18/10/2015 08:19 GMT+7

Cuối tuần với Mây ở Sài Gòn

CÁT KHUÊ (catkhue@tuoitre.com.vn)
CÁT KHUÊ (catkhue@tuoitre.com.vn)

TT - Sài Gòn đang mùa bão rớt nên chiều nào cũng đổ mưa. CGV Arthouse thì ở khá xa trung tâm nên ai cũng lo lắng cho sự thiếu thiên thời địa lợi của buổi ra mắt Người trở về. May mà nhân hòa!

Người trở về và đạo diễn Đặng Thái Huyền ở TP.HCM - Ảnh: CGV
Người trở về và đạo diễn Đặng Thái Huyền ở TP.HCM - Ảnh: CGV

Dù đúng 6 giờ (giờ đón khách) thì trời đổ mưa như trút. Khách đã đến đông dần lên rồi kín sảnh. Bóng dáng những người lính mang quân phục, quân hàm có vẻ như là một hình ảnh khá lạ lẫm với một buổi ra mắt phim. Đạo diễn - biên kịch là thiếu tá, giám đốc hãng phim là thượng tá. Và sự có mặt của trung tướng Phạm Văn Dỹ - chính ủy Quân khu 7 - đã thật sự là một điểm nhấn cho buổi ra mắt phim của những người lính thêm đặc biệt.

Hai phòng chiếu kín chỗ ngồi. Vé xem phim của hai ngày thứ bảy, chủ nhật đã được đăng ký hết. Chỉ còn ít suất 10 giờ đêm khuya. Ngày thứ hai cũng đã hết vé các suất chiều tối… Nhiều gương mặt hụt hẫng vì cứ tưởng đến sớm mà vẫn là trễ để đăng ký vé.

Gần hai giờ khán giả trong hai rạp xem phim là gần hai giờ êkip làm phim ngồi nhấp nhổm bên ngoài. Những suất chiếu và hơn 100 bài báo khen ngợi Người trở về từ Hà Nội đã là áp lực khiến mọi người căng thẳng. Đạo diễn Đặng Thái Huyền, biên kịch Nguyễn Thu Dung ngơ ngác. Ngay cả thượng tá Phạm Tiến Cường vốn là một diễn viên nổi tiếng nhưng khi phát biểu trước giờ chiếu phim, anh cũng nghẹn giọng mấy lần.

Đặng Thái Huyền chia sẻ trước buổi chiếu: “Tôi chấp nhận không an toàn khi đem phim vào Nam, bởi lẽ tôi cũng hiểu khi khán giả truyền thống phía Bắc quá thiện cảm thì khán giả phía Nam cũng vô hình trung mà quá chờ đợi, khắt khe hơn. Nhưng tôi không ngại điều đó. Tôi chờ đợi những lời phê bình nghiêm khắc, những lời chê…”.

Và ngay vào cuộc họp báo sau buổi chiếu, người phát nổ đầu tiên không ngờ lại chính là trung tướng Phạm Văn Dỹ khi ông được hỏi “là người lính đã kinh qua trận mạc, ông thấy phim của lớp hậu sinh nhìn cuộc chiến ra sao?”.

Trung tướng Phạm Văn Dỹ chê ngay: “Có hai điểm về quân sự trong phim này vô lý. Không có quân đội nào mà lại có chiến lược ở dưới là pháo binh mà phía trên là trực thăng quần đảo bắn xuống. Và những người lính trong phim sao cứ chạy vòng vòng tránh bom đạn với trực thăng rất gần mà không phản ứng lại? Súng AK đâu?”.

Tuy nhiên ông cũng “an ủi”: “May là dù sai về quân sự nhưng tính nhân văn, câu chuyện xúc động mà các bạn kể đã phần nào che mờ được những cái sai đó. Tôi rất cảm động khi xem phim!”.

Nhà báo Lê Hồng Lâm thì bảo: “Phim chỉn chu, giỏi nghề, nhất là khá nhiều những góc máy đẹp, dụng công và độc đáo. Nhưng phim cũng bị cũ, còn nhiều chi tiết sáo mòn. Tôi cũng không thích cảnh… cô vợ San đẻ. Cứ như chỉ có một mình cô này biết và một mình cô này từng đẻ trên phim!”.

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, ướt nửa người vì vượt mưa đến xem phim, thì nói : “Phim tốt, Đặng Thái Huyền giỏi quá, phụ nữ mà làm phim chiến tranh như vậy là giỏi. Tôi chưa thích diễn viên lắm nhưng thích diễn xuất của Trương Minh Quốc Thái, thích nhất là cảnh Quang (Trương Minh Quốc Thái) đến lợp mái nhà cho Mây. Cái cảnh ấy làm giỏi, hồn nhiên vô cùng”.

Đạo diễn NSND của phim tài liệu - Nguyễn Thước ngồi trầm ngâm ngoài sảnh. Ông không vào xem phim dù đã bay từ Hà Nội vào đây chỉ vì muốn động viên những người em, người cháu đồng nghiệp mà ông yêu quý. Ông bảo: “Tôi sợ xem lại phim này lần thứ hai. Một phần vì tôi muốn sống với cảm giác ban đầu của mình. Một phần có lẽ tôi cũng hơi nhạy cảm, tôi đã bị xúc động mạnh với bi kịch mà Mây phải chịu sau cuộc chiến, nó làm tôi đau lòng. Khó mà chịu sự đau lòng ấy thêm lần nữa…”.

Chiến tranh, như lời nhà văn Chu Lai nói mà ông Kwak Dong Won đã dẫn ra khi phát biểu chào mừng đoàn phim Người trở về ra mắt: “Trong cuộc chiến, sự có mặt của phụ nữ làm xanh trận mạc, làm mềm đạn bom”.

Mây của Người trở về khốc liệt hơn những tính từ dịu dàng ấy, khốc liệt và đau đớn ngay cả khi trở về. Để những ngày cuối tuần Sài Gòn, khán giả chắc hẳn sẽ rưng rưng với những bi kịch sau cuộc chiến Mây phải chịu đựng. Để khán giả lựa chọn rằng tiếng gọi Mây cuối phim khi cô đã như tuyệt vọng là tiếng của ai? Là San - người đàn ông cô đã yêu và tin rằng anh chờ đợi? Hay Quang - người lính trinh sát tình cờ gặp trong đạn bom, hẹn ngày trở về tìm gặp chỉ bằng một cái tên, bằng một địa chỉ ở bến sông Châu…?

Và Mây đã vào Sài Gòn.

CÁT KHUÊ (catkhue@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên