18/03/2005 14:39 GMT+7

Cõng chữ lên cổng trời

Theo Sài Gòn Giải Phóng
Theo Sài Gòn Giải Phóng

Một hành trình mà nghe qua cứ ngỡ đang lạc vào thế giới cổ tích, một câu chuyện cảm động về sự hy sinh thầm lặng của các thầy, cô giáo trẻ ở trường Cilcus, buôn Cổng Trời, xã Mê Linh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng.

L0byeAgb.jpgPhóng to
Lớp học trong nhà nguyện ở buôn Cổng Trời
Một hành trình mà nghe qua cứ ngỡ đang lạc vào thế giới cổ tích, một câu chuyện cảm động về sự hy sinh thầm lặng của các thầy, cô giáo trẻ ở trường Cilcus, buôn Cổng Trời, xã Mê Linh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng.

Chuyện học nơi Cổng Trời

Đường đến Cổng Trời, ngay từ những cây số đầu tiên đã khiến tôi cảm nhận rất rõ về sự heo hút và hoang vắng như tên gọi của địa danh này. Những con dốc dựng ngược, những sườn đồi vắng lặng không một bóng người, những cơn gió cao nguyên lạnh và khô thổi phù phù càng làm tăng vẻ vắng lặng của không gian nơi đây.

Suốt chặng đường đi, thi thoảng mới thấy một vài mái nhà cô lẻ, lặng lẽ nằm lẩn khuất sau những con dốc chập chùng. Đi khoảng gần 10km như thế mới đến trụ sở chính của trường Cilcus. Ngôi trường với 3 phòng học và một gian gọi là văn phòng nhỏ như “bao diêm” nằm lẻ loi, chơ vơ trên đỉnh đồi.

Đón tôi ngay cửa văn phòng, thầy hiệu trưởng Doãn Tuấn Nghĩa hồ hởi: “Lâu lắm rồi mới có khách đến thăm. May là chị đến vào thời gian này, trường mới có nơi khang trang như thế này để tiếp khách”.

Trụ sở khang trang mà thầy Nghĩa giới thiệu là một căn nhà xây cấp 4 được chia thành 2 phòng. Một làm phòng họp của giáo viên và một là phòng làm việc của Ban giám hiệu. Tuy nhiên, đây chỉ là nơi “ở tạm” của Ban giám hiệu bởi đây là công trình nhà ở cho giáo viên do trường ĐHSP TPHCM xây tặng vào tháng 9-2004.

Trước đó, Ban giám hiệu không có nơi làm việc ổn định. Khi công trình này xây xong, thương thầy hiệu trưởng, nhiều giáo viên đề nghị cho thầy mượn đỡ để làm việc và văn phòng Ban giám hiệu được “thành lập tạm” như thế.

Trường Cilcus được thành lập từ năm 1996 nhằm giúp các em nhỏ ở 3 buôn: Hanghớt, Cổng Trời và buôn Chuối – những buôn xa xôi nhất của xã Mê Linh – có điều kiện đến trường. Cilcus là trường duy nhất ở huyện Lâm Hà có số học sinh 100% là người dân tộc. Đời sống của đồng bào ở đây còn nhiều khó khăn, cả 3 buôn có 280 hộ với 1.460 nhân khẩu, đa số là người dân tộc Chil, chủ yếu làm rừng và làm thuê công nhật cho các doanh nghiệp từ nơi khác lên mở trang trại.

Bởi thế, mặc dù “cái trường” đã được đưa về gần hơn nhưng việc theo học “cái chữ” với đồng bào ở đây vẫn còn gian nan lắm. Chẳng vậy mà, thay vì mục tiêu dạy tốt – học tốt được đưa lên hàng đầu như các trường khác thì mục tiêu đầu tiên của Cilcus là duy trì sĩ số. Năm nào cũng vậy, cứ đầu năm học, mỗi thầy cô lại phải đến từng nhà điều tra, vận động các gia đình cho con em đến trường theo đúng độ tuổi.

Chưa ở nơi nào, thầy cô giáo phải đến nhà học sinh nhiều như nơi đây. Mỗi lần học sinh nghỉ, dù có lý do hay không, thầy cô cũng đến tận nhà để thăm hỏi, động viên gia đình, động viên các em trở lại lớp.

Cũng nhờ sự tận tâm ấy mà số học sinh đến trường trong độ tuổi mỗi năm mỗi tăng, cho đến nay, trường đã huy động được 100% trẻ trong độ tuổi ở 3 buôn đến trường và duy trì được sĩ số 344 học sinh từ đầu năm đến cuối năm. Năm rồi, 98,2% học sinh lớp 5 của trường đã tốt nghiệp.

Vừa rồi, Cilcus cũng thành lập được một đội 10 em đi thi học sinh giỏi cấp huyện. Số lớp tăng, lượng học sinh đến lớp cũng ngày càng tăng lẽ ra phải là điều đáng mừng nhưng lẩn khuất sau nụ cười khi báo những chỉ số vui ấy tôi lại thấy vẻ âu lo của thầy hiệu trưởng: “Năm học tới sẽ thiếu phòng học nếu số lượng học sinh tăng, bàn ghế cũng còn thiếu nhiều chị ạ. Trường đang làm công văn xin trường ĐHSP TP.HCM hỗ trợ thêm 40 bộ bàn ghế nữa”.

Hiện trường có 14 lớp nhưng vẫn phải học hai ca ở 3 phân trường, mỗi phân trường cách nhau hai ngọn đồi, đi đường vòng bằng xe máy cũng mất gần 15 phút mới đến nơi. So với 2 phân trường ở buôn Chuối và Cổng Trời thì 3 phòng học ở trụ sở chính nằm tại buôn Hanghớt tương đối khang trang hơn vì được xây với mục đích chính là làm phòng học. Còn lại, các phòng học bên buôn Chuối và Cổng Trời đều là phòng tạm, cái mượn nhà dân, cái là nhà nguyện của buôn, cái lại là phòng mượn của nhà trẻ…

Hành trình của những người trẻ tuổi

Từ Hanghớt, thầy hiệu trưởng Doãn Tuấn Nghĩa và anh kế toán của trường dùng xe gắn máy đưa tôi sang thăm phân trường bên buôn Cổng Trời. Lại những cung đường mù mịt bụi. Lại những con dốc thẳng đứng. Dốc nối dốc lên - xuống. Hai “con ngựa sắt” vừa chực ào xuống với tốc độ không phanh hãm được lại phải “gầm gào” vào số để ngược lên những con dốc dựng đứng.

Đường thế này mà mỗi ngày cô giáo Nguyễn Thị Phương Thảo – năm nay 23 tuổi, giáo viên dạy lớp 2, vốn là dân thành phố Đà Lạt chính gốc vẫn phải vượt qua để đến lớp. Thảo là con gái kế út trong một gia đình cũng tương đối khá giả ở Đà Lạt.

Tốt nghiệp trường Cao Đẳng Đà Lạt năm 2003, Thảo tình nguyện xin về dạy ở Trường tiểu học Mê Linh. Đến năm học 2004 – 2005, ở Cilcus thiếu giáo viên, phòng GD-ĐT huyện huy động những giáo viên trẻ lên đây, Thảo cũng sẵn lòng lên nhận nhiệm sở. Mỗi ngày, cứ bắt đầu từ 6g30 sáng, Thảo lại một mình vượt qua 10 cây số đường đèo Tà Nung heo hút, vắng lạnh từ Đà Lạt xuống Mê Linh rồi vượt qua những con dốc như thế này để đến với học trò của mình.

Đường đi đã khó, “đường” đến với học trò còn khó hơn. Học trò nơi đây không rành tiếng Kinh nên ngày nào cô trò cũng phải “đánh vật” với từng “cái chữ”, từng “con số”. Trường học không trống, không kẻng nên khi nào trò hiểu hết bài thì mới hết giờ dạy.

Những hôm tan học sớm, cô Thảo còn tranh thủ cắt móng tay, tết tóc lại cho các học sinh nữ… Xót con gái, mẹ Thảo nhiều lần đề nghị nếu không xin được vào trường nào trong thành phố thì nghỉ dạy luôn ở nhà phụ bán hàng với mẹ. Thế nhưng: “Gắn bó với tụi trẻ một thời gian lại thấy thương, không nỡ dứt ra” – Thảo nói.

Người đi đi – về về như Thảo cực nhọc bao nhiêu thì người ở lại trường cũng vất vả chẳng kém. Cô Lê Thị Lâm – người thị trấn Nam Ban, vốn đã bắt đầu quen với đời sống ở đây vẫn không giấu được nỗi buồn kể: “Ban ngày có học trò ríu rít ở bên còn đỡ chứ tối đến buồn kinh khủng chị ạ. Cả quả đồi như vậy mà chỉ có mấy chị em ở. Điện không có, tụi em toàn soạn giáo án dưới ánh đèn dầu”.

Lúc chưa có công trình do Trường ĐHSP TP.HCM xây tặng, các cô phải ở nhờ nhà dân, sinh hoạt thiếu thốn đủ bề. Đi hàng chục cây số mới có chợ, nên những bữa ăn rất đạm bạc, quanh quẩn chỉ có vài gói mì tôm, con cá hấp mua lại ở nhà dân gần đó.

Thiếu thốn là thế nhưng các thầy cô trong trường chỉ có 3 điều ước giản dị: Làm được nhà vệ sinh cho các em vào năm học mới, lo được cho các em những bộ đồng phục lành lặn và một chiếc máy phát điện cho đời sống trên đây đỡ hiu quạnh hơn, việc soạn giáo án cũng đỡ vất vả hơn.

Trở về những cung đường cũ trên chiếc xe U Oát của Phòng GD-ĐT huyện, tôi vẫn phải dùng khẩu trang để tránh bụi. Lại thương các thầy – cô trường Cilcus. Mong là những điều ước giản dị của họ mau thành sự thật.

Theo Sài Gòn Giải Phóng
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên