Trường phổ thông năng khiếu TDTT Nguyễn Thị Định:
![]() |
Giờ ra chơi ở Trường NTĐ - học sinh lọt thỏm giữa sân trường mênh mông! - Ảnh: Như Hùng |
“Nếu năm sau trường cũng chiêu sinh không đúng chuẩn nữa thì nên xem lại hiệu quả của việc đầu tư trên 100 tỉ đồng để làm ngôi trường này khi mà TP đã có trường năng khiếu TDTT...".
Một ngôi trường trong mơ...
Ngày 21-4-2004, UBND TP.HCM ký quyết định thành lập Trường THPT chuyên năng khiếu TDTT Nguyễn Thị Định (NTĐ), trực thuộc Sở GD-ĐT TP.HCM, tọa lạc tại P.16, Q.8. Có thể nói đây là ngôi trường trong mơ, lớn nhất TP.HCM hiện nay với tổng diện tích 52.500m2, và kinh phí có lẽ cao nhất nước từ trước đến nay: trên 106 tỉ đồng, thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Ngày 13-7-2004 công trình được nghiệm thu bàn giao giai đoạn 1 để kịp đưa vào sử dụng trong năm học 2004-2005 với 32 phòng học và khối phục vụ giảng dạy học tập khá đồ sộ. Bao gồm khối nhà xưởng có diện tích 433,7m2, nhà thi đấu (498,6m2), hội trường (290m2) và các công trình phụ. Tổng giá trị dự toán giai đoạn này là gần 64 tỉ đồng (trong đó phần đền bù giải tỏa chiếm 29,8 tỉ). Lý giải cho việc ra đời của Trường NTĐ, ông Trương Song Đức - giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM lúc ấy - cho rằng: "Trường năng khiếu TDTT TP.HCM do lệ thuộc nhiều về thời gian luyện tập thi đấu nên học sinh phải theo học chương trình bổ túc văn hóa. Điều này làm phụ huynh của HS có năng khiếu TDTT không muốn cho con theo học. Còn với Trường NTĐ, ngoài năng khiếu HS vẫn được học chương trình phổ thông như ở những trường THPT khác, và có thể có khả năng thi đại học khác nếu không muốn tiếp tục con đường TDTT (!).
...Và 6 học sinh!
Chuẩn bị cho việc chiêu sinh vào trường này, tháng 4-2004, Sở GD-ĐT đã thông báo tuyển sáu lớp 6 (180 HS) và sáu lớp 10 (180 HS) cho các bộ môn bơi lội, bóng đá, bóng bàn, điền kinh (chạy, nhảy cao, nhảy xa) với điều kiện tốt nghiệp tiểu học (vào lớp 6) hoặc THCS (vào lớp 10) loại khá giỏi, đồng thời đoạt huy chương các giải TDTT cấp quận, TP, Hội khỏe Phù Đổng... và được hội đồng tuyển sinh năng khiếu TDTT xét tuyển.
Thế nhưng, dù đã ra sức tuyên truyền hết mức nhưng kết quả Trường NTĐ chỉ chiêu sinh được hai học sinh lớp 6 và bốn học sinh lớp 10 đúng chuẩn! Thế là Trường NTĐ đành phải thoải mái hơn về mặt tiêu chuẩn: miễn có giải TDTT cấp quận. Bước "cởi mở" đầu tiên này cũng chỉ mới thu hút được 44 học sinh cho các bộ môn bóng đá, bóng ném, điền kinh, võ thuật. Cuối cùng, Trường NTĐ đành mở toang cửa và nhận được 227 học sinh cho bảy lớp 10 thường!Không những trò thiếu mà giáo viên cũng thiếu. Hiện nay trường chỉ mới tuyển được ba giáo viên điền kinh, bóng ném, bơi lội (trong đó có hai giáo viên từ Trường Năng khiếu nghiệp vụ TDTT ) sang và một giáo viên mới ra trường. Huấn luyện viên bóng đá, bóng ném, bóng bàn, điền kinh, bơi lội... đều thiếu cả .
Một con nuôi đã chưa xong...
Lời giải thích của ông Trương Song Đức về sự ra đời của Trường NTĐ vừa đúng và vừa không đúng. Đúng ở chỗ có sự e ngại của phụ huynh có con em theo TDTT, bị ảnh hưởng nặng về vấn đề học văn hóa nếu cho vào Trường năng khiếu nghiệp vụ TDTT TP.HCM. Tuy nhiên, đó là chuyện của hai năm trở về trước.
Còn sau đó, Sở TDTT đã cùng phối hợp với chính Sở GD-ĐT để trình lãnh đạo thành phố nhằm thay đổi chuyện buộc học sinh năng khiếu thể thao phải học chương trình BTVH. Lãnh đạo TP.HCM cũng đã đồng ý và Trường THPT năng khiếu TDTT TP.HCM do Sở TDTT quản lý đã ra đời, bắt đầu hoạt động từ niên học 2003-2004! Nghĩa là trường này đã hoạt động trước khi Trường NTĐ có quyết định thành lập với mục tiêu giống nhau. Thế thì mở thêm Trường NTĐ để làm gì? Câu hỏi này đã bắt đầu có lời đáp, qua buổi làm việc của HĐND vào sáng 26-1...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận