16/11/2010 06:04 GMT+7

Con nuôi bất hợp pháp

(Trích công văn ngày 28-10-2010 của Sở Tư pháp gửi Vụ Hành chính tư pháp)
(Trích công văn ngày 28-10-2010 của Sở Tư pháp gửi Vụ Hành chính tư pháp)

TT - Con ruột bị đuổi khỏi nhà, sống lang thang, cha mất muốn về thắp hương cũng rất khó khăn, có tên trong hộ khẩu gia đình nhưng bị coi là thất lạc... Trong khi đó, một người xa lạ được “phù phép” giấy tờ thành con nuôi để nghiễm nhiên sở hữu khối tài sản tiền tỉ.

attT61IT.jpgPhóng to
Anh Trần Ngọc Dũng, con riêng của ông V., bị đuổi ra khỏi nhà khi ông mất, còn phần thừa kế về tay người dưng - Ảnh: Trung Tân

Việc công nhận con nuôi không đúng pháp luật

Theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 1986, về nguyên tắc, việc nhận con nuôi phải thực hiện khi hai bên cha mẹ nuôi và con nuôi còn sống tại thời điểm đăng ký, người con nuôi phải dưới 15 tuổi và phải được UBND cấp xã nơi thường trú của người nuôi hoặc con nuôi công nhận và ghi vào sổ hộ tịch. Ông Hoàng Trọng Sơn nhận là con nuôi ông Trần V., mặc dù được UBND P.Tự An và UBND P.Tân Tiến xác nhận nhưng vẫn chưa đủ cơ sở pháp lý để công nhận mối quan hệ cha nuôi - con nuôi này vì vào thời điểm đó ông Trần V. đã chết và ông Hoàng Trọng Sơn đã được 20 tuổi. Do không có mối quan hệ cha nuôi - con nuôi được pháp luật công nhận theo đúng trình tự pháp luật cho nên việc cải chính hộ tịch để đổi theo họ của người cha nuôi của ông Hoàng Trọng Sơn cũng hoàn toàn chưa có cơ sở pháp lý. Vì vậy, việc thu hồi và hủy bỏ quyết định số 1673/QĐUB của UBND tỉnh Đắk Lắk ngày 30-11-1995 cho phép ông Hoàng Trọng Sơn đổi họ thành Trần Trọng Sơn là cần thiết và đúng pháp luật.

Ông Trần V. (P.Tân Tiến, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) có vợ là bà Hà Thị Ng.. Ông có một con gái bị tâm thần phân liệt nên đã tự đi kiếm cho mình một mụn con trai với người phụ nữ khác. Anh Trần Ngọc Dũng ra đời trong hoàn cảnh éo le như vậy. Sau khi vợ phát hiện, ông V. đã đưa hai mẹ con Dũng đi sống nơi khác. Nhưng càng về già, ông V. càng muốn có con quây quần bên cạnh nên đã xin vợ cho đón đứa con ngoài giá thú về nhà mình sinh sống.

Năm 1989, lúc Trần Ngọc Dũng 11 tuổi, ông V. làm khai sinh cho Dũng tại P.Tân Tiến và cho con đi học tại đây.

Chị Trần Thị Liên - hàng xóm của ông V., coi ông như cha nuôi - nói: “Hồi thằng Dũng còn nhỏ xíu, nhiều lần ông già muốn đón nó về nhưng vợ không cho nên đành chịu. Nhưng rồi chiều chồng, bà Ng. cũng chịu để ông già đưa thằng Dũng về”.

Còn ông Ngô Hồng Sinh - phó chủ tịch thường trực HĐND P.Tân Tiến, cũng là hàng xóm trước đây của ông V. - cho biết: “Khi Dũng về, chính tôi là người trực tiếp làm khai sinh cho cháu. Tôi hoàn toàn chứng thực Dũng là con của anh V., nó phải được hưởng thừa kế của ba nó như bất cứ đứa con nào khác. Thế nhưng, anh V. đi đột ngột quá, số thằng Dũng cũng lận đận từ đó luôn”.

Người chết... nhận con nuôi

Năm 1990, ông V. qua đời. Lời cuối cùng ông mong vợ thương đứa con riêng của mình như thương mình vậy. Thế nhưng sau khi ông V. mất chưa được bao lâu, anh Dũng cho biết anh đã bị bà Ng. đuổi ra khỏi nhà.

Năm 1995, bà Ng. nhận anh thanh niên bán chuối bên vỉa hè trước cổng nhà tên Hoàng Trọng Sơn, sinh năm 1975 (thường trú P.Tự An, TP Buôn Ma Thuột) về làm con nuôi, lúc này Sơn đã 20 tuổi. Ông Trần V. đã mất trước đó năm năm. Có nghĩa là ông V. không hề “biết” hay “tự nguyện” nhận Sơn làm con nuôi. Vậy lại càng không thể có chuyện Sơn và ông V. (đã chết) có quan hệ là con nuôi - cha nuôi. Thế nhưng, ngày 30-11-1995, dựa trên đề nghị của Sở Tư pháp Đắk Lắk, UBND tỉnh ra quyết định số 1673 cho phép Hoàng Trọng Sơn được “đổi từ họ bố đẻ sang họ bố nuôi!”.

Từ những quyết định trên, Sơn trở thành con nuôi của cả ông Trần V. và bà Hà Thị Ng. và bây giờ là chủ sở hữu của khối di sản do ông bà để lại vì người con chung duy nhất của ông bà đã chết tháng 12-2007; con ruột (ngoài giá thú) của ông V. là Trần Ngọc Dũng bị ghi trong hộ khẩu là con nuôi và bị cho là đã bỏ đi không tung tích!

Khi chúng tôi tìm hiểu sự việc này, những người thân thích với ông V. và bà Ng. đều tỏ ra bức xúc. Ai cũng nói hồi bà Ng. đưa Hoàng Trọng Sơn về và nhờ phường làm thủ tục để nhận làm con nuôi, không ai đồng ý cả. Vì lúc ấy bà Ng. còn khỏe mạnh, Sơn cũng đã là thanh niên, mà Dũng cũng ở tại địa phương nên ai cũng phản đối. “Phản đối dữ quá nên bà Ng. đã chửi tôi và đưa toàn bộ hồ sơ sang P.Tự An (nơi gia đình Hoàng Trọng Sơn cư trú - NV) để làm thủ tục giao nhận con nuôi” - ông Ngô Hồng Sinh cho biết.

Di chúc không rõ ràng

Ít lâu sau khi bà Ng. mất (tháng 9-2009), khi bị anh Dũng kiện ra tòa đòi quyền thừa kế, Sơn đưa ra bản di chúc của bà Hà Thị Ng. đề ngày 5-10-1999 cho biết toàn bộ phần di sản của bà Ng. thuộc về mình. Tuy nhiên, bản di chúc này có nhiều chỗ không rõ ràng. Di chúc lập lúc bà Ng. hoàn toàn khỏe mạnh, bà Ng. là người có trình độ học vấn cao nhưng tại bản di chúc không hề có chữ ký của bà Ng. mà chỉ có hai dấu điểm chỉ rất mờ. Năm sinh của bà Ng. trong di chúc cũng sai so với trong hộ khẩu, CMND.

Trong khi đó, hai người làm chứng (ông Nguyễn Trung Hiếu, hiện đang làm ở Sở Tư pháp Đắk Nông và ông Vũ Văn Đức đã trên 80 tuổi) lại ghi lời làm chứng trong di chúc rằng bà Ng. đã nghe đọc, ký tên vào. Và thật kỳ lạ, công chứng viên Bùi Đăng Thủy (hiện đang làm ở Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đắk Lắk) cũng ghi trong di chúc: “Bản di chúc này do bà Hà Thị Ng. tình nguyện lập ra. Bà đã nghe đọc lại bản di chúc này và ký tên trước sự chứng kiến của tôi...”.

Hồ sơ giao nhận con nuôi lưu ở Sở Tư pháp tỉnh Đắk Lắk cho thấy ngày 15-10-1995, bà Ng. có đơn xin đổi họ cho Hoàng Trọng Sơn, viết: “Tôi nhận Sơn làm con nuôi từ khi 10 tuổi nhưng chưa có điều kiện làm thủ tục nhận con nuôi”. Dựa vào đơn đó, phó chủ tịch UBND P.Tự An lúc bấy giờ là ông Nguyễn Đức Dũng ký xác nhận bà Ng. nhận Sơn làm con nuôi lúc 10 tuổi mà không có căn cứ nào.

Hơn nữa, theo ông Nguyễn Duy Phương - trưởng phòng hành chính - tư pháp Sở Tư pháp Đắk Lắk, trong hồ sơ của ông Hoàng Trọng Sơn không có quyết định giao nhận con nuôi tại P.Tự An. “đó là quyết định quan trọng và không thể thiếu về mặt pháp lý khi giao nhận con nuôi” - ông Phương cho biết.

Ngày 13-9-2010, Sở Tư pháp Đắk Lắk đã làm công văn sang UBND TP Buôn Ma Thuột đề nghị hủy quyết định giao nhận con nuôi giữa bà Hà Thị Ng. và ông Hoàng Trọng Sơn. Trách nhiệm sửa sai còn rất nhiều phức tạp, nhất là khi có liên quan đến thừa kế di sản.

(Trích công văn ngày 28-10-2010 của Sở Tư pháp gửi Vụ Hành chính tư pháp)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên