30/10/2003 09:10 GMT+7

Cửa Đông thành Đồng Hới: phục chế, tôn tạo có... cách tân?

LAM GIANG
LAM GIANG

TT (Quảng Bình) - Cửa Đông thành Đồng Hới đã được phục chế , tôn tạo với tổng số tiền gần 1 tỉ đồng. Thế nhưng khi công trình hoàn thành, thị xã Đồng Hới rộ lên dư luận cho rằng thành mới chẳng giống thành cũ chút nào!

sGfCnssp.jpgPhóng to
Cửa Đông thành Đồng Hới ngày xưa...
TT (Quảng Bình) - Cửa Đông thành Đồng Hới đã được phục chế , tôn tạo với tổng số tiền gần 1 tỉ đồng. Thế nhưng khi công trình hoàn thành, thị xã Đồng Hới rộ lên dư luận cho rằng thành mới chẳng giống thành cũ chút nào!

Thành Đồng Hới được xây dựng lần đầu dưới thời Gia Long thứ 10 (1812) bằng đất, đến thời vua Minh Mạng thứ 5 (1824) được xây lại bằng gạch như còn tồn tại đến hôm nay. Thành có ba cửa là Đông, Nam và Bắc, trở thành một thành lũy vững chắc trấn ải nơi hiểm yếu trên bờ sông Nhật Lệ, ngay trên tuyến đường xuyên Việt trong suốt một thời kỳ lịch sử dài của đất nước.

Để dựng lại một phần di tích lịch sử này (đã bị bom đạn Mỹ san phẳng trong những năm chiến tranh phá hoại ở miền Bắc từ 1965-1972), ngày 7-10-2001 UBND tỉnh Quảng Bình đã phê duyệt dự án khả thi số 2814 về phục hồi, tôn tạo lại di tích cửa Đông thành Đồng Hới với tổng số tiền gần 1 tỉ đồng.

XVmOrbwc.jpgPhóng to
...nay đã được phục chế thế này!
Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh làm chủ đầu tư và đơn vị tư vấn thiết kế là Công ty Tư vấn thiết kế tỉnh. Đầu năm 2002 dự án được khởi công xây dựng và đến hôm nay đã hoàn thành. Thế nhưng cửa Đông được hoàn thành có đúng với nguyên trạng hay không lại là vấn đề cần được xem xét, phân tích cho rõ, trước dư luận đang rộ lên ở thị xã Đồng Hới là cửa Đông đã được phục hồi, tôn tạo... không giống chút nào!

Trở về thời điểm trước khi dự án phục hồi, tôn tạo cửa Đông được hoàn thành khâu tư vấn thiết kế, khởi công, các đơn vị liên quan đã mở một cuộc tọa đàm có sự tham gia của nhiều nhân chứng là người dân gốc ở thị xã Đồng Hới. Những người được mời này hiện đã trên 70 tuổi, thậm chí có người gần 90 tuổi. Thế nhưng những ý kiến đóng góp quí báu của họ đã không được các đơn vị chủ quản xem xét.

Theo ông Lại Văn Ly, nguyên bí thư thị ủy Đồng Hới, điểm sai dễ thấy nhất đó là cửa Đông thành Đồng Hới lịch sử không hề có hai tầng mái như khi đã phục chế xong, mà thật ra chỉ có một mái như mái phía dưới mà thôi. Mái cũ được lợp bằng loại ngói liệt chứ không phải lợp ngói âm dương màu vàng men như hiện nay.

Điểm sai nữa là bậc đi lên cửa Đông (để canh gác hoặc đánh chuông), theo ông Ly, không phải là lối đi lên từ hai bên bằng cầu thang (từ nam hướng ra bắc và từ bắc hướng vô nam), gắn liền bậc cấp với tường thành cổ, có bức tường che hình vòng cung (như của Quảng Bình quan) như hiện nay.

Trước đây các bậc thang này chỉ đi lên theo hướng tây ra hướng đông, không hề có tường che hình vòng cung và không phải xây gắn vào tường thành như bây giờ, mà hai bậc cấp cũ chỉ nằm trên đất đắp phía trong tường thành mà thôi.

Ông Lê Văn Táo, năm nay gần 90 tuổi, đang sống ở phường Đồng Phú (nhà ông chỉ cách cửa Đông xưa có hơn 500m), xác nhận những gì như ông Ly nói là hoàn toàn chính xác.

Ông cho biết thêm: “Chiếc cầu vào cửa Đông mới phục chế xong không giống với chiếc cầu cửa Đông xưa. Cầu cửa Đông xưa không có độ vồng lên hình cung như hiện nay mà là cầu có mặt phẳng ngang”.

Ông Lê Ngọc Hà, cán bộ hưu trí, cũng là người dân gốc Đồng Hới ở phường Đồng Phú, bổ sung: “Dưới cầu có một cống thoát nước cho hồ bao xung quanh thành, nhưng hình cái cống trước không phải choãi ra quá lớn như bây giờ. Cống trước đây được cuốn bằng gạch nên nếu khẩu độ của nó rộng như bây giờ sẽ bị sập ngay. Tôi còn nhớ hình chiếc cống xưa tương tự như chính cái vòm của cửa Đông bây giờ kia! Họ đã làm lại sai cái cống này rồi”.

Những điều được biết trên đây khi đem đối chiếu với một tấm ảnh mà tôi có được (được coi là chụp từ thời Pháp chiếm đóng, khoảng trước năm 1950) thì nhiều điểm hoàn toàn đúng như các nhân chứng trên đã phát hiện.

Chiều 9-10-2003 tôi trao đổi về vấn đề phục chế, tôn tạo cửa Đông thành Đồng Hới đúng hay sai so với nguyên trạng lịch sử với ông Nguyễn Văn Chuyết, phó ban quản lý dự án, thuộc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh. Ông Chuyết cho biết trong hồ sơ của ông về cửa Đông chỉ có ba tấm ảnh có được từ bảo tàng tỉnh, đều chụp cảnh cửa Đông đã bị bom đạn từ máy bay Mỹ phá hỏng (chụp sau năm 1965).

Ông Chuyết tỏ ra khá bất ngờ khi tôi đưa ông xem tấm ảnh về cửa Đông, mà thật ra tôi chỉ đơn giản xin được từ bảo tàng tỉnh (cùng với ba tấm khác như trong hồ sơ của dự án đã có).

Chưa hết, xung quanh dự án phục hồi, tôn tạo cửa Đông này vẫn còn khá nhiều câu hỏi đặt ra cho ban quản lý dự án và đơn vị tư vấn thiết kế.

Đó là tại sao không phục hồi và tôn tạo toàn bộ di tích mà chỉ làm có cái cửa? Vì trước đây phía trong thành, sát với hai bên cửa còn có một bờ taluy đất rất cao và rộng để quân lính canh thành và các đội tuần tra có thể đi lại (lộ ra ngang ngực trên đỉnh tường thành), thậm chí Pháp còn cho xây cả một nhà canh trên taluy này.

Lan can cầu ngoài cửa xưa có như hiện nay không (có nhiều ý kiến cho là ngày xưa cầu không có lan can)? Có bao nhiêu lớp gạch cuốn miệng cửa cống dưới cầu (hiện nay chỉ có một lớp)? Cầu xưa có mố như hiện nay không? Mặt cầu xưa được lát bằng gạch, đá hay được đổ bằng chất liệu... nhựa đường như hiện nay...?

Được biết sắp tới Sở Văn hóa - Thông tin và UBND tỉnh sẽ đệ trình Bộ Văn hóa - thông tin một dự án nhằm phục hồi, tôn tạo lại thành cổ Đồng Hới (đã bị Mỹ ném bom san phẳng hơn một nửa tường thành về phía đông, cạnh sông Nhật Lệ).

Nhiều người dân am hiểu và đã từng chứng kiến toàn bộ thành, cửa thành Đồng Hới không khỏi không lo ngại rằng các dự án tiếp theo có tuân thủ đúng nguyên tắc phục hồi di tích lịch sử hay không, hay lại lặp lại kiểu phục hồi, tôn tạo di tích... có cách tân như đã làm với cửa Đông?

LAM GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên