01/12/2005 12:09 GMT+7

Cồng chiêng có thể "thoát ly" khỏi lễ hội?

Theo Thể thao và Văn hóa
Theo Thể thao và Văn hóa

"Cồng chiêng Tây Nguyên đã không chỉ lệ thuộc vào không gian văn hóa tín ngưỡng như trước đây mà nó đã đủ khả năng chuyển đổi chức năng để bước lên những không gian của nghệ thuật có bục diễn" - đó là phát biểu của nhạc sĩ Đặng Hoành Loan, Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc VN, khi nghe tin cồng chiêng trở thành di sản thế giới.

GbZ5Bvmb.jpgPhóng to
NS Đặng Hoành Loan - Ảnh: Nhân Dân
"Cồng chiêng Tây Nguyên đã không chỉ lệ thuộc vào không gian văn hóa tín ngưỡng như trước đây mà nó đã đủ khả năng chuyển đổi chức năng để bước lên những không gian của nghệ thuật có bục diễn" - đó là phát biểu của nhạc sĩ Đặng Hoành Loan, Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc VN, khi nghe tin cồng chiêng trở thành di sản thế giới.

Điều này có vẻ hơi lạ lùng. Bởi vì hình ảnh cồng chiêng đã trở nên quá quen thuộc với mọi người, đến mức cứ quay cảnh lễ hội Tây Nguyên là chắc chắn có cảnh các thanh niên cởi trần đóng khố, nhảy múa quanh đống lửa, quanh nhà sàn, đánh cồng, khua chiêng vang lừng.

Và có lẽ cũng vì sự "phổ cập" như thế cho nên không ít người nghĩ rằng cồng chiêng đơn giản chỉ là sinh hoạt dân gian, gắn với lễ hội. Chứ nếu tách ra, đưa lên sân khấu, biểu diễn như nhã nhạc hoặc âm nhạc thính phòng, thì cồng chiêng sẽ đơn điệu, "mất chất"!

Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan có cuộc trò chuyện sau:

* Nghe cồng chiêng "thoát ly" khỏi lễ hội, ông thực sự thấy thế nào?

- Tôi không có nhiều dịp may được tham dự một lễ hội "xịn" của bất kỳ dân tộc nào sống ở cao nguyên. Nhưng thay vào đấy tôi lại được đứng ra tổ chức rất nhiều buổi biểu diễn cồng chiêng của các dân tộc Ba Na, Gia Rai, Xơ Đăng, M'nông, Brâu, Raglay, Cor, H're, Mạ, S'Trieng, Bru, Paco, Vân Kiều... do các nghệ nhân lão luyện trình diễn để thu thanh làm tài liệu lưu trữ.

Khi ở trong không khí tĩnh lặng không ồn ào náo nhiệt của sinh hoạt lễ hội ta mới thấy hết cái hồn của âm thanh cồng chiêng, cái hồn làm bừng lên ý chí, làm gắn kết cộng đồng, làm thú dữ kinh hoàng, làm thiên nhiên bừng tỉnh.

Sau cồng chiêng, là ca trù và quan họ

Sau lần 3 xét công nhận kiệt tác DSVH phi vật thể và truyền khẩu nhân loại, UNESCO có thể sẽ thay đổi hình thức xét công nhận theo tinh thần của một Công ước mới. Theo đó thì các DSVH phi vật thể và các DSVH vật thể sẽ xét chung, và sẽ không xét 2 năm/1 lần, với mỗi lần, mỗi quốc gia chỉ được đệ trình duy nhất một di sản như hiện nay nữa. Thay vào đó, mỗi nước sẽ được trình 2-3 di sản (nếu kịp làm xong hồ sơ).

VN hiện đang hoàn thiện 2 hồ sơ DSVH phi vật thể là Ca trù và Quan họ, có thể sẽ được đệ trình đồng thời trong đợt tới.

* Trên cơ sở nào mà ông khẳng định rằng cồng chiêng có thể trình diễn độc lập ?

- Tôi xin khẳng định cồng chiêng Tây Nguyên thực sự là nhạc, nhạc ở mức độ cao xét ở các góc độ. Từng dàn chiêng có âm sắc rất riêng. Các âm trong một dàn chiêng hết sức đa dạng (11 âm, 12 âm, 9 âm, hoặc 8 âm... tùy theo từng dân tộc). Sự phong phú về âm là cơ sở để tạo ra sự phong phú về giai điệu và tiết tấu cho từng bản nhạc chiêng khác nhau...

* Ý ông nói là cồng chiêng có các bản nhạc riêng phải không ?

- Sự thực là, từ sự nhận biết về âm, mầu âm rồi cách bố trí các âm trong một dàn chiêng, các dân tộc Tây Nguyên đã sáng tạo ra nhiều bản nhạc cồng chiêng có tiêu đề, có nội dung âm nhạc, thể hiện một vẻ đẹp của thiên nhiên, một ước muốn hạnh phúc, một nỗi đam mê của con người trước cộng đồng cũng như trước các đấng tối cao...

Tôi lấy thí dụ, người Gia Rai có các bài chiêng Juan, Trum Vang. Người Ba Na có các bài chiêng Xa Trăng, SaKapo, Prưh, Xoang, ATâu, Tơrơl....

Tóm lại, có thể coi cồng chiêng là hình thức nghệ thuật âm nhạc dân gian đích thực và độc lập. Và có lẽ cũng chính vì là nghệ thuật độc lập nên ngày hôm nay cồng chiêng Tây Nguyên đã không chỉ lệ thuộc vào không gian văn hóa tín ngưỡng như trước đây, mà nó đã đủ khả năng chuyển đổi chức năng để bước lên những không gian của nghệ thuật có bục diễn.

Nói cách khác, cồng chiêng có thể tách ra khỏi không gian văn hóa của chính nó để trình diễn về nghệ thuật âm nhạc của nó.

* Ông thấy biểu diễn như vậy có đạt hiệu quả không?

- Thực ra, người ta biểu diễn cồng chiêng trên sân khấu khá nhiều, đặc biệt là trong những dịp đưa đoàn đi nước ngoài.

Viện âm nhạc cũng đưa đoàn các nghệ nhân dân tộc Ê Đê, buôn Kor Sier (Đác Lắc) đi biểu diễn tại Bắc Âu và Thụy Điển.

Giáo đốc Viện Hòa nhạc Thụy Điển, ông Sten Sandah - đã phát biểu: "Chính phong cách biểu diễn hấp dẫn của họ là lý do khiến tôi sẽ không ngần ngại để tiếp tục giới thiệu họ với các nhà tổ chức chương trình khác".

* Nếu vậy, có nên thành lập một dạng kiểu như Nhà hát Cồng chiêng (giống như đã làm cho nhã nhạc, tuồng, chèo) để biểu diễn chuyên nghiệp?

- Theo tôi là không nên, bởi khi thành lập Nhà hát riêng, sẽ có những luồng gió mới thổi vào làm mất đi tính nguyên bản của nó. Cồng chiêng cần được nuôi dưỡng trong chính không gian văn hóa của nó, để nó tồn tại và phát triển. Khi cần, mới mang nó như đang tồn tại, đi biểu diễn.

* Tới đây, chắc chắn cồng chiêng sẽ được mời đi biểu diễn ở khắp nơi. Theo ông, nên tổ chức các đoàn như thế nào?

- Mỗi một Trung tâm văn hóa cồng chiêng, một dân tộc ở Tây Nguyên, một buôn làng có một nghệ thuật và một phương thức biểu diễn cồng chiêng riêng. Vì thế, khi đưa đoàn đi giới thiệu, cần chọn kỹ, để đưa toàn đội của từng bản, từng buôn đi, không nên "cấy ghép" các đội với nhau. Có như vậy vừa bảo đảm được sự độc đáo riêng của từng nơi, vừa giới thiệu được nhiều lần mà công chúng không nhàm chán khi xem lại.

* Xin cảm ơn ông.

Theo Thể thao và Văn hóa
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên