20/03/2004 15:52 GMT+7

Công chúa Ôsin

MẠC CAN, Tháng 3 - 2004
MẠC CAN, Tháng 3 - 2004

TTCN - Tác giả của Tấm ván phóng dao vừa gửi cho TTCN truyện ngắn mới nhất của anh - một câu chuyện ngỡ như ngụ ngôn, cổ tích mà cũng thật ngậm ngùi...

7IdFhFnW.jpgPhóng to
TTCN - Tác giả của Tấm ván phóng dao vừa gửi cho TTCN truyện ngắn mới nhất của anh - một câu chuyện ngỡ như ngụ ngôn, cổ tích mà cũng thật ngậm ngùi...

Chuyện lớn nhỏ, chuyện vui buồn gì ở trong nhà ai ông địa đều hay bởi ông địa ở chung một hộ khẩu, làm sao ông lại không nghe, không thấy, không biết. Chỉ vì ông làm biếng không nói đó thôi (tối ngày ngồi một mình thì nói với ai?). Riêng câu chuyện sau đây vì ông quá khoái cho nên ông vỗ vỗ cái bụng bự, vừa cười vừa kể như vầy:

Chuyện cũ xì: mẹ chồng nàng dâu! Nhưng dâu nhà này là dâu chua. Mẹ chồng như người ở, mỗi sáng bà già thức sớm, lui cui giặt một thau quần lớn áo nhỏ bự chảng, xong rồi quét nhà rửa chén, đi chợ nấu cơm. Cô con dâu ngủ bảnh mắt tới giờ cơm, ăn xong ngủ tiếp.

Còn buổi chiều khi hai đứa cháu nội đi học về, bà già tắm cháu, lo cơm, giặt tiếp một thau quần áo cho mấy đứa. Chưa kịp thở lại hì hục nấu cơm, cô con dâu với con trai về ăn cơm xong, bà già lại rửa chén. Buổi tối giăng mùng cho hai cháu rồi, bà già lau dọn trong bếp cho tới khuya. Thằng con trai của bà già biết chuyện dị hụ này nhưng nói ra thì sợ vợ buồn. Cho nên nhiều năm nay, tháng nào, ngày nào bà già cũng nai lưng làm tất tần tật mọi việc từ sáng cho tới tối.

Ông địa lắc đầu than: “Tội nghiệp bà già!”.

Cho tới một ngày, xung đột nội bộ nổ bùng. Bà già chồng vừa nói vừa mếu :- Trời ơi là trời, thắp đèn đi kiếm cho hết làng trên xóm dưới coi xứ nào có bà má chồng như tui? Hồi tui làm dâu mà được như nó cho tui chết liền!

Nàng dâu không thèm nói chuyện với bà má chồng, cũng không nói chuyện với anh chồng. Tối ngủ chung mùng nhưng cô nàng quay mặt vô vách. Trong những ngày tình hình chiến sự căng thẳng như vậy, bà già vẫn tiếp tục là người ở cho dâu và con trai.

Ông địa nói tiếp:- Chuyện mà tôi mong nhất là nhà này đi tìm một người giúp việc.

Một ngày, chuyện đó thành sự thật. Đây là lời đề nghị của anh chồng, có lẽ anh muốn nói từ lâu nhưng bây giờ mới nói. Hơi lạ là chính cô dâu chanh chua đích thân đi tìm người giúp việc (cô nàng vừa đi vừa lầm bầm chửi bà mẹ chồng là con khỉ già).

Lâu nay chỗ công viên trước chợ là nơi tập trung nhiều người ở quê lên tìm việc, phần nhiều chuyên giúp việc nhà. Thông qua một gia đình đã có người giúp việc, cô con dâu tìm ra nhà cung cấp ăn tiền cò, người này chỉ cho cô tìm tới tay “trưởng phòng dịch vụ” là một bà sồn sồn đang ngồi chồm hổm ở lề đường (trước đây cũng là dân ở đợ chuyên nghiệp, giờ đã chuyển ngành).

Bà “trưởng phòng” lắng nghe yêu cầu của chủ nhà:- Nhà tôi có năm người, hai vợ chồng đi làm, hai đứa con nhỏ một trai một gái đi học và một bà già khó chịu. Công việc không nhiều, chủ yếu là giặt quần áo. Sau đó quét nhà, lau sàn, nấu cơm, rửa chén. Cần một người đàn bà giúp việc lớn tuổi, siêng năng, sạch sẽ, vậy thôi.

Bà “trưởng phòng” nói:- Hiện nay do tình hình kinh tế lên cao, nước lên thuyền lên, mức sống ai cũng khá, cho nên nhà nào cũng cần người giúp việc. Người làm hiện hiếm, phải một hai ngày mới có, có khi phải chờ một tuần nửa tháng. Yêu cầu của cô hơi cao, muốn có một bà già giúp việc siêng năng, sạch sẽ. Nói trước là giá không phải thấp như mấy đứa con gái lanh chanh ham vui đâu nghe.

Nói đúng như con chim mổ thóc! Sợ nhất là “Ôsin” nữ tuổi choai choai. Làm công việc nhà không thạo, đi đứng õng ẹo, tâm hơ tâm hất, làm bể chén bể đĩa là thường, hậu đậu ăn no tắm mát vô tư, làm “bà tám” nhiều chuyện. Chiều chiều đánh quần đánh áo chạy ra trước cửa liếc mắt đưa tình nói chuyện với trai, thoáng chốc cái bụng cô nàng cơi lên trong áo như ông địa. Cho nên phải chờ người giúp việc đứng tuổi đàng hoàng.

Khoảng một tuần lễ trôi qua mà vẫn không tìm ra người giúp việc theo yêu cầu, tình hình trong nhà căng thẳng hơn, cô con dâu lại cưỡi xe chạy ra công viên dịch vụ ghế đá. Thấy bà “trưởng phòng” đang ngồi kế bên một con nhỏ tướng nhà quê nhưng tóc nhuộm vàng cháy:- Tìm được chưa bà?- Có một bà già mới nghỉ việc chủ cũ, tranh chấp về lương phạn sao đó; bả về quê, nói là sẽ lên. Tôi muốn giới thiệu cho cô nhưng người chủ cũ đã thương lượng theo yêu cầu của bả, làm hợp đồng mới, bả về làm lại rồi. Bây giờ khó kiếm mấy bà già lắm!- Có ai giúp tạm một thời gian không?Bà “trưởng phòng” chỉ cô gái nhuộm tóc môđen:- Con nhỏ này ở dưới quê mới lên, hay là cô mướn nó đi?Cô con dâu ngần ngại:- Sao tóc tai vàng khè vầy nè?Bà “trưởng phòng” chống chế:- Làm ruộng ngoài đồng ngoài nắng tóc phải cháy chứ! Cô Hai mướn người giúp việc nhà, tóc tai ăn thua mẹ gì, miễn là nó siêng, không ngủ trưa, không láu táu là ngon rồi. Mùa này chờ mỏi cổ cũng không tìm ra người làm đâu.

Ở nhà thì bà già chồng cứ khóc, tình hình rối ren căng thẳng còn hơn Iraq. Thôi, tạm thời đành rước con nhỏ tóc vàng này về dinh. Em bé vừa về tới nhà là tắm ngay một phát khá lâu, có lẽ cho sạch bụi đời. Cô chủ rón rén vô phòng tắm, thấy cục xà bông thơm hồi nãy no tròn nắm không hết trong tay, bây giờ khuyết sâu như mảnh trăng lưỡi liềm. Em bé lục giỏ thay ngay bộ đồ lửng mong manh, leo lên gác ngủ một giấc thật sâu, ngáy khò khò lại còn nói mớ.

Lẽ đương nhiên cô nàng chưa chính thức nhận việc, cho nên trong ngày bà già vẫn ở nhiệm sở cũ trước cái thau quần áo bự chảng. Tới tối con trai bà về, sững sờ khi thấy em bé tóc cháy đang tự nhiên ngồi một mình coi tivi. Chẳng những vậy mà còn bấm rìmốt chuyển đài tá lả. Té ra cô nàng còn ra quán cà phê cóc hát karaoke, tới khuya đi chân xà bát về gõ cửa, bà già cũng chịu khó lụm cụm ra mở. Em bé tóc vàng không nói không rằng, vừa đi vừa hát, trèo lên gác leo lên giường của bà già ngủ khò. Bà già phải ngủ dưới gạch.

Cho tới khuya, khi chui vô mùng anh chồng chưa hết bàng hoàng, quay sang hỏi vợ:- Vật lạ trên vũ trụ này là ai vậy em?- Hỏi má anh á, chớ hỏi tui làm chi? Khi không bày đặt kiếm người ở, phải chi giàu có như người ta thì không nói. Nghèo sặc máu mà làm sang cho tốn tiền chơi. Nội tiền điện thoại, tiền điện nhà là khổ muốn chết rồi, còn chi thêm tiền mướn người về giặt đồ nấu cơm nữa!Anh chồng nói nhỏ nhỏ:- Thì tốn chút ít cho má đỡ cực.Cô vợ giận:- Má anh chớ bộ má tui sao? Bên nhà ba má ruột tui, dâu con thiếu cha gì…Cô nàng quay vô vách thở dài nói tiếp:- Mà con nào con nấy sướng như tiên! Khỏi làm cái gì đụng móng tay. Nhỏ lớn chưa thấy bà già chồng nào như má anh, khổ ghê!

Trong đêm, tiếng cô con dâu khóc thút thít nhức xương, mỏi óc anh chồng là một lẽ, nó còn vang vang nhức nhối bên tai bà già, bà cũng khóc rưng rức. Sáng hôm sau mới căng, do ai cũng ngồi một góc khóc nên không ai đi chợ. Anh chồng nói với em bé tóc cháy: - Thôi, cháu vô bếp lấy cái giỏ đi chợ giùm chú. Bé tóc cháy xách giỏ với tiền chợ đi luôn một lèo không về, bặt tin nhạn. Cơm canh không có, cả nhà phải ăn hủ tiếu trừ cơm.

May quá, ông địa nghĩ: Nó dông sớm như vậy là tốt, tránh được Sida.

Buổi chiều ngày hôm đó bà “trưởng phòng” dịch vụ ghế đá công viên dẫn tới một người đàn bà coi tướng người chơn chất, hiền hậu. Ngay lập tức bà người làm xông vào công việc, rửa chén, giặt quần áo, làm mọi việc sạch bong, cho tới khi không còn việc gì để làm rồi mới xin phép chủ cho mình lên gác… ngồi khóc. Suốt một tháng trời, ngày nào bà cũng thức khuya dậy sớm, làm mọi việc chăm chỉ như là đang ở nhà của mình.

Bà ít nói, siêng năng, sạch sẽ đúng yêu cầu nhưng cứ rơm rớm nước mắt. Bà má chồng không đành lòng nhìn người già như mình cực khổ, cũng làm phụ. Hai bà già hủ hỉ coi nhau như bạn, ngồi giặt chung thau quần áo, trong số đó có đồ “phụ tùng” của con dâu, bộ quần áo jean dày như da bò, vò trầy da tay, trật luôn khớp xương già.

Bà má chồng lắc đầu than:- Bà ơi, dưới quê tui thắp đèn đi kiếm đỏ con mắt cũng không thấy bà má chồng nào như tui. Hồi xưa đời làm dâu của mình trăm đắng ngàn cay, bây giờ vì không muốn dâu con nó khổ thôi mà mình phải mần tối ngày, chết không kịp ngáp không biết lúc nào. Hai bà già lại khóc thút thít, cảnh ngộ giống nhau.

Dẫu sao mọi việc đâu vào đó cũng mừng, nhưng người-đàn-bà-đúng-yêu-cầu này chỉ giúp việc có một tháng. Mấy đứa con gái của bà ở dưới quê tìm tới khóc mùi mẫn:- Má ơi, má về nhà với tụi con nha má, nhà có rau ăn rau có cháo ăn cháo. Má đừng có đi ở đợ nhà người ta, làm tụi con xấu hổ với làng xóm, mang tiếng tội nghiệp tụi con má ơi. Về nhà mình đi để tụi con xử nó.

Bà người làm rút lui trong vòng trật tự. Bà má chồng lại giặt thau quần lớn áo nhỏ như cũ, đúng ra bà lãn công không làm cũng được, nhưng tánh bà không chịu lấy con mắt ngó mà nói ra lại tội nghiệp thằng con trai. Chiến tranh lạnh lại diễn ra như cũ. Bà già chồng cong lưng làm việc, con dâu ngủ quay mặt vô vách, thằng con trai không hở môi vì sợ vợ. Ông địa ngồi trong cái trang thờ cũng thút thít.

Lại chạy ra công viên ghế đá tìm người giúp việc. Lần này anh chồng chở về sau yên xe Honda của mình một mỹ nữ. Cô gái đâu chừng mười chín hai mươi tuổi, nước da màu bánh mật, mái tóc mây xõa ngang lưng, eo thon, cặp đùi dài, đôi mắt mở to với lông mi tự nhiên cong vút, miệng luôn cười khoe hàm răng trên cả tuyệt vời. Cô gái như đang đi đâu chơi, hầu như không mang theo vật dụng gì ngoài đôi dép vẹt gót dưới chân, thậm chí không có cả áo ngực.

Có người mới gặp lần đầu, nhìn thấy nét mặt họ ai cũng thấy sợ. Nhưng cô gái mới tới không hiểu sao lại tạo được sự tin cậy, thiện cảm. Thiện cảm đầu tiên là qua vóc dáng dễ nhìn, chút ngây ngô thật thà, buồn cười khiến ai trò chuyện với cô một lúc cũng thấy vui vẻ. Hai đứa nhỏ chăm chú nhìn cô gái, bắt chước cách cười nói của cô. Tiếng cười vang lên rộn ràng, thật là ít khi có trong mái nhà ảm đạm này.

Buổi tối, sau khi không còn việc gì để làm, bà già khá sững sờ khi nhìn lại cái bếp: nó mới sạch sẽ, ngăn nắp làm sao dù chỉ dời đổi một chút trật tự cũ. Cả nhà ngồi ở phòng khách xem tivi, cô gái tắm xong cũng ngồi cạnh đó, bên cái quạt máy, hong mái tóc ướt trông hay hay. Một trong hai đứa nhỏ, bé gái tò mò hỏi: - Chị ơi, chị tên gì?Cô gái nói trong nụ cười dễ thương:- Chị tên là Công Chúa.

Anh chồng đang đọc báo khẽ liếc mắt nhìn người giúp việc. Đàn bà hay thật, cô vợ tuy không thấy mắt anh chồng sau tờ báo nhưng... biết tỏng anh ta nhìn ai. Từ chiều tới giờ chính cô vợ cũng quan sát người giúp việc mới của mình. Rất giỏi việc nhưng cô ta không… giống người đi ở. Bà già cho cô gái mượn một bộ quần áo cũ, vô tình làm sao bộ này của đàn ông, chiếc áo sơmi ngắn tay màu xanh, quần dài đen. Trông Công Chúa vừa ngộ nghĩnh lại vừa sang trọng không thể nói. Nếu như có khách tới nhà đố ai biết đó là “Ôsin”. Ngay bà già chồng cũng chăm chú nhìn Công Chúa, vui vẻ hỏi thăm:- Quê con ở đâu?- Dạ thưa bà, ở xa lắm.Anh con trai của bà mỉm cười:- Xa lắm là ở đâu?Công Chúa chỉ cười thay cho câu trả lời.

***

Sáng sớm đã thấy Công Chúa ngồi trước thau quần áo to đùng, giặt sạch hết trơn hết trọi không chút mệt mỏi, lại còn biết tiết kiệm nước. Rửa chén cũng vậy. Hai cánh tay dài nhiều lông tơ, bàn tay ngón dài thon thả, móng cắt ngắn cứ như thoi đưa qua những công việc nhà.

Bà già xách giỏ đi chợ với người làm mới tinh, nói với cô về những thức ăn mà nhà mình thích. Bà cũng đứng bếp bên cạnh cô gái, hướng dẫn nêm nếm mặn ngọt. Chỉ nghe tiếng cô gái dịu dàng vâng dạ, tuy cô có lén thêm một chút gia vị như cọng hành, tép tỏi, dúm tiêu… Bữa cơm hôm đó ai cũng nói ít ăn nhiều, khi người ta ăn ngon không khí chung quanh và gương mặt sẽ vui hơn. Công Chúa có sức khỏe, ăn khá nhiều cơm trắng nhưng rất ít gắp thức ăn. Mấy ngày sau cô chủ làm bộ vô bếp, định coi Công Chúa nấu ăn sao mà ngon nhưng không thấy gì đặc biệt. Ngoài những món ngon thường thấy có một món lạ: mỗi khi thức ăn còn lại chút ít trong nồi trong chảo, Công Chúa lại pha chế tổng hợp thành một món cary cay và ngon không chê vào đâu được. Bà già thì thích đã đành vì răng yếu gặp món hầm mềm, mấy người kia ai cũng gắp món đó tuy có hơi ngượng ngùng. (Yan Can Cook có lẽ cũng phải thốt lên: Má tui thích món này!).

Trên bàn làm việc của người chồng, cái gạt tàn thuốc lá được chùi rửa trắng phau, không còn một vết nhựa thuốc. Những mẩu đầu thuốc lá vương vãi trong góc tủ, dưới ghế cũng được quét sạnh. Bình thủy luôn có nước nóng, bình trà mới luôn ở trên bàn phòng khách, ly ở đâu, chén đĩa nơi nào có chỗ cho nó, những gì lấy ra xài xong, như cái kềm cái búa cây kéo, cô lại lượm đặt vào chỗ cũ. Quần áo mặc xong của cô chủ và hai đứa con bỏ đầy các nơi được thu gom giặt ngay, ủi là thẳng thớm.

Chỉ vài ngày sau khi Công Chúa đến, trong nhà có vẻ tiện nghi hơn, không còn cái ghế đôi giày chiếc dép nằm ngáng đường lên gác. Thậm chí ông địa cũng được tắm gội, lau cái mặt đầy bụi, coi lại ông ta cũng đẹp trai bụ bẫm. Khi được trả lại chỗ cũ, ngồi khuất trong trang thờ ở góc tủ, ông địa cười khoái chí: “Tôi… khoái con nhỏ này rồi đó nha”.

Chỉ không đầy một tháng Công Chúa đã là một thành viên nòng cốt của gia đình. Cô chăm sóc mọi người - kể cả anh chồng của cô chủ - một cách thản nhiên và vô tư. Bà già trông khỏe hơn, nhưng do tánh không chịu lấy mắt ngó nên bà cũng làm chút ít việc nhà cho vui. Hai bà cháu lụi hụi trồng một ít hoa nơi ban công để rồi mỗi chiều Công Chúa ngồi nhổ tóc sâu, chải tóc cho bà già. Ban đầu trong nhà không ai để ý, nhưng sau đó bỗng cùng cười bởi cái quán cà phê cóc bên kia con hẻm nhỏ trước đây vắng hoe nay đông khách hơn, con trai trong xóm ngồi hơi lâu, cứ ngước nhìn lên ban công tìm ai. Những “cây si” mọc um tùm trong ngoài quán cà phê cóc. Nhiều đêm, giữa canh thâu lại còn có anh chàng mòn mỏi ngước nhìn lên ban công khảy đàn ghita.

Công Chúa ít ngủ, có khi ngồi một mình nhìn hoài một nơi xa xăm nào đó. Vào đêm khuya thanh vắng, chỉ còn mỗi chàng nhạc sĩ ôm đàn nghêu ngao, Công Chúa gác cằm trên thành ban công nhìn chăm chú những vì sao, không để ý gì tới tiếng đàn của anh chàng si tình. Nhưng tiếng đàn dai dẳng làm cho bà già cũng khó ngủ, bà ra ngồi cạnh Công Chúa nhìn theo hướng mắt của cô gái, một lúc lâu mới hỏi:- Bà để ý thấy con hay nhìn mấy ngôi sao?Công Chúa thở dài:- Bà ơi, khi con nhìn mấy ngôi sao, con thấy mẹ con cũng đang nhìn sao.Bà già lại hỏi:- Mẹ con bây giờ ở đâu?Cô gái nhỏ nhẹ trả lời:- Dạ thưa, con cũng không biết, con đang trên đường đi tìm.

Có một nỗi niềm gì khá bí ẩn trong câu chuyện này nhưng Công Chúa không nói. Có thể hình dung đây là một đứa con gái đang trên đường lưu lạc đi tìm mẹ. Trong đôi mắt to của Công Chúa thoáng chút u buồn. Rồi một buổi sáng, cả nhà không thấy Công Chúa, cho tới ngày hôm sau cô vẫn không về. Gần một tuần lễ trôi qua, cả nhà lo lắng, không chỉ là thiếu đi một người làm việc nhà mà lớn hơn vậy, ai cũng nhớ cô.

Vắng Công Chúa căn nhà trở lại “trật tự” cũ, lộn xộn, căng thẳng… Vào lúc mà mọi người tưởng là Công Chúa đã mang trái tim mình đi theo một chàng trai nào bên kia quán cà phê cóc thì cô bất ngờ trở lại, vẫn như lúc mới tới, trên đôi dép vẹt gót, nhưng trên tay có một gói giấy nhỏ:- Bà ơi, chú thím ơi, con tìm được mẹ con rồi.

Công Chúa cẩn thận để gói giấy nhỏ đứng trên bàn, cẩn thận mở lớp giấy bọc ra. Trong gói giấy là một tượng đồng đen xinh xắn, có hình dáng thon thả của một nữ vũ công trẻ với xiêm áo mạ vàng. Mà mái tóc, nụ cười của người trong tượng dễ thương không khác Công Chúa đang ngồi trước mặt họ. Một bức tượng cổ trong ngôi đền nào đó bị mất cắp chăng? Hình như vậy. Câu chuyện thật khó tin, quả là vậy, nhưng tượng mỹ nữ là có thật, ngay trước mắt, đứng ở trên bàn giữa ánh đèn sáng trưng!

Ông địa cũng là một huyền thoại. Ông kể tiếp: Trong huyền thoại của một xứ sở nào đó có một vũ nữ lưu lạc, lọt vào mắt xanh của nhà vua. Vị cung phi được sủng ái này vẫn phải làm dâu trong cảnh đối xử khắc nghiệt, và bà đã trốn đi với đứa con gái tội nghiệp, con của vua và bà. Khi tới được bên bờ một dòng sông lớn trong một đêm giông bão, bà kiệt sức, rồi mẹ con lạc nhau. Cho nên từ đó cô gái đi khắp bốn phương trời tìm mẹ. Có khi lận đận, hoạn nạn, đói khát, phải trở thành người giúp việc đáng thương để kiếm cơm…

Sau cùng khó thể nói khác, hầu như những người giúp việc nhà đều có nỗi buồn riêng. Công việc hằng ngày đáng lý là làm cho những người thân, trong chính ngôi nhà của mình, lại bật sang một hoàn cảnh khác hẳn đi, trong ngôi nhà xa lạ, hầu hạ người dưng vì cuộc mưu sinh. Và không chỉ những người giúp việc trẻ, nhiều “Ôsin” lớn tuổi đáng lý là hoàng hậu cũng phải chịu một kiếp tôi đòi. Vì số phận mà những hoàng hậu và công chúa ấy cứ phải lang thang khắp cùng trời cuối đất. Đó là lý do – bạn hãy nhìn đi – tất cả nụ cười của các Ôsin đều có nét buồn làm sao!

MẠC CAN, Tháng 3 - 2004

MẠC CAN, Tháng 3 - 2004
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên