Phóng to |
Trước đây, khi đất nước còn nghèo nàn, lạc hậu, các công trình điện và thông tin chủ yếu phục vụ hoạt động của các cơ quan, tổ chức và các cơ sở kinh tế nhà nước. Do đó, hầu như công trình nào cũng xứng tầm là công trình quan trọng về an ninh quốc gia (ANQG).
Ra đời trong bối cảnh đó, Bộ luật hình sự năm 1985 đã xếp tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về ANQG vào chương các tội xâm phạm ANQG. Nói chung, mọi hành vi cắt trộm đường dây thông tin - liên lạc, đường dây tải điện đang vận hành hoặc đang mắc dở dang để chuẩn bị vận hành đều cấu thành tội phạm đặc biệt nghiêm trọng này.
Hiện nay, các công trình điện và thông tin đã phát triển rộng khắp, phục vụ dân sinh và đã có mặt tận các bản làng xa xôi. Việc sử dụng điện thoại di động đã trở thành dịch vụ bình dân, thông tin liên lạc hữu tuyến đã và đang “lép vế” so với thông tin liên lạc vô tuyến. Do đó, không thể coi tất cả mọi công trình điện và thông tin liên lạc đều là công trình quan trọng về ANQG.
Luật đã sửa...
Xuất phát từ chuyển biến của tình hình kinh tế - xã hội, ngày 20-4-2007 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI đã ban hành pháp lệnh bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến ANQG. Ngày 11-12-2008 Chính phủ ban hành nghị định số 126/2008/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành pháp lệnh này.
Theo đó, để được coi là công trình quan trọng liên quan đến ANQG thì công trình đó phải nằm trong danh mục do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Ngày 1-7-2009 Tòa án nhân dân tối cao đã ra công văn số 99/TANDTC-KHXX đôn đốc, yêu cầu tòa án các cấp phải áp dụng quy định tại nghị định số 126/2008/NĐ-CP khi xét xử về tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về ANQG.
...Nhưng chậm thi hành
Điều đáng nói là pháp lệnh có hiệu lực thi hành từ ngày 1-10-2007 nhưng mãi đến khi có công văn của Tòa án nhân dân tối cao năm 2009, một số tòa án địa phương mới bắt đầu áp dụng pháp lệnh này để xét xử.
Câu hỏi đặt ra là trong gần 2 năm đó, các trường hợp đã bị xét xử về tội phá hủy công trình quan trọng về ANQG có được coi là bị xét xử oan, sai hay không và quyền lợi của họ sẽ được giải quyết như thế nào? Bởi lẽ, theo khoản 1 điều 231 Bộ luật hình sự (khoản có mức hình phạt nhẹ nhất) thì hành vi phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về ANQG là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, bị xử phạt tù từ 3-12 năm.
Trong khi đó nếu được xử theo khoản 1 điều 138 Bộ luật hình sự, thì hành vi trộm cắp tài sản chỉ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Ngoài ra, nếu người có độ tuổi từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi lấy trộm thiết bị có giá trị dưới 200 triệu đồng (thuộc khoản 1 và khoản 2 điều 138) sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản.
Còn nếu xử lý về tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về ANQG thì người từ đủ 14 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự cho dù tài sản chiếm đoạt là bao nhiêu đi nữa.
Trong khi đó, ở tình huống ngược lại, mãi đến nay nhiều bộ, ngành, địa phương (UBND cấp tỉnh) vẫn chưa thực hiện việc lập hồ sơ trình Bộ Công an, Bộ Quốc phòng thẩm định và đề nghị Thủ tướng Chính phủ đưa các công trình vào danh mục công trình quan trọng liên quan đến ANQG. Năm 2010 nhiều tòa án địa phương đã đồng loạt chuyển sang xử tội trộm cắp tài sản đối với hành vi cắt trộm thiết bị của các công trình điện và thông tin thay cho tội “phá hủy công trình...”.
Việc chậm trễ nói trên sẽ dẫn đến tình trạng xử nhẹ đi đối với những người có hành vi xâm phạm công trình quan trọng về ANQG thật sự.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận