giảm nhiều và có thể chỉ bị một mắt nên mắt kia nhìn bù lại được. Nếu để một thời gian có thể đục thuỷ tinh thể sẽ tiến triển trở thành đục hoàn toàn (cườm già), lúc đó mắt bị đục thuỷ tinh thể sẽ không còn nhìn thấy, khi đó sẽ phải phẫu thuật lấy thuỷ tinh thể bị đục và thay bằng thuỷ tinh thể nhân tạo; thị lực lúc đó sẽ được phục hồi. Bạn cứ yên tâm! Bạn không cần phải có chế độ ăn uống đặc biệt nào cho mẹ bạn.
|
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận