17/07/2015 07:48 GMT+7

Cùm chân, cùm tay có phải là nhục hình?

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Người bị tạm giữ, tạm giam chưa phải là tội phạm, mới chỉ bị hạn chế một số quyền để phục vụ công tác điều tra, do đó phải đảm bảo cho họ các quyền con người cơ bản.

Ông Nguyễn Đình Quyền cho rằng việc sử dụng cùm tay, cùm chân đối với những người bị tạm giữ, tạm giam hay không là vấn đề còn phải bàn cãi.  (ảnh: Lê Kiên)

Ông Nguyễn Đình Quyền cho rằng việc sử dụng cùm tay, cùm chân đối với những người bị tạm giữ, tạm giam hay không là vấn đề còn phải bàn cãi - Ảnh: Lê Kiên

Ngày 16-7, tại hội thảo quốc tế “Một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau về dự án Luật tạm giữ, tạm giam” ở Quảng Ninh, đại diện Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng cần rà soát những quy định về quyền của người bị tạm giam, tạm giữ trong các luật khác để quy định vào luật này.

Phát biểu đề dẫn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền nêu lại quy định của Hiến pháp là người bị tạm giữ, tạm giam chưa phải là tội phạm, mới chỉ bị hạn chế một số quyền để phục vụ công tác điều tra, do đó phải đảm bảo cho họ các quyền con người cơ bản. 

Thừa nhận quyền bầu cử

Nhưng đi vào từng vấn đề cụ thể, chẳng hạn như họ có quyền gì và bị hạn chế quyền gì là những vấn đề rất phức tạp. Ví dụ chế độ ăn, mặc, ở như thế nào là phù hợp, chế độ cung cấp báo chí và thông tin như thế nào…

Ông Nguyễn Văn Thịnh - đại diện Cục Pháp chế và cải cách thủ tục hành chính, hình sự Bộ Công an - cho biết pháp luật hiện hành quy định các quyền của người bị tạm giữ, tạm giam và điều kiện sống của họ ngày càng được cải thiện. Tuy vậy, việc thực hiện chế độ, chính sách đối với những người bị tạm giam, tạm giữ vẫn còn nhiều khó khăn. Chẳng hạn, do điều kiện đầu tư hạn chế nên cho đến nay diện tích bình quân phòng tạm giam, buồng tạm giữ chưa đáp ứng quy định tối thiểu 2 m2/người (mới chỉ đạt 1,6 m2/người).

“Theo quy định, các tiêu chuẩn ăn của người bị tạm giữ, tạm giam được tính theo thời giá thị trường ở từng địa phương, nhưng trong thời gian qua do thời giá thị trường luôn có sự biến động, giá lương thực và thực phẩm tăng trong khi giá ấn định của địa phương không sát hợp, nhiều khi thấp hơn giá thị trường, nên không đảm bảo thực hiện mua đủ định lượng tiêu chuẩn ăn của họ”, ông Thịnh nói.

Theo ông Nguyễn Mạnh Cường - ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và nhận thức mới trong lập pháp, các quyền của người bị tạm giữ, tạm giam cũng luôn được quy định cụ thể hơn, mở rộng hơn, khả thi hơn. Ủy ban Tư pháp đề nghị rà soát, bổ sung các quyền con người, quyền công dân của người bị tạm giữ, tạm giam đã rõ, không bị hạn chế theo quy định của luật khác. Ví dụ, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND mới được Quốc hội thông qua đã cho phép người bị tạm giữ, tạm giam được quyền bầu cử; hoặc Luật bảo hiểm xã hội 2006 không cho người bị phạt tù được hưởng chế độ hưu trí nhưng Luật bảo hiểm xã hội 2014 đã bỏ quy định này… Đồng thời với việc liệt kê các quy định cụ thể như vậy, Ủy ban Tư pháp đề nghị bổ sung nguyên tắc: người bị tạm giữ, tạm giam được bảo đảm thực hiện các quyền con người, quyền công dân khác, trừ trường hợp bị hạn chế theo quy định của luật này và các luật khác.

Khi chưa bị kết tội

“Tôi biết là có nhiều tranh luận trong nghị trình thảo luận dự luật tạm giữ, tạm giam ở Quốc hội VN, rất khó để hài hòa tất cả các ý kiến khác nhau vào nội dung đạo luật này” - ông Scott Ciment, cố vấn chính sách tại UNDP Việt Nam về pháp quyền và tiếp cận công lý, bình luận. “Những người trong tình trạng bị tạm giữ, tạm giam khi chưa có quyết định kết tội của tòa án thì họ vẫn được hưởng quyền con người theo những tiêu chuẩn chung của luật pháp quốc tế. Họ chưa bị kết tội, họ vẫn là những con người bình thường, được hưởng những quyền cơ bản nhất” - ông nói.

Dẫn lại các nội dung trong Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền (1948), Công ước về các quyền dân sự và chính trị (1976), Công ước chống tra tấn (1987)…, vị chuyên gia UNDP từng nhiều năm hành nghề luật sư tại Mỹ này cho rằng việc tiếp cận luật sư và việc thăm của gia đình đối với người bị tạm giam, tạm giữ là các quyền rất quan trọng.

“Họ cần có luật sư bên cạnh để có cơ hội tốt nhất nhằm bảo vệ mình trước những lời buộc tội. Việc hạn chế số lần tiếp cận với luật sư sẽ ảnh hưởng đến cơ hội được trợ giúp pháp lý của họ. Cần quy định hết sức minh bạch và áp dụng trong toàn quốc về sự tiếp xúc của luật sư với thân chủ của họ. Theo tiêu chuẩn quốc tế, luật sư và thân chủ có quyền tiếp xúc với nhau một cách bí mật, tức là quản lý trại giam có thể xem hình ảnh họ gặp gỡ nhưng không được nghe trộm các cuộc trao đổi đó” - ông Scott cho hay.  

Vẫn theo ông Sott, sự ngược đãi về thể xác và giam trong phòng tối đối với những người bị tạm giam, tạm giữ bị luật pháp quốc tế nghiêm cấm. Các hình phạt như cùm chân, cùm tay cũng bị coi là một hình thức dùng nhục hình. Trong những trường hợp hạn hữu, nếu sử dụng cùm chân, cùm tay như một hình thức phạt đối với những người vi phạm kỷ luật trong tạm giam, tạm giữ thì việc này phải được thông báo rõ lý do đối với người bị tạm giam, tạm giữ.

“Những người đang làm công tác quản lý trại giam cần phải biết rằng họ đang làm công việc rất quan trọng, đó là công việc liên quan đến thân phận con người. Luật pháp càng minh bạch thì người bị tạm giam, tạm giữ càng nhận thức rõ về quyền và nghĩa vụ của mình” - ông Scott khuyến cáo.

Ông Nguyễn Đình Quyền khẳng định: VN đã nội luật hóa khá nhiều các quy định trong các công ước quốc tế mà VN tham gia ký kết. Trong dự luật này cũng đã cụ thể hóa những quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giam, tạm giữ để khi bị bắt họ nhận thức đầy đủ về quyền của mình.

“Nhưng có những vấn đề như có sử dụng cùm chân, cùm tay với họ hay không và khi sử dụng thì có coi đó là hình thức dùng nhục hình hay không thì là câu chuyện đang bàn cãi. Ví dụ với những người bị tạm giữ, tạm giam đang trong trạng thái phê ma túy, tinh thần bị kích động, tìm cách tự sát…, có thể gây nguy hại đến thân thể, tính mạng người khác thì ứng xử với họ thế nào?” -  ông Quyền đặt vấn đề.

Hôm nay (17-7), các đại biểu dự hội thảo sẽ tiếp tục tranh luận về các vấn đề được đặt ra.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên