![]() |
Sinh viên Việt Nam đang gói bánh chưng ở Úc. Ảnh: Đức Trực |
* Mình đang ở Mỹ, vừa làm việc vừa theo dõi chương trình Tết online của Tuổi Trẻ. Chúc mừng năm mới tới tất cả các bạn! Mình đang rất nhớ nhà, nhớ VN. Mong mọi điều tốt đẹp sẽ đến với chúng ta. (hunggiangthinh@)
* Mình đang làm việc ở đây, San Jose CA , nhưng lòng mình đang hướng về quê nhà lúc này. Chúc mọi người vạn sự như ý. Ba mẹ ơi, chúng con rất nhớ ba mẹ, ước gì tụi con có ở nhà lúc này để được đón giao thừa, để được đi chùa cùng ba mẹ.(Chau Nguyen)
Mình sống ở Thụy Điển đã 2 năm. Hôm nay, mình đã không rời khỏi máy suốt 10 tiếng đồng hồ rồi. Bất cứ một tin tức nào vừa cập nhật là mình đọc liền. Ai đi xa mới thấy thấm thía nỗi nhớ những ngày này (Quoc Thang) |
* Hiện mình đang sống ở Hà Lan. Mình theo dõi tivi Việt Nam, sao nhớ nhà quá ! Nhớ Tết Việt Nam vô cùng. Giá mà giờ này mình đang ở nhà đón Tết thì vui biết mấy ! (hien anne)
* Sắp đến giờ phút giao thừa rồi, sao lòng mình nôn nao quá, trong tâm trí mình vẫn nhớ như in cái không khí này, giờ này ở trung tâm thành phố mọi người đang hối hả tìm chỗ thuận lợi nhất để xem bắn pháo hoa! (Nguyen Duy Thach, Bruxelles- Bỉ, 30 tuổi).
* Chào các bạn! Tôi đang ở Barcelona-mùa đông lạnh lẽo nhớ tết VN quá. Thèm được ăn mâm cơm chung gia đình, thèm được trò chuyện cùng bạn bè...Chúc tất cả mọi người đón một mùa xuân hạnh phúc. Có đi xa mới biết mùa xuân ở VN hạnh phúc biết dường nào. (Nguyễn Hữu Nghĩa lưu học sinh Master, Barcelona TBN, huu-nghia.nguyen…@insa-lyon.fr, 26 tuổi).
* Mình đang sống và làm việc ở Kobe, Nhật Bản. Dù đây là lần thứ hai mình đón Tết ở Nhật, nhưng sao vẫn thấy buồn như lần đầu mới qua. Cũng may mắn là năm nay bạn bè của mình ở Nhật rất nhiều. Mình vừa có một buổi tiệc rất vui với mọi người, nên cũng đỡ nhớ nhà. Nhưng không biết tại sao, mình vẫn thèm cái mùi của bánh chưng, bánh tét, vị ngọt mát của quả dưa hấu quá chừng (Tran Ngoc_Khanh).
* Tôi là Kenny Nguyễn. Kính chúc mọi người cùng gia quyến Xuân Đinh Hợi 2007 ngập tràn niềm vui - An Khang & Thịnh Vượng.
* Chỉ còn hơn chục phút nữa là đến giớ phút thiêng liêng, một mình ở nơi đất khách quê ngươi, tôi đang đếm ngược từng phút (Duy Thach Nguyen).
Mình la John Vũ, hiện sống tại Seattle, giao thừa đã đến rồi, sao mình nhớ nhà, nhớ gia đình, bạn bè, và nhất là nhớ đứa con gái 6 tuổi quá. Tết mà được đưa con gái đi dạo phố và chúc tết thì hạnh phúc biết mấy! Chúc TTO và các bạn năm mới an khang – thịnh vượng! |
* Chúc cho tất cả các bạn đang tham gia chương trình này một năm mới An Khang Thịnh Vượng, Vạn Sự Như Ý, Dồi Dào Sức Khoẻ và cuối cùng là Gia Đình Hạnh Phúc!!!! (Đỗ Lâm Xuân Thy, Emailuanthy…@yahoo.com.vn, 17 tuổi).
* Mình ở Nhật được nửa năm, và ở đây mình chưa gặp và quen ai là người Việt hết. Đây là Tết đầu tiên mình xa nha nên buồn quá. Nhớ không khí Tết ở Việt Nam quá.
* Chào Tuổi Trẻ, tôi sống ở Đan Mạch đã được một năm. Mấy ngày nay, tôi thật sự nôn nao, nhớ không khí hây hây lạnh đêm giao thừa, nhớ chợ hoa đêm, nhớ nhà, nhớ tất cả những gì thuộc về VN... Cảm xúc thật khó tả. Tôi rất nhớ và ao ước thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Hai tiếng VN lúc nào cũng vang trong lồng ngực... Có đi xa mới biết thế nào là...
Tết xa nhà, hy vọng sẽ cùng được chat với bạn bè, để chúng tôi vơi được nỗi nhớ quê hương nơi xứ người và cảm thấy ấm áp nỗi lòng khi trời đông tuyết trắng xóa nơi đây. Cái lạnh thật khủng khiếp. Chúc Tuổi Trẻ một năm mới nhiều thành công mới. (Huyen Thi Truong, 27 tuổi, hyenthitruong...@yahoo.com)
Gửi đến gia đình ở Bắc Giang nỗi nhớ nhà, chúc cả nhà ăn Tết vui vẻ, mạnh khỏe! Chúc đất nước vào xuân nhiều thắng lợi mới! (Ngô Đức Thế, Glasgow, United Kingdom, 25 tuổi, Nghiên cứu sinh, Khoa Vật lý và Thiên văn, Đại học Tổng hợp Glasgow). |
* Nhớ lắm không khí Tết ở Việt Nam, mình chỉ mong ước thấy được pháo hoa ngày tết, mùi bánh chưng, mứt tết và tiếng múa lân rộn ràng. (bich ngoc, 25 tuổi, liongirl10120...@yahoo.com)
* Chúng tôi là những tu nghiệp sinh tại Nhật Bản, hiện giờ đang rất nhớ hương vị tết quê nhà. Chúng tôi muốn được nói chuyện cùng các bạn và cùng nhau đón giao thừa xuân Đinh Hợi. (Nguyen Tien Loc, 20 tuổi, vancho_4620...@yahoo.com)
* Rất vui khi thấy chương trình này được tổ chức, làm nhịp cầu nối cho chúng tôi cũng như bà con kiều bào đang sống ở các nước trên thế giới có thể trò chuyện trực tuyến với mọi người ở VN. Nhân dịp năm mới, kính chúc toàn thế báo Tuổi Trẻ lời chúc sức khỏe, thành công và an khang thịnh vượng. (An Murphy)
![]() |
Kiều bào đón tết ở Cali. Ảnh: Cẩm Tú. |
Cám ơn TTO đã đem đến cho tôi một đêm giao thừa thật ý nghĩa. Hương vị Tết ngày xưa đang dạt dào trong lòng tôi. Chúc TTO VẠN SỰ NHƯ Ý. (Như Hương, 21 tuổi, silentnightdecem...@yahoo.com)
Là một người con Việt Nam xa xứ, không được đón Tết cổ truyền của dân tộc tại quê hương, cho tôi được gửi lời chúc Tết đến đồng bào Việt Nam đang sống xa tổ quốc một năm mới với nhiều thành công An Khang Thịnh Vượng. (Nguyễn Việt Thuần, sweet_candy82005, 23 tuổi, một người lao động Việt Nam đang sống và làm việc tại Hàn Quốc) |
Lại một năm nữa, mình đón tết một mình. Lại một năm nữa, lại không thấy hoa mai, hoa đào trên đường Nguyễn Huệ, lại không thấy chợ đêm xuân náo nhiệt. Lại một lần nữa, mình không cảm được cái hương xuân, cái hương của nắng vàng hăng hắc ngày mùng 1 Tết. Houston, TX (USA), V.H.M
* Tôi là người Việt gốc Hoa, hiện đang sống ở Đài Loan. Vì nhớ Tết Việt Nam, nên hy vọng được đón giao thừa xuân Đinh Hợi cùng các bạn, và xin gởi lời chúc các bạn một năm mới An Khang Thịnh Vượng. (Tan Thanh, 43 tuổi, far_east...@yahoo.com)
Đồng hồ đã điểm 21g, vậy là chỉ còn 3 tiếng nữa thôi đã đến thời khắc chuyển giao thiêng liêng. TTO xin chính thức bắt đầu nội dung đối thoại trực tuyến giao thừa xoay quanh các vấn đề: Những kỷ niệm về cái tết ở VN; Những hoạt động đón tết tại nước sở tại của các bạn trong dịp Xuân Đinh Hợi mà bạn có dịp tham gia; Những ước mong, lời chúc cho một năm mới; Suy nghĩ về vai trò cầu nối thông tin – cụ thể ở đây là báo chí, trong đó có báo Tuổi Trẻ đối với đời sống người VN xa quê.
* TTO: Không biết các bạn có theo dõi chương trình đón giao thừa ở quê nhà không?
- Lê Đại Lý: Tôi đang sống và làm việc tại thành phố Toyota, tỉnh Ai -Chi, Nhật bản. Đây là lần đầu tiên ăn tết xa quê hương (quê tôi ở Ninh Thuận), tôi là Kỹ sư cơ khí làm việc tại công ty Toyota được hơn 9 tháng. Tôi sẽ sống và làm việc ở đây 3 năm. Vừa rồi, tôi có theo dõi không khí đón tết ở VN qua TiVi trực tuyến, nhưng bây giờ thì không thể kết nối nữa nên phải gọi điện thoại về gia đình cùng bạn bè. Chúng tôi không thể xem tivi được nữa nên rất buồn.
- Nguyễn Thị Hồng Len: Mình vẫn theo dõi tình hình ở nhà qua mạng.
* TTO - Khi đón tết xa nhà, các anh chị nhớ nhất là điều gì?
Mình là Trần Thụy CaMay, du học sinh ở Australia. Giờ này bên mình đang là 10g19, mình ở nhà, còn chị gái đã đi chơi với bạn. Không khí ở đây buồn lắm, vì không có nhiều người Việt. Mai mình sẽ cùng bạn đi lễ chùa, là một ngôi chùa hoàn toàn Việt Nam. Bố của mình gửi cho mình trang web Tuổi Trẻ (Tết Việt). Do vậy mình biết được nội dung chat này. Rất vui đựơc trò chuyện cùng TTO.
Mình muốn chuyển thông điệp tới các bạn ở VN, chúc mọi người một năm mới vui vẻ và nhiều hạnh phúc. Chúc gia đình có một cái Tết vui vẻ và nhiều may mắn. Chúc em gái thi đậu tốt nghiệp!
- Nguyễn Thị Hồng Len: Nhớ nhiều lắm: nhớ hoa đào Nhật Tân, nhớ hoa mai vàng. Tôi có xem qua báo chí thấy phố hoa Nguyễn Huệ đẹp quá, thèm được về để đi xem. Cũng thèm ăn bánh chưng, củ kiệu muối. Hôm qua đi siêu thị thấy bán hũ dưa muối mừng quá mua về ăn rồi thất vọng vì không như hương vị ở nhà. Tôi có kho nồi thịt nhưng không có nước dừa (cười)* TTO: Chà, nghe hấp dẫn thật, nhưng có lẽ sẽ không ngon bằng ở quê nhà rồi bạn nhỉ!
- Nguyễn Thị Hồng Len: Ôi không có một chút gì là giống ở nhà hết! Nơi mình ở lại không có người Châu á nên khó khăn chuyện thực phẩm châu Á lắm!
Chúng tôi sẽ tiếp tục sau đây là phần trò chuyện với các anh chị Việt kiều, du học sinh với những câu chuyện vui buồn trong thời gian qua, cũng như những ước mơ cho một năm mới. Các bạn có thể tham gia bằng cách trao đổi tại box câu hỏi kế bên.
* TTO: Một câu hỏi hơi “đời tư” chút xíu: không biết ở nước sở tại, các anh chị, các bạn có những vui buồn nào trong cuộc sống thường nhật, với những khác biệt văn hóa?
- Thanh Uyen, NaUy: Hầu như mình không gặp vấn đề về khác biệt văn hóa. Còn về điều kiện sống thì mặt bằng đời sống vật chất ở đây tương đối cao. Thời tiết 4 mùa gió rét, thường rất lạnh vào mùa Đông (như hiện giờ).
- Nguyen Hong Len (Pháp): Tất nhiên là có sự khác biệt về văn hoá, ẩm thực. Về văn hoá mình hoà nhập được (hoà nhập chứ không hoà tan nhé, mình vẫn là người Việt 100% đó) còn về ẩm thực thì hơi khó, đến mỗi bữa ăn thì nhớ về món ăn Việt, bữa cơm gia đình Việt.
- Lê Đại Lý (Nhật Bản): Bất đồng ngôn ngữ, nhiều khi diễn tả không hết ý và hiểu nhầm cũng gây ra lắm vui buồn.
- Yen Evans: Tôi vừa tốt nghiệp Cao Học, ngành du lịch và quản lý khách sạn, tại trường Bournemouth, miền nam nước Anh. Vài giờ nữa, năm mới lại đến… tự dưng lòng xôn xao, cảm giác này không giống như buồn, nhưng lại rất da diết... Sống lại trong tôi giờ đây là một thời sống và làm việc ở Sài Gòn. Vào những ngày cuối năm, gia đình, chợ Tết, bạn bè hẹn hò liên hoan, tổ chức họp mặt vào những ngày tết…
Nhìn lại xung quanh tôi bây giờ không có một người bạn Việt Nam nào, để có một buổi ăn tối, một buổi tán gẫu, hoặc chạy xe vòng vòng Sài Gòn….
Nhìn những hàng cây xung quanh khuôn viên nhà tôi, gần nhự trụi hết lá, chỉ còn lại cây và cành, đứng im như tờ, làm lòng người thêm trống vắng vô cùng! Chồng tôi là người Anh, cũng hiểu chút ít truyền thống những ngày Tết cổ truyền. Nhưng có lẽ anh sẽ không thấu hết những cảm giác của những giây phút chuyển năm thiêng liêng này. Nhờ Tuổi Trẻ Online, tôi có dịp chia sẻ chút ít nỗi niềm của người xa quê hương. Yen Evans. (Yen Evans, 36 tuổi)
* TTO: Tình hình đón tết cổ truyền ở các nơi ấy thế nào rồi?
- Tô Hoàng Nam (Ireland): Tôi đã 2 lần đón tết xa quê, lần đầu ở Boston, US. Năm ngoái ở bên ấy không khí tết thật hoành tráng. Còn năm nay do bên Ireland người Việt mình rất ít, nên Tết VN mình dường như rất ít ai biết. Hiện giờ bên Ireland đã là 13:40
Nhóm của Nam ở đây bao gồm có 10 người Việt, nhóm cũng đã chuẩn bị rất nhiều thứ cho tết năm nay. Trong công ty thì chuẩn bị cây mai vàng, cùng với bánh mứt để giới thiệu với mấy người bên Ireland làm chung, họ rất vui và thú vị để thưởng thức những thứ đó
* TTO: hay thế!
Sắp giao thừa thật rồi. Có ai nói chuyện với tôi được không? Ở đây, Louisiana Mỹ đang là 10g45 sáng. Ở nhà thì 15 phút nữa đến giao thừa rồi. Nhớ quá đi thôi! (Tracy Tran) |
- Lê Đại Lý (Nhật Bản): Không có đoàn thể nào cả, chúng tôi đang tự tổ chức cùng bạn bè và anh em người Việt (khoảng 16 người) cùng đón giao thừa. Ở đây ngày mai phải đi làm nên chúng tôi không thể có bánh mứt, hạt dưa và các loại hương vị quê hương. Nhớ quá đi thôi!
* Khi còn nhỏ, mỗi khi thức khuya chờ đón giao thừa, những tràng pháo giòn giã nối tiếp nhau tạo một không khí năm mới thật ấn tượng. Còn bây giờ mỗi khi nghe khúc hát Happy new year, trong tôi lại gợi lên một cảm xúc khó tả về gia đình, quê hương... Thế mới hiểu được tâm tư của người xa xứ. Trong khoảnh khắc chờ đón giao thừa, xin gửi lời chúc tốt lành đến với tất cả mọi người trong và ngoài nước, một năm mới hạnh phúc & an lành. (Mỹ Ngọc, 37 tuổi, myngoc...@yahoo.com)
* TTO vẫn tiếp tục nhận được những thông điệp từ bạn đọc gửi đến buổi trò chuyện online đêm giao thừa, xin cùng chia sẻ:
* Chào Tuổi Trẻ, tôi sống ở Đài Loan đã 2 năm rồi. Tôi rất vui khi xem trên mạng biết được Tuổi Trẻ có chương trình đón Tết cho người Việt ở xa. Tết mà xa gia đình và người thân, tôi không thể vui được vì nhớ nhà và nhớ quê hương Việt Nam lắm Tuổi Trẻ ơi! (nguyenthixa, 26 tuổi, nguyenthi...@yahoo.com.vn)
* Thật là thú vị khi cùng mọi người trên khắp nơi có thể ngồi lại trò truyện với nhau trong giờ phút cuối cùng của năm. Chúc mọi người năm mới "An Khang Thịnh Vượng" (Võ Ngọc Thanh, 20 tuổi, ditimtri...@yahoo.com)
Hiện tại đang online cùng chúng tôi có anh Vũ Cường, chủ tịch Hội SVVN tại Nhật Bản (viết tắt là VYSA); nhóm bạn SVVN tại NUS, gồm: Nguyễn Hoàng Phương Nam, Phạm Tuấn Minh, Nguyễn Xuân Hương Mai; bạn Phan Minh Nhật - du học sinh ở Pháp; bạn Phạm Đức Trực - du học sinh ở Úc
* Chẳng còn bao lâu nữa là đến giờ giao thừa, không biết các anh chị, các bạn có muốn thông qua Tuổi Trẻ Online để gửi đến những ước mong, lời chúc cho một năm mới?
- Lê Đại Lý (Nhật Bản): mong muốn của chúng mình là được trở về quê hương đón tết, được xây dựng quê hương VN với sức lực nhỏ bé của mình để Việt Nam vươn ra biển lớn sánh vai với các cường quốc trong tương lai.
- Nguyen HongLen: Mình mong sao kinh tế Việt Nam thay đổi lớn sau khi gia nhập WTO. Du lịch Việt Nam sẽ thay đổi nhiều hơn nữa để thu hút khách quốc tế. Dự định của hai vợ chồng mình sang năm sẽ về thăm nhà và tìm cơ hội đầu tư. Mình mong sao sẽ thực hiện được điều thứ hai vì đó là ước mơ từ lâu của ông xã. Và mong trong năm nay sẽ có baby (cười).
* TTO: Các anh chị, các bạn có suy nghĩ về vai trò cầu nối thông tin – cụ thể ở đây là báo online đối với đời sống người VN xa quê?
- Lê Đại Lý (Nhật Bản): Báo Tuổi Trẻ online giúp chúng tôi xem được những thông tin nóng bỏng và cập nhật khi không thể xem tivi online như thế này. Chúc báo Tuổi Trẻ nhiều phát triển để chúng tôi có nhiều thông tin hơn.
- Nguyen HongLen: Xa quê hương mới hiểu được tình yêu quê hương như thế nào. Ở nơi đây, hàng ngày mình vẫn theo dõi tin tức quê nhà qua báo chí điện tử và tờ báo mình hay đọc là TTO, Thanh Niên, Người Lao Động, Vietnamnet...
Riêng TTO mình rất thích vì đưa thông tin nhanh, đa dạng, phong phú. Đặc biệt như việc nói chuyện với Thủ tướng mấy ngày qua, chuyện đón Tết của người Việt các nơi như thế nào... mình thấy Việt Nam gần hơn.
Chồng mình thường vẫn hỏi: Hôm nay có gì mới ở VN không? Nhiều tin tức ở Việt Nam mình còn nắm nhanh và rõ hơn người thân đang sống tại VN nhờ báo chí. Vai trò cầu nối thông tin của các bạn rất quý đối với những người xa xứ như mình. Chúc TTO luôn đổi mới, ngày càng đa dạng hơn, phong phú hơn, thân thiết hơn.
* Các bạn có thể chia sẻ những kỷ niệm về cái tết khi còn ở VN?

- Bạn Phan Nhật Minh (Pháp): Toi nho hoi 5 tuoi, ba me treo một day phao be be truoc cua nha, xong roi dot, pháo nổ dung dung. Tet nha tôi vo cung don gian, ba me thi cung mot chut. Toi thi cham chu xem phao bong tren tivi, sau do thi hao hung cho don ba me li xi.
Ba me toi hinh nhu cung hieu duoc su khat khao nay cua con, cho den nam toi 18 ba me van co gang chong lai con buon ngu, tặng tôi phong bao do, roi chuc vai cau... Con nhung ngay Tet thi an tuong cua toi la hoi nho duong pho VN ngay Tet luon... sach hon mot ti, vang ve hon va nang vang chieu ruc ro hon, mac du that su thi o TP.HCM ngay nao nang cung uu ai bao phu suot tu sang den chieu. A, dac biet toi rat thich xem kich ong Tao cuoi nam...
- Anh Lê Đại Lý: Nhớ về những buổi đi chợ hoa và cùng bạn bè hàn huyên sau 1 năm mệt nhọc làm việc cả cùng gia đình đón giao thừa, họp lớp và cả thầy cô giáo cũ, cùng bà con nội ngoại. Rất buồn là năm nay tôi không được đi thăm mộ.
- Nguyen HongLen: Tôi nhớ không khí ấm cúng của gia đình mỗi khi Tết đến, cả nhà xúm xít chăm sóc cành đào, cành mai, lo làm mâm cỗ cúng ông bà chiều.
- Bạn Thanh Uyen (26 tuoi, hien song tai thanh pho Oslo, Na Uy) Tôi định cư ở Na Uy đã được 6 năm, hiện sống cùng chồng. Đêm giao thừa, tôi nhớ gia đình mình vẫn thường cúng ông bà. Sau đó mọi người chúc nhau những lời chúc tốt lành cho năm mới. Tôi rất thích xem pháo hoa ở bến Bạch Đằng.
* TTO: Các bạn đã có những hoạt động đón tết cổ truyền nào chưa?
- Phạm Đức Trực (Hội SV VN ở Adelaide, Austraylia): Chúng tôi vừa tổ chức xong Chương trình đón giao thừa với khoảng gần 100 khách tham dự gồm sinh viên, việt kiều và bạn bè quốc tế. Ở Australia qua giao thừa ròi, bây giờ là 1g45 sáng
- NUS (Singapore): Tết năm nay vì trùng vào kỳ nghỉ giữa học kỳ nên các bạn SVVN tại NUS về nhà khá nhiều, nhưng không vì thế mà không khí đón tết của SVVN tại NUS giảm xuống. Chúng tôi cũng đã có một bữa tiệc thật vui vẻ, với những món ăn VN, cũng có có bánh chưng, củ kiệu và sau đó là chương trình văn nghệ với nhiều tiết mục, cả vọng cổ lẫn nhạc trẻ. Chương trình đón giao thừa vẫn chưa kết thúc, mọi người vẫn đang tiếp tục các tiết mục văn nghệ chờ đến giây phút giao thừa. Ngay lúc này mọi người đang tổ chức trò chơi dân gian.
- Anh Vũ Cường (Nhật Bản): Hội SV và thanh niên VN ở Nhật đã tổ chức tết sớm cho các bạn từng ngày 3-2-2007. Vì năm nay tết âm lịch muộn so với dương lịch nên mọi người về ăn tết hết, do thi học kỳ xong rồi. Tết bên đây cũng có bánh chưng, giò chả, hoa đào, múa lân...
* TTO: Không biết thông tin từ báo chí ở VN có đáp ứng được cho nhu cầu tìm hiểu thông tin của các bạn - nhất là trong dịp Tết đến?
- Nguyễn Hoàng Phương Nam (NUS): Cũng được một phần. Nếu có thêm các đoạn video clip đón tết của từng địa phương, sẽ giúp các bạn SVVN xa nhà cảm nhận rõ hơn không khí đón Tết... Ở đây chúng tôi rất "thèm" được nhìn những hình ảnh ở nhà lúc gần tết!
- Phan Nhật Minh (Pháp): Giá có nhiều hình ảnh thì tốt hơn.
- Phạm Tuấn Minh (NUS): Truyền hình online ở đây cũng không chất lượng lắm vì phụ thuộc vào đường truyền - nhất là những lúc cao điểm.
- Nguyễn Xuân Hương Mai: Một kênh thông tin khác là tôi còn theo dõi không khí đón Tết quê hương qua các blog của các bạn là phần lớn.
* Các bạn có kế hoạch riêng đón tết không?
- Phạm Đức Trực: Ở Australia, hầu hết Việt kiều ăn tết vào ngày mai, có cả múa lân và đốt pháo...
- Nguyễn Hoàng Phương Nam (NUS): Đối với những bạn đang ở Singapore thì tập trung chuẩn bị cho đêm diễn văn nghệ tối nay, khi bên cạnh nhau thì tạm quên đi nỗi nhớ nhà. Mọi người cũng đi ra những khu phố của người Trung Quốc ở Singpore để dạo chơi và tận hưởng không khí Tết ở đó
- Vũ Cường (Nhật Bản): Mình thì chỉ lên mạng chat về nhà thôi
* TTO: Giao thừa đã đến, trong thời khắc thiêng liêng này, các bạn có mong ước gì, lời chúc gì không thông qua chương trình hôm nay?
- Nguyễn Xuân Hương Mai (NUS): Năm mới, sức trẻ mới, và VN cũng đã gia nhập WTO, tôi mong muốn tuổi trẻ VN chuẩn bị kĩ hành trang, kiến thức, kĩ năng để không những bắt kịp với tuổi trẻ thế giới mà còn đủ tự tin để thể hiện bản lĩnh của mình.
Về cá nhân, tôi rất nhiệt huyết với việc vận động giới trẻ VN tự tin hơn về mình để có thể khẳng định được vị trí của mình. Vì có dịp tham gia một vài hội nghị quốc tế, tôi thấy giới trẻ các nước họ đang rất sẵn sàng để "thay đổi thế giới" và họ biết liên kết nội lực và họ dám nghĩ dám làm. Tôi luôn tin tưởng là các bạn trẻ Việt Nam luôn có thể làm được nhiều điều hơn nữa nếu chúng ta dám nghĩ lớn, mơ lớn và dám hành động!
Có lẽ nói lúc nào cũng rất dễ nhưng vẫn phải có tiếng nói để luôn nhắc nhở và động viên các bạn "Hãy làm nên những thay đổi bạn muốn thấy trên thế giới" - "Be the change that you want to see in the world" (Ghandi)
Hiện mình đang ở San Diego, mình qua đây đã được 6 tháng. Đây là cái tết đầu tiên mình xa nhà. Đáng lẽ giờ này là đang ở nhà sửa soạn đồ cúng giao thừa với ông nội, ba mẹ và 2 đứa em. Nhớ quá đi! Thèm quá đi! (Vi Bui, vilkyoo…@yahoo.com). |
Riêng với SVVN ở NUS thì chúng mình cố gắng tổ chức những chuyên đi về VN, để cho các bạn bè quốc tế biết rõ thêm cuộc sống của con người VN mình. Bên cạnh đó, vào những dịp lễ Tết truyền thống, chúng mình cũng cố gắng mời các bạn nước ngoài tham gia.
Chúng mình cố gắng xây dựng hình ảnh con người VN thân thiện, mến khách và cởi mở trong mắt bạn bè quốc tế
- Phạm Tuấn Minh (NUS): Ngoài những chương trình đó, bọn em còn có tổ chức những gian hàng quảng cáo cho hình ảnh của VN trong những chương trình International Fiesta của trường tổ chức
- Nguyễn Hoàng Phương Nam (NUS): Và các bạn ở đây đã thành công buớc đầu, khi năm nay nhóm sinh viên VN tại NUS đã được chính thức công nhận là 1 cộng đồng của trường. Một số người dân Sing còn nghĩ VN hiện giờ vẫn còn đang chiến tranh và khi gặp tình huống đó, chúng mình cố gắng nói cho người ta biết VN giờ đã phát triển nhiều
- Vũ Cường (Nhật Bản): Mỗi người VN ở nước ngoài đều được coi như 1 đại diện của đất nước mình trong con mắt bạn bè quốc tế. Chắc các bạn khác cũng thường được người nước ngoài hỏi thăm về văn hoá, xã hội... VN khi lần đầu tiếp xúc.
Thường tiếp xúc với sinh viên nước khác, hay tiếp xúc với người bản xứ qua những lần homestay (sống chung với gia đình người bản xứ), nếu được hỏi gì về VN thì cá nhân tôi mỗi khi được hỏi như vậy, thường phải cẩn thận suy nghĩ trước khi nói. Cố gắng giữ quan điểm khách quan nhất.
Và lúc này, cách VN nửa vòng trái đất, nhóm du học sinh VN tại Mỹ, cùng với một số bạn ở xứ sở mặt trời mọc, thành viên của CLB Du học sinh Thành đoàn TP.HCM đã sẵn sàng online để chia sẻ những cảm xúc khi VN vừa rộn rã, hân hoan đón chào một năm mới...
* TTO: Cảm giác của các bạn lúc này thế nào khi ở quê nhà, những tiếng pháo hoa vừa dứt, đón chào một mùa xuân mới nhiều sức sống mới?
- Lê Hồng Dung, đang học tại Manhattan College, New York, Mỹ: Mình cảm thấy vừa hân hoan, vui vẻ (Tết mà), nhưng cũng vừa hơi nhớ nhà
* TTO: Còn trong lần về VN đón tết này thì sao?
- Trần Phương Ngọc Thảo (Harvard, Mỹ): Mình cảm thấy rất vui khi vừa mới xem cảnh bắn pháo hoa trên bến Nhà Rồng. Hiện giờ đang tìm cách upload video mới quay lên mạng cho các bạn đón tết xa nhà cùng xem.
* TTO: Là những trí thức trẻ đang du học, các bạn nghĩ gì về khái niệm Ra đi và mang về?
- Lê Hồng Dung, (Manhattan College, New York, Mỹ): Theo mình thì có 2 vế. Đầu tiên là Ra đi. Mình nghĩ hành trang lớn nhất mà mình mang theo khi "ra đi" đó là tình yêu, sự tin tưởng, và kỳ vọng gia đình dành cho em. Ngoài ra, còn là khát vọng được thể hiện bản thân mình, được học hỏi nhiều thứ mới lạ, khám phá bản thân. Bên cạnh đó còn có kiến thức, kỹ năng sống mà em tích lũy khi ở VN.
Còn mang về. Em nghĩ cái em mang về đó là sự tự tin vào những gì mình làm được. Càng đi xa, em càng có cơ hội nhìn lại bản thân và đất nước, thấy càng yêu nước hơn, và cảm thấy mình có trách nhiệm làm điều gì đó cho đất nước. Mang về còn là kiến thức và kinh nghiệm em học hỏi được khi sống bên này.
- Thanh Trang, du học ở Osaka, Nhật Bản: Vấn đề là trái tim
- Đoàn Đức Tiến, Oita Japan: Dù có đi đâu xa, tôi nghĩ tất cả các du học sinh đều mong muốn VN phát triển - luôn cố gắng vì điều đó, và không nhất thiết là ở VN mới cống hiến được.
- Mạnh Cường, hiện làm Ph.D tại University of Connecticut, USA: Mình thì đang làm Ph.D theo học bổng của chính phủ VN, nên sau khi học xong sẽ quay về ngành làm việc.
* TTO: Các bạn mong ước ở VN điều gì, tạo cho các bạn những cơ hội gì trong tương lai?
- Đoàn Đức Tiến, Mình mong muốn cơ cấu quản lý của nhà nước mình tạo nhiều cơ hội cho những người thực sự có tài, bởi vì chỉ có như vậy đất nước mới phát triển mạnh mẽ và bền vững được
- K.Giang, Pháp: Mong VN tiến xa hơn nữa để chúng tôi có thể tìm việc làm dễ dàng hơn trong ngành chứng khoán sau khi kết thúc du học.
* TTO: Thế còn cảm giác của các bạn lúc này? Sẽ là những lời chúc xuân gì với người thân, với VN?
- Trọng Khoa, đang học ở Community college of Philadelphia: cảm giác lúc này là rất thèm cái tết ở VN, nhớ VN, nhớ gia đình và bạn bè.
- Đoàn Đức Tiến,Oita Japan: Tôi muốn chúc cho gia đình, và bạn bè ở VN , 1 năm mới mạnh khỏe, hạnh phúc. Dù đi đâu, ở đâu, tôi nghĩ mọi người đều mong muốn, cố gắng cho quê hương mình phát triển.
- Thanh Trang, Nhật Bản: Không nơi đâu bằng quê hương của mình. Chúc mỗi người Việt Nam, dù bất cứ nơi đâu, cũng đều hướng về quê hương để ít nhất biết được truyền thống văn hóa đất nước mình.
- Tấn Đức, NUS: Em mong ước công cuộc đổi mới của đất nước sẽ tiếp tục diễn ra và diễn ra mạnh mẽ hơn nữa. Những đổi mới trong giáo dục, hành chính... Du học sinh hy vọng sẽ được đánh giá dựa trên khả năng, năng lực thực sự và quyết tâm của mình trong hành trình ra đi và mang về...
* Đã đến giờ chúng tôi phải nói lời tạm biệt với các anh chị, các bạn Việt kiều, du học sinh, các bạn trẻ VN đang công tác tại nước ngoài. Tuy nhiên, trong ngày mai, chúng tôi sẽ tiếp tục chuyển tải đến bạn đọc những thông điệp, những suy nghĩ các anh chị - các bạn đã trao đổi trong buổi trò chuyện hôm nay mà vì lý do thời gian hạn chế chúng tôi không thể hồi đáp và chuyển tải hết được.
Rất cảm ơn các bạn đã cùng chúng tôi chia sẻ những giờ phút thiêng liêng của đêm giao thừa. Tuổi Trẻ Online xin chúc tất cả quý bạn đọc một năm mới an khang thịnh vượng!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận