- Tư vấn của Luật sư Phạm Văn Minh - Văn phòng luật sư J&J:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 117 của Luật Doanh nghiệp 2005, thì công ty cổ phần có quyền trả thù lao, tiền lương cho thành viên Hội đồng quản trị.
Tuy nhiên, theo khoản 2 của Điều này thì nếu Điều lệ của công ty cổ phần không có quy định khác, thành viên Hội đồng quản trị chỉ được hưởng thù lao công việc và tiền thưởng. Thù lao công việc được tính theo số ngày công cần thiết hoàn thành nhiệm vụ của thành viên Hội đồng quản trị và mức thù lao mỗi ngày. Hội đồng quản trị dự tính mức thù lao cho từng thành viên theo nguyên tắc nhất trí. Tổng mức thù lao của Hội đồng quản trị do Đại hội cổ đông quyết định tại cuộc họp thường niên.
Như vậy, sẽ có hai trường hợp xảy ra:
a) Nếu Điều lệ của công ty bạn không có quy định về việc trả lương cho thành viên Hội đồng quản trị, thì bạn (với tư cách là Giám đốc và người đại diện theo pháp luật của công ty) không thể ký hợp đồng lao động với các thành viên Hội đồng quản trị được; và trong trường hợp này sẽ không có cơ sở pháp lý để bạn đóng tiền BHXH cho các thành viên Hội đồng quản trị.
b) Nếu Điều lệ của công ty bạn có quy định về việc trả lương cho thành viên Hội đồng quản trị, thì bạn (với tư cách là Giám đốc và người đại diện theo pháp luật của công ty) phải ký hợp đồng lao động với các thành viên Hội đồng quản trị.
Trong trường hợp này, BHXH của các thành viên Hội đồng quản trị sẽ được giải quyết như sau:
Hiện nay, pháp luật lao động hiện hành không minh thị quy định về việc đóng BHXH cho người lao động giao kết nhiều hợp đồng lao động với các người sử dụng lao động khác nhau; nhưng qua thực tế và qua tham khảo ý kiến tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM thì được biết rằng, trong trường hợp này (các thành viên làm việc bán thời gian) có thể xem như trường hợp người lao động làm các công việc có tính chất tạm thời (so với công việc chính làm toàn thời gian của các thành viên tại các nơi đã đóng BHXH cho họ) được quy định tại Điều 141.2 Bộ luật Lao động; và do vậy, các khoản BHXH của các thành viên Hội đồng quản trị có thể được tính gộp vào tiền lương do công ty bạn trả để các thành viên Hội đồng quản trị tự lo liệu về BHXH.
* Câu 2: Tôi đang làm cho một công ty, đã ký hợp đồng lao động thời hạn 1 năm, nay đã hết hạn hợp đồng và chuyển sang hình thức hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Nhưng sắp tới công ty tôi được bán cho một công ty khác. Nếu công ty mới giữ lại toàn bộ nhân viên của công ty cũ thì chúng tôi có được trợ cấp thôi việc từ công ty cũ không? Và chúng tôi có ký lại hợp đồng với công ty mới không? (Tran Kim Thao)
- Tư vấn của Luật sư Nguyễn Thị Diễm Phượng - Văn phòng luật sư J&J:
Điều 31 - Bộ luật lao động quy định:
“Trong trường hợp sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh ngiệp, chuyển quyền sở hữu, quyền quản lý, hoặc quyền sử dụng tài sản của doanh ngiệp thì người sử dụng lao động kế tiếp phải chịu trách nhiệm tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động với người lao động. Trong trường hợp không sử dụng hết số lao động hiện có thì phải có phương án sử dụng lao động theo quy định của pháp luật.
Người lao động phải chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều này, được trợ cấp mất việc làm theo quy định tại khoản 1 - Điều 17 - Bộ luật lao động”.
Điểm 3d - Mục III - Thông tư số 21/2003/TT-BLĐTBXH ngày 22-9-2003 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 09-5-2003 của Chính phủ về hợp đồng lao động hướng dẫn:
“Trường hợp sau khi sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh ngiệp, chuyển quyền sở hữu, quyền quản lý, hoặc quyền sử dụng tài sản của doanh ngiệp mà người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, thì người sử dụng lao động kế tiếp phải có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động, kể cả thời gian làm việc cho người sử dụng lao động liền kề trước đó”.
Như vậy, khi công ty của bạn được bán cho một công ty khác, công ty mới có trách nhiệm tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động với toàn bộ nhân viên của công ty cũ (nghĩa là bạn không phải chấm dứt hợp đồng lao động với công ty cũ và ký lại hợp đồng lao động với công ty mới), do vậy, các nhân viên trong công ty bạn sẽ không được nhận trợ cấp thôi việc từ công ty cũ.
Trong trường hợp không sử dụng hết số lao động của công ty cũ, khiến một số người lao động phải mất việc làm, thì những người lao động này sẽ được hưởng trợ cấp mất việc là 1 tháng lương cho mỗi năm làm việc, nhưng thấp nhất phải là hai tháng lương.
Trường hợp sau khi được công ty mới giữ lại tiếp tục làm việc mà các nhân viên của công ty cũ chấm dứt hợp đồng lao động, thì công ty mới sẽ trả trợ cấp thôi việc cho những người lao động này, và thời gian để được hưởng trợ cấp thôi việc sẽ được tính cả thời gian mà những người lao động này làm việc cho công ty cũ.
Mọi thắc mắc liên quan đến vấn đề lao động việc làm, kỹ năng nghề nghiệp, quyền lợi của người lao động... bạn đọc có thể gửi về chương trình "Tư vấn việc làm" tại địa chỉ: tto@tuoitre.com.vn Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, xin bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ unicode). Xin chân thành cảm ơn! |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận