14/12/2013 09:00 GMT+7

"Cuộc sống này quý giá lắm...!"

LÊ MỸ TRANG
LÊ MỸ TRANG

AT - Khi đọc qua các bài viết về người thầy, hình ảnh đầu tiên hiện lên trong ký ức tôi chính là hình ảnh về thầy Vinh. Người thầy không phải là giáo viên chủ nhiệm cũng không phải thầy dạy tôi trong các trường lớp chính quy, thầy chỉ là gia sư dạy kèm cho nhóm chúng tôi. Nhưng với tất cả những gì thầy đã làm, những điều tôi có được hôm nay (dù không quá to lớn) nhưng xin dành bài viết này tri ân tới thầy.

mKzIMl0k.jpgPhóng to

Tên đầy đủ của thầy là: Hà Quốc Vinh, thầy từng có thời gian giảng dạy toán tại Trường chuyên Lê Hồng Phong. Về sau thầy chuyển sang kinh doanh nhưng vẫn nặng nợ với nghề giáo, nên buổi tối thầy vẫn nhận dạy kèm tại nhà và trung tâm. Tôi được biết thầy vào dịp lớp 12, khi ấy tôi khá yếu các môn thuộc khối A, đặc biệt là hóa. Tôi khó có thể nhớ được các công thức, chất này cộng với chất kia ra cái gì, axit khác bazơ chỗ nào? Với tôi những phản ứng thí nghiệm cứ như một trò phù thủy, khiến tôi mơ màng tới các câu chuyện cổ tích huyền bí... Vì lẽ ấy điểm hóa của tôi lúc nào cũng lẹt đẹt 3, 4 đi đều. Gần nhà tôi có một nhóm bạn tụ lại mời gia sư về. Tôi cũng lân la đến học chung.

Ngày đầu tiên gặp thầy (2007), tôi có ấn tượng thầy khá trẻ, hiền và... đẹp trai nữa chứ. Nhưng không giống như bề ngoài, thầy khá kỹ tính. Khi dạy thầy truyền đạt hết mình, ngoài những kiến thức chính thầy còn dạy chúng tôi cách học, các bí quyết bản thân thầy đã tự rút ra được. Thầy còn chỉnh sửa cả cách ngồi học, cách viết chữ sao cho rõ ràng, đẹp... Suốt mấy tháng học với thầy kiến thức môn hóa của tôi tiến bộ thấy rõ, những phản ứng hóa học không còn lơ mơ với tôi. Bây giờ tôi có thể giải thích rành mạch hiện tượng hóa học trong các bài thí nghiệm. Giai đoạn chúng tôi làm hồ sơ thi đại học, thầy hướng dẫn cặn kẽ như một người anh đầy kinh nghiệm. Nào là: “Các em nên nộp hồ sơ dư ra một chút để đến ngày thi nếu suy nghĩ lại thì vẫn có cơ hội thi. Các em nên sử dụng bút loại... ghi hồ sơ cho rõ không bị lem mực. Các em nên viết cẩn thận, dò lại từng lỗi chính tả, ngày tháng năm sinh, nét chữ nết người nên các em phải cẩn thận, vì người ta đánh giá con người bước đầu qua nét chữ...”.

Trong những giờ dạy bên cạnh kiến thức, giờ giải lao thầy còn kể cho chúng tôi nghe về quê hương Quảng Nam của thầy, về quãng đời học sinh và những khó khăn thầy đã vượt qua. Thầy luôn lồng vào từng câu chuyện kể là những ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Vì thế ngoài học toán, hóa chúng tôi còn biết được những cảnh đẹp nên thơ của phố Hội qua lời kể của thầy, những lời răn bảo của thầy chuyển tải qua từng câu chuyện thực tế cũng dễ dàng trôi tuột vào đầu óc chúng tôi... Tốt nghiệp phổ thông, tôi là đứa có điểm cao nhất trong nhóm. Ước mơ đặt chân vào giảng đường ngày càng rực sáng, nhưng sau đó mẹ tôi bị tai biến cùng lúc phát hiện suy thận mạn giai đoạn cuối phải chạy thận suốt đời. Nhà tôi chỉ có mẹ là trụ cột chính. Tôi lặng lẽ rời nhóm học với lý do: “Mẹ em ốm ạ”.

Những ngày tháng các bạn cùng trang lứa vùi đầu vào sách vở cho kỳ vượt vũ môn thì tôi loay hoay trong bệnh viện với máu, dịch truyền, thuốc men và một đống nợ chất ngất. Tôi đã nghĩ ước mơ vào đại học thật sự quá tầm với.

Một ngày tôi đang cầm cuốn sách văn đọc cho đỡ nhớ trường lớp thì thầy xuất hiện cùng với nhóm bạn học chung. Thầy bảo với tôi thầy đã sắp xếp công việc của thầy, từ giờ tới ngày thi còn một tháng thầy sẽ vào viện cùng tôi ôn thi. Cảm giác tôi lúc bấy giờ như người bị lũ cuốn mà vớ được phao. Ngày ngày trong bệnh viện mọi người thấy được cảnh một thầy giáo trẻ với compa, thước kẻ, máy tính tận tình chỉ bảo cho cô bé học trò hốc hác. Tôi thi vào khối D, thầy luyện cho tôi toán và chỉ tôi một số bí quyết tiếng Anh. Ngày tôi đi thi, tôi gửi mẹ lại cho người cùng phòng trông giúp, thầy chở tôi đến điểm thi kèm thêm một ổ bánh mì: “Em ăn cho có sức”. Khi ấy mẹ tôi nằm tại Bệnh viện 115, còn tôi thi tại Trường đại học Giao thông vận tải tuốt bên quận 9, nhà thầy thì ở tận Gò Vấp.

Ngày cầm giấy báo điểm thi, người tôi muốn cảm ơn nhiều nhất chính là thầy. Số điểm đậu của tôi vừa khít với điểm của trường, tôi trở thành tân sinh viên Trường đại học Văn hóa TP.HCM. Khi ấy, mẹ tôi cũng bớt bệnh được xuất viện và chỉ lên bệnh viện để chạy thận định kỳ.

Bốn năm đại học đầy thăng trầm với bao vất vả khó khăn khi vừa lo cho mẹ chạy thận vừa chật vật với cuộc sống sinh viên. Bên cạnh sự hỗ trợ của các bạn và những thầy cô khác, thầy Vinh luôn là nơi cho tôi những lời khuyên quý báu khi tôi gặp khó khăn. Thầy bảo: “Cuộc sống có nghiệt ngã con người ta mới vững vàng được em à. Dù cho cuộc sống có vùi dập ta bao nhiêu cũng phải mạnh mẽ lên, ý chí quyết tâm sống tới cùng”.

Thời gian cứ trôi, bao biến cố trong cuộc sống: mẹ bệnh nặng, chia tay người yêu, tốt nghiệp đại học, thi vào cao học..., thầy luôn bên cạnh cho tôi những lời khuyên kịp thời đúng lúc. Khi tôi đậu vào cao học (2011) Trường đại học KHXH&NV trong lần thi đầu tiên, cũng lại từ bệnh viện tôi báo tin cho thầy, thầy chỉ bảo: “Thầy biết em làm được”.

Bây giờ, thầy không còn dạy học nữa, thầy đã chuyển sang kinh doanh, làm giám đốc một công ty xây dựng nhỏ và có một gia đình nhỏ. Mỗi khi tới thăm thầy, thầy trò tôi vẫn thầy thầy em em. Thầy vẫn là một “anh giáo” tận tụy hết lòng như xưa chứ không phải một giám đốc xa cách. Thành công của thầy càng cổ vũ cho tôi phải cố gắng hơn nữa. Em cảm ơn thầy, người thầy xứ Quảng thân yêu. Em sẽ nhớ mãi lời thầy: “Cuộc sống này quý giá lắm, phải sống mạnh mẽ lên”.

grKokzUr.jpg

Áo Trắng số 22 ra ngày 1/12/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

LÊ MỸ TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên