Cử nhân tài năng ISB BBUS: Để thích ứng với xu thế toàn cầu hóa

THIÊN TÔN
THIÊN TÔN

'Một trong những ưu tiên hàng đầu của Đại học Kinh tế TP.HCM chính là việc nâng chất lượng đào tạo, đáp ứng nguồn nhân lực trong xu thế toàn cầu hóa'.

Cử nhân tài năng ISB BBUS: Để thích ứng với xu thế toàn cầu hóa - Ảnh 1.

Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Đông Phong - Ảnh: T.TÔN

Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Đông Phong, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH) nhấn mạnh như thế về những vấn đề liên quan đến việc đào tạo Cử nhân tài năng ISB BBUS thuộc Viện ISB, Đại học (ĐH) Kinh tế.

Cử nhân tài năng ISB BBUS: Ít nhưng tinh

Giáo sư Nguyễn Đông Phong khẳng định ĐH Kinh tế TP.HCM đã có những bước trưởng thành căn bản, từ đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, để có thể tận dụng tốt thời kỳ hội nhập cũng như đón đầu cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4.

Từ năm 2010 đến nay, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM tổ chức chương trình Cử nhân tài năng ISB BBUS thuộc Viện ISB (Bachelor of Business Talent). Đây là một chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh, giáo trình được đúc rút từ trên 20 trường đại học lớn trên thế giới, là đối tác của ĐH Kinh tế.

Tham gia giảng dạy những lớp cử nhân tài năng này, ngoài các giảng viên giàu kinh nghiệm trong nước, còn có những giảng viên từ các trường đại học nổi tiếng trên thế giới.

Chương trình không chạy theo số lượng khi mỗi năm chỉ tuyển 200 trong tổng số khoảng 5.000 sinh viên nhập học với những yêu cầu khắt khe, như phải đạt chứng chỉ IELTS tối thiểu 5.5.

"Với chất lượng giảng dạy và môi trường đào tạo tốt, sinh viên tốt nghiệp đảm bảo có thể làm việc ở những tập đoàn đa quốc gia - Giáo sư Phong nhấn mạnh - Nền tảng ngoại ngữ tốt, kỹ năng giỏi, những cử nhân tài năng không khó để hội nhập và thậm chí, tìm kiếm thêm các cơ hội du học bậc cao học".

Người tài cần được đào tạo khác biệt

Sinh viên với những năng lực khác nhau thường học chung trên các giảng đường có khi đến vài trăm người. Điều này dường như khác với phổ thông, khi những học sinh giỏi có các lớp chọn, trường chuyên để học tập theo đúng khả năng của mình.

Một trong những chìa khóa để giải quyết vấn đề này là chương trình cử nhân tài năng ở một số trường đại học. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều cách hiểu chưa chuẩn về chương trình này.

GS-TS Nguyễn Đông Phong đã có cuộc trò chuyện với chúng tôi.

* Thưa ông, dường như không ít phụ huynh và sinh viên vẫn chưa hiểu rõ cử nhân tài năng là như thế nào?

- GS-TS Nguyễn Đông Phong: Trước hết cần biết rằng cử nhân tài năng dành cho những sinh viên xuất sắc, được chọn lọc kỹ lưỡng, theo học một chương trình riêng. Người giỏi cần được đào tạo bằng phương pháp phù hợp để có thể phát triển và đi xa hơn.

Người giỏi cần một môi trường để phát triển tốt hơn. Nhưng, người giỏi cũng có những điểm yếu riêng, do đó, các nội dung của chương trình cử nhân tài năng sẽ khắc phục những điểm yếu đó, giúp sinh viên phát huy tối đa năng lực của mình.

Đây cũng là phương thức tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, thích ứng linh hoạt trong thời đại hội nhập toàn cầu.

* Chương trình đào tạo cử nhân tài năng nhìn chung giống với trường chuyên, lớp chọn, điều này có đặt thêm áp lực cho người học?

- Khái niệm trường chuyên không có gì sai, chỉ sai khi người ta lạm dụng, chẳng hạn, con không đủ năng lực nhưng phụ huynh cứ ép vô lớp giỏi.

Chương trình cử nhân tài năng cũng vậy: đào tạo đại trà là cho số đông, còn đào tạo tài năng là cho số ít. Nếu không đủ giỏi thì không nên theo học vì cách học, cách làm việc rất khác, một môn học có thể bằng 4-5 môn học bình thường.

Nhắc tới cử nhân tài năng là gắn liền với hình thức đào tạo sinh viên giỏi, như khi nói tới trường chuyên là ta nghĩ những học sinh xuất sắc.

Điều này rất quan trọng, bởi thị trường lao động hiện nay được định nghĩa thông qua "tài năng": Nhà tuyển dụng không chỉ tìm người mà là tìm những nhân tố có giá trị phục vụ cho mình.

Cử nhân tài năng: học gì và học thế nào?

* Cụ thể về đào tạo, chương trình cử nhân và cử nhân tài năng khác nhau ra sao, thưa ông?

- Với chương trình cử nhân, người thầy đơn thuần chỉ làm công việc truyền đạt kiến thức, tuy nhiên với cử nhân tài năng, sinh viên phải độc lập và chủ động hơn, là người tự tìm đến hiểu biết dưới sự hướng dẫn của người thầy.

Ví dụ, một buổi lên lớp chương trình tài năng của tôi yêu cầu học khoảng 2 chương thì sinh viên phải nghiên cứu trước, chia nhóm tìm hiểu và nộp bài trước khi lên lớp.

Khi vào học, đầu tiên tôi cho làm bài kiểm tra xem sinh viên đã học và hiểu hết 2 chương đó chưa. Như vậy với lớp thường là thầy dạy trò, còn lớp tài năng, trò phải chuẩn bị rất nhiều nội dung liên quan đến bài học.

Chẳng hạn môn marketing, sinh viên phải biết những sản phẩm nổi tiếng về thành công trong lĩnh vực này, phải lục lọi từng mẫu quảng cáo từ xưa cho đến các đoạn clip ngày nay. Yêu cầu cho cử nhân tài năng nói chung sẽ nhiều hơn, thường vào khoảng 40 giờ hoạt động/tuần.

Như vậy, phần thầy giảng trò làm hết rồi, vậy thầy lên lớp làm gì? Người thầy sẽ "đào xới" nhiều khía cạnh, cho học trò cảm giác rằng phần mình đã tự đọc và nghiên cứu trước mới chỉ hiểu 10%. Thầy còn là người định hướng sinh viên, tùy mỗi trường hợp sẽ giúp các em phát triển theo từng thế mạnh của mình.

Như vậy phương pháp đào tạo đòi hỏi sinh viên phải tự chủ trong học tập và khẳng định tính sáng tạo trong từng bài học, từ đó đòi hỏi cách đánh giá cũng khác. Với lớp thường chỉ cần đọc và hiểu là cho đủ điểm khá, nhưng với lớp tài năng thì đọc và hiểu là chuyện đương nhiên, tiếp đó phải đo lường xem cách thể hiện việc đó như thế nào là phần mới tính điểm.

Với lớp tài năng, cũng là 8-9 điểm nhưng để lấy được điểm đó khung đánh giá rất khác.

Về bản chất, đào tạo tài năng nghĩa là bản thân sinh viên phải giỏi, thế nên quá trình giảng dạy không thể đồng nhất. Nhiệm vụ của chương trình này là phát triển sự tự chủ trong học tập của mỗi bạn, trong đó tính sáng tạo là một yếu tố quan trọng. Có thể hình dung rằng, nếu một lớp tài năng có 40 em, thì khi ra trường, chương trình làm tốt sẽ cho ra 40 cử nhân giỏi khác nhau trong cùng lớp học, không ai giống ai và thoát khỏi những quy trình thường thấy

PGS - TS Trần Hà Minh Quân


tran ha minh quan

PGS - TS Trần Hà Minh Quân - Ảnh: T.TÔN

PGS.TS Trần Hà Minh Quân - Viện trưởng Viện ISB - cũng chia sẻ thêm những khác biệt trong nội dung đào tạo Cử nhân tài năng BBUS, đặc biệt là việc chú trọng yếu tố kỹ năng xã hội và kỹ năng thực hành.

* Người giỏi đa phần có cá tính đặc biệt, thậm chí lập dị. Liệu rằng những sinh viên chương trình cử nhân tài năng có phát triển tự do vượt quá những chuẩn mực xã hội?

- PGS.TS Trần Hà Minh Quân: Đúng là phần đông sinh viên tài năng hay những người giỏi nói chung thường có những suy nghĩ khác biệt, và những bạn thành tích học tập giỏi lại thường yếu về các kỹ năng xã hội.

Do đó, hiện nay tại nhiều trường đại học, hệ cử nhân tài năng thường bắt buộc có thêm một chương trình Leadership Program (phát triển kỹ năng lãnh đạo) để rèn luyện thái độ của một người lao động trong tương lai.

Việc "kéo" các sinh viên giỏi trở lại "mặt đất", giúp các em có những trải nghiệm thực tế, bổ khuyết cho những kinh nghiệm còn thiếu trong quá trình học tập căng thẳng là một trong những nội dung chủ đạo của Leadership Program.

Sinh viên được học về những cách giao tiếp, cách lãnh đạo, những tình huống ứng xử trong môi trường làm việc. Điều này rất quan trọng, bởi không thể giỏi chuyên môn nhưng lại thiếu kỹ năng, nhất là với những trường đại học thiên về xã hội hay kinh tế, đòi hỏi một người giỏi còn biết khả năng hòa nhập tốt và có tố chất lãnh đạo.

Thí sinh, phụ huynh quan tâm đến chương trình đào tạo cử nhân tài năng, có thể tìm hiểu thêm tại https://www.isb.edu.vn.

THIÊN TÔN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên