16/07/2004 05:00 GMT+7

Cùng con cá Việt vào chợ Đông Hưng

XUÂN TOÀN
XUÂN TOÀN

TT - Theo con cá từ cảng Mỹ Tho đến tận cửa khẩu Ka Long, đoạn đường dài trên 2.200km, mới thấy nó phải “gánh nặng” bao điều vô lý.

JF6wP5vW.jpgPhóng to

Tôi lại theo chân con cá đến tận quầy hàng tại chợ Mới - Đông Hưng (Trung Quốc) nơi nó được chào mời như một món ngon phương Nam với giá gấp ba lần. Giá mà bớt đi những “gánh nặng”, hẳn con cá và những ngư dân VN sẽ còn vẫy vùng, đi xa hơn nữa.

Điểm cuối: cửa khẩu Ka Long

6g30 khi tôi vẫn còn đang mơ màng, tài xế Hưng đập mạnh vào lưng đánh thức: “Hàng sắp đưa ra cửa khẩu rồi đó, dậy lo chuẩn bị để còn kiểm hàng!”. Tôi và tài xế Đức ngồi dậy, chỉ kịp rửa mặt, sau đó ăn nháo nhào tô cháo rồi chạy vội về xe tải và... lên đường.

7e1rYwnw.jpgPhóng to
Nhiều loại cá VN được bày bán tại chợ Mới - Đông Hưng (Trung Quốc)
Dù mới hơn 7 giờ sáng song lượng xe tải các loại chờ đổ hàng tại cửa khẩu Ka Long đã kéo dài 200-300m. Chiếc xe chúng tôi đã được “đặc cách không phải xếp hàng” - nói như lời chủ hàng - nên tiến thẳng đến đậu gần sát bãi bốc hàng. Tại đây, một số hàng trước đó chủ yếu là các loại cá biển, nghêu, sò, cua, trái cây... đã hoàn tất thủ tục hải quan, đang được khuân vác tấp nập xuống ghe để đưa sang Trung Quốc.

Theo cánh tài xế, trong tất cả cửa khẩu chính ngạch và tiểu ngạch hiện nay đang xuất hàng sang Trung Quốc thì Ka Long - Móng Cái được xem là cửa khẩu có lượng hàng thủy sản xuất nhiều nhất, với số lượng mỗi ngày lên đến vài chục tấn.

Chủ hàng của xe chúng tôi tại Móng Cái (thực chất là chủ hàng thứ hai, sau khi mua lại toàn bộ số hàng của chủ hàng ở cảng cá Mỹ Tho) chỉ độ trên 30 tuổi, rất nhanh nhẹn và tháo vát.

Xe vừa dừng, mấy cán bộ hải quan ngồi bên trong đang giám sát hàng nhìn thấy anh ta đã cười xởi lởi: “Hôm nay làm hàng cá tiếp hả, nhiều không?”. Anh chủ hàng chỉ nhếch mép cười rồi mang theo một xấp giấy tờ lại quầy thủ tục hải quan. Chỉ vài phút sau chủ hàng đã hoàn tất thủ tục, đồng thời ra dấu cho tài xế mở cửa thùng xe chuyển hàng xuống bến.

Tôi mon men đến chỗ anh chủ hàng giả lả: “Khác ở TP.HCM, hải quan ở đây thông thoáng và cởi mở quá anh nhỉ!”. Tròn mắt nhìn tôi, anh chủ hàng cười: “Không có cái kia (ý nói là tiền) thì sức mấy giờ này đã xong. Cho dù đã có qui định hàng nông sản là miễn kiểm tra khi xuất qua đây, nhưng không biết cách vẫn bị “hành” như chơi”.

Anh ta cho biết luôn toàn bộ số hàng cá trên đã được bán cho một chủ hàng ở bên thành phố Đông Hưng, Trung Quốc với giá tương đương 40.000-45.000 đồng VN. Với mức giá này chủ hàng ở Móng Cái lãi 1.000 đồng/kg. Như vậy, có thể thấy 1kg cá được vận chuyển từ cảng cá Mỹ Tho ra Móng Cái, giá đã bị đội lên gần gấp hai lần. Anh chủ hàng còn cho biết loại hàng thủy hải sản này sang đến Trung Quốc giá còn cao nữa.

Bãi xe tải tại thị xã Móng Cái nơi chiếc xe chúng tôi đỗ qua đêm khá rộng, ước có đến trên 1ha, chỉ cách cửa khẩu chính ngạch Bắc Luân của thị xã Móng Cái khoảng 1km, còn cách cửa khẩu tiểu ngạch Ka Long chưa đầy 800m.

Tại đây có hàng trăm xe tải các loại từ các tỉnh đang nằm chờ xuống và lên hàng. Mặc dù đã gần nửa đêm, song trời miền Bắc vẫn khá oi nồng bởi cái nóng của mùa hè. Bên ngoài khuôn viên của bãi, từng nhóm tài xế cởi trần trùng trục đang ngồi tán gẫu và... nhậu!

Tôi nhập vào một bàn nhậu mà qua giọng nói có thể nhận thấy đều là dân “ba kỳ”. Người ngồi cạnh tôi là một tài xế Nam bộ, giọng nói sang sảng: “Lúc qua Thái Bình trong túi chỉ còn “giấy” 10.000, đành phải lấy bốn tờ xuống chung, nhưng cuối cùng mấy chả chê tiền lẻ trả lại, quê dễ sợ”. Cả nhóm cười ồ lên và rồi “dô chăm phần chăm” với ly rượu Bắc nóng đến cháy cổ.

Vẫn xoay quanh câu chuyện về chung chi, một tài xế khác góp vui: “Qua trạm ở Thanh Hóa mấy ổng bắt đổi tiền khác chỉ vì thấy tiền hơi rách mép chút xíu!”.

Gần 1giờ sáng bàn nhậu chỉ còn lại bốn người: tôi, tài xế Đức và hai tài xế khác quê ở Hải Phòng và Tiền Giang. Những ly rượu cuối cùng đã làm mọi người trở nên thân thiết và gần gũi hơn bao giờ hết.

Tài xế Phúc tâm sự: “Tôi làm nghề này gần 15 năm, có hai điều làm mình đau khổ nhất là không được cầm lái và nhìn cảnh hàng hóa mình vận chuyển phải đổ bỏ.

Điều thứ nhất với tôi đã từng xảy ra khi tôi gặp tai nạn, còn điều thứ hai thì gặp thường xuyên. Lần “đau thương” nhất có lẽ là chuyến hàng đi dưa hấu bị tắc ở cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) năm 2002 và gần đây là lần chở hàng nhãn đi đường Lào Cai xuất sang Trung Quốc.

Nói thật với các anh cả hai lần đó tôi đều không cầm được nước mắt. Tôi xuất thân từ làm nông nên hiểu rất rõ những vất vả của nông dân, vậy mà đôi khi chỉ vì những lý do lãng xẹt hàng bị hư thối phải đổ bỏ”.

Gần trưa, trời nắng như lửa đốt, tôi lân la xuống bến gặp các chủ đò chở cá xin đi nhờ sang Trung Quốc, song hầu hết chủ đò cả người VN lẫn Trung Quốc đều lắc đầu quầy quậy. Một số người có vẻ nhiệt tình thì bày cho tôi cách vào gặp Công an thị xã Móng Cái để làm sổ thông hành rồi đi theo đường du lịch ở phía cửa khẩu chính ngạch Bắc Luân.

Tuy nhiên, cách này xem ra khó thực hiện được vì sẽ mất thời gian trong khi tài xế cho biết ngay trong đêm xe tải sẽ quay về Bắc Giang để chở hàng vải vào Nam. Đang lúc tưởng chừng như hết cách thì một tài xế xe ôm ghé tai nói nhỏ: “Nếu ông anh muốn đi nhanh trong ngày sẽ có người đưa sang tận bên Đông Hưng ngay tức thì và đưa đến bất cứ nơi nào ông anh muốn”. “Bao nhiêu?”, tôi hỏi. “1,5 triệu, bao gồm cơm trưa, phiên dịch và toàn bộ chi phí đi lại ở bên Trung Quốc. Còn giấy tờ không cần, đã có bọn này lo”, tay xe ôm đáp gọn lỏn.

Sau khi nhận được cái gật đầu đồng ý của tôi, tay xe ôm nọ chở tôi đi vòng vèo một lúc rồi tấp vào một quán nước chè ven đường. Ngồi chờ sẵn là một thanh niên còn khá trẻ tự xưng là Tuấn - hướng dẫn viên cho một công ty du lịch ở Quảng Ninh. Xe chở cả ba đi tiếp đến một đồn biên phòng.

Vào đến gần cửa đồn, bảo tôi đứng chờ ở bên ngoài, Tuấn chạy vào trong. Lát sau trở ra, Tuấn nói: “Xong!”, rồi kéo tôi đi qua một khu đất hoang cỏ mọc ngập đầu, xuống một bến đò có gần 10 chiếc đang đậu chờ khách đưa sang Trung Quốc. Gọi là bến song thực chất đây chỉ là đường mòn có dốc thẳng đứng xung quanh là những tảng đá lớn. Cách đi vụng trộm này tuy hơi cực, song Tuấn cho biết lại có nhiều người thích, thậm chí có ngày Tuấn dắt trên dưới 10 lượt khách tham quan Trung Quốc.

Một vòng chợ Mới - Đông Hưng

12 giờ trưa, tôi đã có mặt trên đất Trung Quốc. Cái nóng oi bức vẫn không làm giảm đi sự nhộn nhịp tấp nập của hoạt động buôn bán tại khu cửa khẩu. Những thùng xốp đựng cá, tôm... từ VN mới chuyển qua đang được chuyển lên các xe tải, xe ba gác của Trung Quốc. Một người bốc vác cho biết: “Hàng đi bằng xe tải sẽ vào sâu trong nội địa hàng trăm cây số nữa, còn hàng chuyển lên xe ba gác thì đưa về khu chợ Mới”.

Nằm ngay trung tâm thành phố Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây, chợ Mới khá lớn, khách ra vào nườm nượp. “Mặc dù có siêu thị, nhưng phần lớn người dân vẫn thích đi chợ để mua các mặt hàng tươi sống nên hàng hóa trong này bán được lắm!”, Tuấn giải thích.

Ấn tượng đầu tiên ngay khi bước vào khu tầng trệt của chợ là các loại hàng VN được bày bán la liệt. Ở những quầy hàng đầu tiên, chúng tôi nhận ra những chai nước mắm nhãn hiệu Chim Trắng, nước mắm cốt cá cơm của Hãng Phương Nam, sữa Ông Thọ, bánh kẹo Hải Hà... cùng khá nhiều mặt hàng tiêu dùng VN khác.

Thấy tôi cầm hộp sữa Ông Thọ, bà chủ hàng người Trung Quốc mời: “Mua đi anh, sữa này ngon nên khách mua nhiều lắm! Có hôm bán được cả thùng”. Bước sang dãy bán hàng thủy sản, ghé vào một sạp bán cá, tôi chỉ loại cá hố hỏi giá, bà chủ sạp hét lớn: “30 tệ/kg” (tương đương 60.000 đồng VN).

Tôi chỉ tiếp sang loại cá đuối “50 tệ/kg” (gần 100.000 đồng VN), còn cá ngừ “35 tệ” (tương đương 70.000đ). “Tôi cần vài chục ký, chị có đủ không?”. Bà chủ sạp nói ngay: “Anh mua bao nhiêu cũng có, nhưng nếu trên 100kg thì phải nói trước; còn ở sạp tôi chỉ bán vài chục ký mỗi ngày”. Các loại sò, nghêu... giá cũng không dưới 15.000 đồng VN/kg.

Cả khu vực này có gần 30 sạp bán hàng cá nhập từ VN, số lượng tiêu thụ mỗi ngày lên hàng tấn. “Ở các tỉnh phía trong nhu cầu hàng thủy hải sản của VN cũng rất lớn, đặc biệt là cá hố và sò huyết của VN người Trung Quốc rất thích. Tuy nhiên, hàng VN sang bên này lại không đều đặn nên chuyện khan hiếm hàng xảy ra thường xuyên”, chị chủ sạp cho hay.

Sang đến khu trái cây, hàng từ VN sang đây đủ loại như nhãn, vải, thanh long..., đặc biệt mặt hàng trái cây đang vào mùa ở VN là vải, giá khoảng hơn 4 tệ/kg (gần 8.000 đồngVN).

Đảo hết một vòng quanh chợ, chúng tôi nhận thấy giá các mặt hàng của VN sang bên này đều cao hơn rất nhiều so với ở VN. Riêng với cá, mặt hàng chúng tôi theo chân từ cảng cá Mỹ Tho, sang đến bên này thì mức giá đã chênh nhau gần 40.000đ/kg. Tới đây, tôi chợt nhớ lại trong lần nói chuyện với chủ hàng ở cảng cá Mỹ Tho, ông này đã từng nói: “Chi phí vận chuyển quá lớn khiến chúng tôi không thể nào mua hàng của nông dân, ngư dân với giá cao hơn! Và chỉ trừ đôi khi giá xuất tăng đột biến chúng tôi mới dám mạo hiểm mua cao lên chút đỉnh”.

Quả thật chi phí vận chuyển quá cao (bao gồm đủ loại phí có tên và không tên) không chỉ là một gánh nặng cho doanh nghiệp (chủ hàng), nhà xe, tài xế... mà còn là gánh nặng cho những người trực tiếp làm ra những sản phẩm xuất khẩu - những nông dân, ngư dân đánh bắt và nuôi trồng con tôm, con cá, hạt gạo...

Bài liên quan:* 55 giờ trên cabin* Bến cảng: ngày và đêm!

XUÂN TOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên