![]() |
Alvares Cabral, chiến hạm của hải quân Bồ Đào Nha, bắt được nhóm cướp tấn công tàu Ortube Berria trên biển Ấn Độ Dương cuối năm 2009 - Ảnh: Reuters |
Các tàu chiến này đến từ những lực lượng như EU, NATO, Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản... Dù không có tổng chỉ huy, hằng tháng họ vẫn gặp nhau một lần ở đảo quốc Bahrain để bàn bạc tình hình hoặc liên lạc qua “chat room” .
Trong nhiều tháng trời quan sát, các sĩ quan hải quân nhận ra một điều: hải tặc và người đánh cá hiền lành đều có thuyền giống nhau và đều sử dụng súng AK-47, một bên để tấn công, một bên để tự vệ. Nhưng chi tiết phân biệt giữa hai nhóm người này là một vật dụng khá quen thuộc: cái thang.
“Ngư dân bình thường không cần thang”, Andreas Kutsch, một sĩ quan hải quân người Đức làm trợ lý cho lực lượng chống cướp biển của EU, giải thích. Ông chỉ đèn chiếu vào những cái thang sắt dài nằm ngả nghiêng bên đống thùng chứa nhiên liệu vừa bắt được. “Còn cướp biển sẽ áp sát tàu mục tiêu và dùng thang để đột nhập lên đó”. Đấy là chưa kể các chùm móc sắt dễ giấu hơn được chúng dùng để quăng lên boong rồi đu lên.
Như vậy, binh lính tuần tra khi nhìn thấy thang trên một chiếc thuyền nhỏ, họ biết chắc chắn chủ nhân của nó chỉ có một mục đích cướp tàu trong đầu. Ngay lập tức, họ sẽ báo thông tin về phòng điều hành của chiến hạm lớn. Ở đây, các chỉ huy sẽ liên hệ với nhau qua điện thoại hay email để hướng tàu hàng đi vào vùng biển an toàn hơn.
Tàu biển hiện nay phải tránh cướp tấn công bằng những cách khác nhau như dùng dây thép gai quấn quanh boong để ngăn kẻ xấu trèo vào. Các sĩ quan cho hay nếu tàu có thể làm chậm tốc độ của hải tặc khoảng 15 phút, họ có thể nhận được hỗ trợ kịp thời của hải quân. Lực lượng này có thể gọi một máy bay trực thăng đến điểm gặp nạn trong 15 phút đó.
Tuy nhiên, phần lớn trong số 15 tàu và hàng trăm thủy thủ đang nằm trong tay cướp biển hiện nay lại bị bắt giữ ở phía nam vịnh Aden, trong vùng Ấn Độ Dương rộng hơn. Đây là nơi lực lượng hải quân còn mỏng nên khó có thể kiểm soát được cả vùng biển lớn.
“Khoảng cách đúng là thách thức khó khăn - ông Peter Hudson, thiếu tướng hải quân chỉ huy hải quân EU ở Somalia, thừa nhận - Chúng tôi có thể phái trực thăng đi tuần để xác định nhóm hải tặc nhưng phải cần đến 2-3 ngày để hạ gục tàu của chúng”.
Trong tháng 4 và tháng 5 vừa qua, sáu tàu của EU và các lực lượng phương Tây khác đã đánh bại 59 nhóm cướp biển thường đi theo mô hình một tàu mẹ dài chừng 5m cùng các thuyền nhẹ nhỏ hơn. Trong đó có vụ tàu chiến Nga giải cứu được một tàu chở dầu trị giá hàng chục triệu đôla bị cướp biển khống chế.
“Tỉ lệ thất nghiệp ở Somalia rất cao - Hans Helseth, thiếu tướng hải quân trong NATO từng theo dõi hải tặc 3 năm qua, cho hay - Trong khi đó, mỗi tên cướp biển có thể kiếm được đến 20.000 USD một năm nhờ các khoản tiền chuộc. Ai mà không bị cám dỗ cơ chứ!”. Hiện ở quốc gia này có đến hàng nghìn người làm cướp biển. Các chuyên gia của NATO tin rằng số lượng cướp biển đã tăng lên gấp ba trong vòng một năm qua.
Tuy nhiên, nỗ lực của hải quân quốc tế vẫn không thể dẹp tan nạn cướp biển bởi vướng phải rào cản của quy trình tố tụng liên quốc gia. Nhiều vụ việc đưa cướp biển ra xét xử kéo dài hàng năm trời và tốn một khoản tiền lớn. Do đó, bên quân sự cho rằng họ buộc hải tặc đầu hàng, vứt vũ khí đã là một thành công. Sau đó, họ thả chúng về bờ biển Somalia với niềm tin rằng ít nhất trên chặng đường về đó, chúng không thể gây hại cho tàu nào nữa và cũng có khả năng chúng sẽ chết ở dọc đường.
“Chúng tôi hi vọng ngăn cản chúng làm ăn trong thời gian này - ông Hudson nói - Cướp biển sẽ gặp khó khăn trong vài tháng tới bởi gió mùa ở vịnh Aden xuất hiện hai lần một năm, kéo dài từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12”.
“Mục tiêu của chúng tôi là giữ tình hình ở mức chấp nhận được, còn việc dẹp bỏ hoàn toàn tôi e là khó lắm”, ông Hudson thừa nhận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận