16/11/2017 21:49 GMT+7

Còn nhiều biến tướng trong thực hành các nghi lễ thờ Mẫu

ĐỨC TRIẾT
ĐỨC TRIẾT

TTO - Dù hoạt động thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu được bảo tồn, phát triển nhưng việc thực hành này vẫn có sự biến tướng, nhiễu loạn…


Việc bảo tồn thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu là công việc lâu dài và khó khăn, cần có những hoạt động thiết thực để ngăn chặn các hình thức biến tướng đang xảy ra, kiểu như một nghi lễ hầu đồng mà đốt mấy xe tải vàng mã…

Ông Trương Minh Tiến - Phó Giám đốc Sở Văn hóa thể thao Hà Nội

Hội thảo khoa học thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu trên địa bàn Hà Nội - nhận diện, bảo tồn và phát triển do Hội Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội tổ chức tại đình Hào Nam, Hà Nội, sáng 16-11 đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa - xã hội, các nghệ nhân dân gian, đồng đền, thủ nhang, thanh đồng… 

Bên cạnh việc cùng nhận diện khái quát, hoặc làm rõ hơn, đi sâu hơn về tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ, về mối quan hệ tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, hội thảo đã "nóng" lên với những tồn tại về thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu hiện nay.

Nhà nghiên cứu Phạm Tứ và Giáo sư, tiến sĩ Ngô Đức Thịnh cùng chỉ ra rằng, tình trạng thương mại hóa tín ngưỡng thờ Mẫu đang là một thực tế nặng nề và nhức nhối, khiến cho tín ngưỡng này ngày càng bị xói mòn. 

Tình trạng nhiễu loạn, biến tướng trong các nghi lễ của tục thờ Mẫu khiến cho nghi lễ dần mất tính thiêng, lên đồng theo kiểu càn quấy của các "đồng đua, đồng đú" khiến dư luận bức xúc. 

Các hình thức sân khấu hóa nửa tâm linh, nửa trình diễn nghệ thuật cũng làm méo mó nghi lễ này. 

Tình trạng phân tán, tản mạn, bị buông lỏng, thiếu sự quản lý cũng tạo nên bộ mặt xô bồ, tạo điều kiện cho các sinh hoạt mê tín, đi ngược lại các giá trị thuần phong mỹ tục dân tộc.

Hiện tượng hầu đồng mọi lúc, mọi nơi, hầu tứ phủ trong phủ Trần triều; hầu đồng tại các chùa, các đình và các sư tham gia hầu đồng… Đưa các yếu tố đương đại vào một lễ hội dân gia truyền thống (lễ hội Lảnh Giang năm 2009), hiện tượng "đồng Cu" tại Hồ Tây, "café chầu văn tại Hải Phòng… Nhiều cung văn còn đưa cả âm nhạc múa sạp của Tây Bắc, ca khúc Tiếng chày trên sóc Bom Bo, Em đi chùa Hương, thậm chí cả bài hát Hoa Chăm pa, Em là cô gái Lào…

Nhà nghiên cứu Phạm Tứ nêu ví dụ.

Còn nhiều biến tướng trong thực hành các nghi lễ thờ Mẫu - Ảnh 3.

Hội thảo thu hút sự quan tâm của đông đảo chuyên gia, nghệ nhân dân gian, thanh đồng… - Ảnh: ĐỨC TRIẾT

Phát biểu tại hội thảo, ông Trương Minh Tiến - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho hay, theo kết quả kiểm kê sơ bộ vào cuối năm 2016, sinh hoạt tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ trên địa bàn Hà Nội diễn ra hầu khắp các quận, huyện, thị xã với khoảng hơn 1900 di tích là các phủ, đền, điện thờ tư gia.

Trong đó, số lượng điện tư nhân lớn với khoảng 886 điện và đang có xu hướng tiếp tục gia tăng.

Là người trực tiếp thực hành tín ngưỡng, thanh đồng Lưu Ngọc Đức cũng chỉ ra những thực tế: 

"Trang phục hầu thánh bị biến dạng, mai một, có khi không ra Tàu, không ra Tây mà cũng chẳng ra lối Việt. 

Bên cạnh đó, vũ đạo hầu thánh bị nặng về biểu diễn làm mất đi sự nghiêm trang; lời tuyên phán nặng về dọa nạt, mang tính trần tục quá nhiều…"

Trong khi đó, thanh đồng Nguyễn Đức Tiến lại trăn trở, có bảo tồn được không, có phát huy được những giá trị cao đẹp của tín ngưỡng này hay không nếu như không có  giới trẻ? 

Chỉ ra thực tế gần đây có nhiều bạn trẻ tham gia vào tín ngưỡng thờ Mẫu nhưng theo xu hướng cách tân một cách tùy tiện, xảy ra tình trạng đua đồng, đua bóng, thanh đồng Nguyễn Đức Tiến đề xuất: 

"Theo tôi, việc hết sức cấp bách hiện nay là Hội Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội cùng Câu lạc bộ Bảo tồn văn hóa thờ Mẫu và hát văn Hà Nội sớm kiến nghị với cơ quan quản lý văn hóa và các cấp thẩm quyền đưa ra một bộ khung và các quy tắc ứng xử thực hành nghi lễ tín ngưỡng thờ Mẫu để lấy đó làm chuẩn mực".

ĐỨC TRIẾT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên