29/12/2004 14:55 GMT+7

Cong, Quẹo và những ước mơ

Theo Thanh Niên
Theo Thanh Niên

Dù đã ở độ tuổi 20 nhưng tay, chân của cả hai anh em chỉ là những đoạn cong queo. Cơ ngực của hai anh em bị nhô ra phía trước, khiến các em hô hấp khá khó khăn và thỉnh thoảng bị nôn ói. Thấy con bị dị dạng nên cha mẹ hai em đành đặt tên cho con là Cong và Quẹo.

jMooK4gj.jpgPhóng to
Hai anh em Cong, Quẹo đang học bài tại Cơ sở Thiên Phước
Dù đã ở độ tuổi 20 nhưng tay, chân của cả hai anh em chỉ là những đoạn cong queo. Cơ ngực của hai anh em bị nhô ra phía trước, khiến các em hô hấp khá khó khăn và thỉnh thoảng bị nôn ói. Thấy con bị dị dạng nên cha mẹ hai em đành đặt tên cho con là Cong và Quẹo.

Tên họ đầy đủ của hai anh em là Lê Văn Quẹo (sinh năm 1983) và Lê Văn Cong (sinh năm 1985). Cả hai đều là nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam, trong đó, Quẹo có phần bị ảnh hưởng nặng nề hơn Cong.

Tuy nhiên, ở hai anh em bất hạnh này, sức sống và khát vọng vượt lên số phận nghiệt ngã lại mãnh liệt vô cùng.Thấy con bị dị dạng nên cha mẹ hai em đành đặt tên cho con là Cong và Quẹo. Tuy nhiên, ở hai anh em bất hạnh này, sức sống và khát vọng vượt lên số phận nghiệt ngã lại mãnh liệt vô cùng.

Quê Cong và Quẹo ở xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Gia đình có cả thảy bảy người con, thì có đến ba người bị nhiễm chất độc da cam. Gia đình rất nghèo, bữa đói bữa no với nghề bơi thuyền thúng đánh cá.

Cong, Quẹo lớn lên như củ khoai củ chuối lăn lóc đầu hè. Thế nên, đến năm Cong 10 tuổi, cả nhà vô cùng sửng sốt trước lời năn nỉ xin được đi học của em. Nhọc nhằn mưu sinh, không ai có thì giờ để lưu tâm rằng Cong đã từng lê lết khắp nơi "thòm thèm" xem các bạn đồng lứa học bài, xem các ông già đánh cờ tướng. Trước quyết tâm của Cong, gia đình em đã đăng ký cho Cong học lớp 1.

"Em làm phiền thầy cô, bạn bè em nhiều lắm: nào là lo đưa đón em; nào là phải bồng em lên, xuống chỗ học mỗi ngày..." - Cong kể. Vậy mà cậu học trò đặc biệt này thường đạt học lực khá, rất chuyên cần khiến nhiều người nể phục. Cong còn là "cây văn nghệ" xuất sắc của lớp và là một tay cờ tướng dám "đấu" với cả những người lớn tuổi.

Thấy em mình là Cong đi "tiên phong" trong việc học hành, Quẹo như được tiếp thêm sức mạnh chiến thắng mặc cảm bấy lâu nay. Hoàn cảnh gia đình nghèo khó nên Quẹo đành học bổ túc ban đêm để đỡ gánh nặng học phí. "Ba em tối nào cũng phải đi biển đánh cá, từ 6 giờ chiều đến 7 giờ sáng hôm sau mới về. Em phải nhờ má, đặc biệt là chị của em ẵm đến lớp..." - Quẹo bồi hồi nhớ lại.

Việc học nảy sinh biết bao nhiêu nỗi lo. Để tập viết được, Quẹo phải dùng chân chật vật trợ sức cho tay trái. Viết được vài dòng là cả người mỏi nhừ. Quẹo cho biết, trước đây, đã từng mấy lần có ý định tìm đến cái chết vì thấy mình trở thành "gánh nặng của gia đình" nhưng từ khi đi học thì...

"Em có được một số người bạn tốt, luôn chia sẻ vui buồn. Hơn nữa, thầy cô em bảo, trên đời còn có những người bất hạnh hơn tụi em, cái chính là ý chí của mình..." - Quẹo tâm sự.

Do gia đình mỗi lúc mỗi khó khăn, chị gái lại đi lấy chồng nên Cong đành nghỉ học lúc chuẩn bị lên lớp 5, còn Quẹo thì mới học xong lớp 3. Ở nhà, hai anh em thỉnh thoảng vẫn tự coi sách, ôn bài vì sợ một ngày nào đó, cái chữ lại rời bỏ mình mà đi, cả hai lại phải đối diện với cảnh tăm tối như trước kia.

Thông qua sự giới thiệu của những người hảo tâm, năm 2004, Cong và Quẹo được nhận vào nuôi dưỡng tại Cơ sở Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Thiên Phước (Q.12, TP.HCM) với gần 20 trẻ bị ảnh hưởng chất độc da cam khác. Ở đây, Cong, Quẹo có tên mới là Bình, Thuận và được tiếp tục học văn hóa.

Gần đây, Cơ sở Thiên Phước tiếp nhận một số máy vi tính do Bộ Giáo dục và Đào tạo tài trợ, nhằm hướng nghiệp cho các em khuyết tật. "Sự kiện" này đã đốt lên trong lòng Quẹo một ước mơ cháy bỏng: Ráng học giỏi vi tính để kiếm lấy cái nghề liên quan đến tin học.

Ngày Quốc tế người khuyết tật 3-12 vừa qua, Quẹo đã vinh dự nhận được giấy khen của Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật TP.HCM bởi các nỗ lực vượt lên nghịch cảnh của mình. Còn Cong? Cong cười mắc cỡ: "Nói ra em sợ mọi người cười chê mình trèo cao, nhưng ai cũng có quyền mơ ước, phải không chị ? Em mơ làm... phó giám đốc chuyên môn trong ngành y. Dĩ nhiên, trước khi làm được điều đó, em biết mình phải cố gắng hết sức để trở thành người bác sĩ giỏi cái đã!".

Không biết những ước mơ này có trở thành hiện thực hay không, nhưng một điều không thể phủ nhận là hai anh em "tàn nhưng không phế" này rất đam mê học hành.

"Trước đây, Thiên Phước có một cháu tên Bùi Khắc Chương (quê Thái Bình) cũng rất chăm học, có nhiều năng khiếu bẩm sinh, sống hòa đồng, thương yêu mọi người. Chúng tôi tự hào về cháu biết bao! Nhưng rồi tháng 4 vừa qua, cháu Chương đã đột ngột ra đi do bị ép tim, để lại những ước mơ đẹp đẽ chưa kịp thực hiện. Về cơ bản, dị tật của Chương cũng tương tự như của hai cháu Cong và Quẹo.

Điều đó không khỏi khiến chúng tôi lo lắng, hồi hộp cho tương lai của hai cháu này. Chúng tôi rất mong có sự hỗ trợ của các bác sĩ giỏi, nhằm giúp các cháu điều trị bằng vật lý trị liệu tốt để cải thiện tình hình sức khỏe..." - bà Nguyễn Thị Chí Liêm, Ban Đối ngoại Cơ sở Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Thiên Phước bày tỏ.

Theo Thanh Niên
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên