![]() |
Cầu Hàm Rồng đã bị xuống cấp trầm trọng |
Nhưng hiện nay cây cầu đang xuống cấp nghiêm trọng. Đồi C4 biến dạng thành "hoang tích". Hai chữ Quyết Thắng giờ bị bao bọc bởi cỏ dại. Còn Nhà máy điện đã là "phế tích" với ngổn ngang những khối bê tông nằm sát tuyến đường sắt Bắc Nam.
Mỗi ngày có hàng trăm lượt xe tải lớn nhỏ và hàng chục lượt tàu hoả chạy trên cây cầu Hàm Rồng (HR) bắc qua dòng sông Mã. Cứ mỗi chuyến xe qua, cây cầu lại rung lên bần bật. Nhiều đoạn lan can sắt đã bị gãy, mọt nham nhở. Thảm nhựa trên mặt cầu nát bươm, nổi lên những sống trâu gồ ghề. Cái biển đề tên của cây cầu đã bị tháo dỡ.
Tôi tin, nhiều khách ngồi trên tàu hoả không biết đây là cầu HR, một chứng tích anh hùng của lịch sử dân tộc. Con đường dẫn lên đồi C4 nổi lên là 2 biển hiệu lớn có ghi dòng chữ Cty cổ phần Hàm Rồng Thanh Hoá. Thì ra, còn có một cái biển khác ghi dòng chữ nửa chìm, nửa nổi "Đồi C4 Anh hùng, di tích lịch sử đã được xếp hạng". Thế nhưng cái biển hiệu này lại được dựng ngay sát nhà dân, cây cối phủ kín và rậm rạp như rừng.
Trên đồi C4, có một số hầm hào công sự phục vụ cho hỏa lực chiến đấu năm xưa đã được khôi phục lại bằng bêtông. Song đồi C4 nằm trong Khu vườn thực vật của TP.Thanh Hoá nên cũng đang bị cây dại vùi lấp. Các hầm hào không có bất cứ một biển giới thiệu nào.
Ngày 3-4-1990, Tỉnh đội Thanh Hoá đã khắc hai tấm bia lớn. Một bia ghi tên 20 chiến sĩ đã hy sinh tại trận địa đồi C4 để bảo vệ thông suốt cho cây cầu HR. Một bia khác ghi lại những thành tích trong chiến đấu của quân dân HR được Đảng và Nhà nước khen thưởng.
Hai bia đá này dựng trên đồi C4, không được bảo vệ, BQL vườn thực vật HR đưa vào cơ quan cất giữ suốt 6 năm qua. Vậy là cứ vào dịp lễ kỷ niệm HR, Nam Ngạn chiến thắng người ta lại đưa lên đồi, hết lễ hội lại đưa về hương khói ngay trong khu nhà của BQL vườn thực vật HR.
Ông Nguyễn Văn Tâm - Tổ trưởng bảo vệ BQL vườn thực vật HR - trăn trở: "Những người bảo vệ vườn thực vật phải đưa hai tấm bia vào cất giữ trong nhà là bất đắc dĩ. Cái bất cập nữa là hàng năm vẫn có rất nhiều những chiến sĩ từng chiến đấu tại HR, thân nhân các liệt sĩ về thăm chiến trường xưa, viếng những người con đã anh dũng hy sinh, nhưng họ không biết thắp hương, tìm đồng đội ở đâu nếu như BQL rừng đóng cửa cơ quan đi tuần".
Qua thực địa mới biết đồi C4 được chia thành hai khu chức năng khác nhau. Một bên là đồi trận địa hoả lực, một bên là đồi chỉ huy và cất giữ khí tài. Đồi trận địa hoả lực tuy cũng đã được tôn tạo một số hầm hào. Đồi chỉ huy và cất giữ khí tài gần như bỏ hoang hoàn toàn.
Chiều ngày 16-11 chúng tôi đã lội khắp khu đồi này. Những dấu tích của các hầm hào, công sự vẫn còn. Nhưng năm tháng trôi đi, đất đá đã tràn vào đang dần vùi lấp những hào quang rực rỡ của một thời máu lửa ở nơi này.
Một số cựu chiến binh từng chiến đấu tại đồi C4 khi tiếp xúc với chúng tôi đều có chung quan điểm: Đối với các hầm hào trên đồi hỏa lực cần được khắc bia giới thiệu và khắc tên các chiến sĩ đã ngã xuống ngay tại trận địa. Các hầm hào ở đồi chỉ huy cũng cần sớm được tôn tạo, gắn biển hướng dẫn như hầm radar, hầm máy đo xạ (2B), hầm chỉ huy...
Cần phải xây bệ có mái che để đặt 2 tấm bia khắc tên 20 liệt sĩ và ghi lại những thành tích của quân dân ta hiện đang cất giữ trong trụ sở làm việc của BQL vườn thực vật. Cầu HR hiện chủ yếu phục vụ vận tải đường sắt đã xuống cấp trầm trọng, Nhà nước nên trùng tu để đảm bảo an toàn giao thông và gìn giữ giá trị lịch sử.
Hai chữ Quyết Thắng đặc biệt thiêng liêng, nó thể hiện tinh thần quyết tâm cao độ, thể hiện lòng yêu nước của mỗi người dân nhưng hiện đang vùi dưới tán rừng của một số hộ quản lý quả đồi này. UBND TP.Thanh Hoá nên có biện pháp khôi phục lại để mọi người đi trên QL1A có thể nhìn thấy được.
Đồi C4 chính là nơi chiến đấu của đại đội 4, Trung đoàn 228 HR - đơn vị anh hùng duy nhất của pháo cao xạ 57mm. Đã là di tích thì phải có người quản lý, không thể để cho di tích biến thành hoang tích và phế tích.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận