![]() |
Già làng Gia Tiêng (Lâm Đồng) đang chỉnh chiếc chiêng núm. Ảnh: L.Điền |
Già làng Y Lon Niê đặt chiếc chiêng xuống đất, dùng một chiếc búa con gõ đều xung quanh mặt trong của chiêng, và đánh lên, nghe lại. Có khi già làng cầm dùi đánh vào chiếc chiêng kế bên chiếc đang sửa để xác định độ chuẩn của âm thanh. Cứ chỉnh sửa và nghe đi nghe lại như thế cho đến khi chiếc chiêng được chỉnh xong. Dàn cồng chiêng lại tấu lên những giai điệu rập ràng, âm vang tiếng núi rừng Tây Nguyên…
Đó là một phần công viêc chỉnh chiêng của các nghệ nhân, già làng Tây Nguyên. Những nghệ nhân có khả năng thẩm âm cồng chiêng cực giỏi như già làng Y Lon Niê tính khắp cả Tây Nguyên đến xuân này chỉ còn đếm trên đầu ngón tay... Chỉnh chiêng là công việc cần thiết, rất quan trọng của các dàn cồng chiêng, và những người đảm trách việc này được xem là các nghệ nhân kỳ tài trong không gian văn hóa cồng chiêng.Theo các nghệ nhân, mỗi chiếc chiêng là một nốt nhạc trong tổng thể toàn dàn cồng chiêng. Không những thế, tùy theo biên chế của từng dàn cồng chiêng hoặc 6 chiếc, hoặc 11-12 chiếc, có những chiếc cồng núm làm nhiệm vụ giữ nhịp và chiêng bằng làm nhiệm vụ hòa âm.
Do cấu trúc đa dạng và phức tạp của hệ thống thang âm điệu thức trong âm nhạc cồng chiêng, mỗi chiếc chiêng cần phải vang lên một cường độ âm thanh đúng “tông” nhất định. Và trong nhiều trường hợp, những chiếc chiêng bị sai lệch “tông” - thường thì cao hơn hoặc thấp hơn vị trí của nó - nhất thiết phải được chỉnh sửa.
Theo thống kê sơ bộ của Viện Văn hóa thông tin, hiện năm tỉnh Tây nguyên còn 78 nghệ nhân chỉnh chiêng. Nhưng nghệ nhân thực sự có tài trong nghệ thuật này được cộng đồng làng công nhận thì ít hơn nhiều. Sắp tới, trong chương trình hành động quốc gia bảo tồn và phát huy không gian văn hóa cồng chiêng Tây nguyên, nghệ thuật chỉnh chiêng sẽ được khuyến khích truyền dạy từ các nghệ nhân cho thế hệ trẻ. |
“Những chiếc chiêng mới mua từ những lò đúc vùng Quảng Nam hoặc mua từ Lào, đều cần phải chỉnh sửa cho đúng “nốt” mới có thể biên chế vào các dàn cồng chiêng được”, nghệ sĩ ưu tú Vũ Lân - phó chủ tịch thường trực Hội Văn học nghệ thuật Đắc Lắc cho biết.
“Cũng có khi bà con dân tộc mình chôn giấu cồng chiêng thời chiến tranh, lâu ngày đào lên chiêng bị mất tiếng, hoặc chiêng đánh lâu ngày, bị lạc tiếng, cũng cần phải chỉnh sửa”, nghệ nhân K’Chum ở Lâm Đồng bổ sung thêm.Hoặc trong dàn cồng chiêng có một vài chiếc bị vỡ, phải thay thế bằng những chiếc “chiêng lai”. Việc chỉnh sửa những chiếc chiêng “lạ hoắc” khi gia nhập vào dàn cồng chiêng là công việc kỳ công nhất. Nguyên tắc cơ bản của chỉnh chiêng là nếu chiếc chiêng đang bị “chết thấp” (tức âm thanh của chiêng thấp hơn “nốt” cần có tại vị trí của nó trong dàn cồng chiêng) thì nghệ nhân chỉnh sửa mặt trong của chiêng để tiếng chiêng cao hơn; và ngược lại, nếu chiêng bị “chết cao” thì cần chỉnh sửa mặt ngoài để “kéo” tiếng chiêng trầm xuống.
Chỉnh chiêng có nhiều cách, nghệ nhân gõ, vỗ, gò, nắn, mài, cạo trên mặt chiêng, khiến cho âm thanh của chiêng được điều chỉnh về đúng “nốt” cần có trong vị trí của dàn cồng chiêng.Chỉnh chiêng là nghệ thuật truyền đời xuất phát từ kinh nghiệm của các nghệ nhân, nó song hành cùng âm nhạc cồng chiêng từ khi loại hình nghệ thuật này xuất hiện trong đời sống văn hóa của các cộng đồng dân tộc Tây Nguyên.Cũng bởi là những kinh nghiệm truyền đời, nên nghệ nhân chỉnh chiêng cần có một năng khiếu thẩm âm đặc biệt, cộng với một thâm niên chơi cồng chiêng lâu năm. Bởi phải là người sống trong âm nhạc cồng chiêng, thuộc rõ từng “nốt” của dàn cồng chiêng, biết được các cách diễn tấu của từng dàn cồng chiêng cho từng bản nhạc nhất định, mới có thể nhận ra chiếc chiêng nào đang bị lạc điệu, mà người dân tộc gọi là chiêng “chết”.
![]() |
![]() |
Nghệ nhân Py Ơch (Gia Lai) đang trình diễn nghệ thuật chỉnh chiêng trước các quan khách. Ảnh: L.Điền | Già làng Y Lon Niê (bìa phải) đang chỉnh chiếc chiêng "chết thấp". Ảnh: L.Điền |
Âm nhạc cồng chiêng trong đời sống cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên là tiếng của đại ngàn, tiếng của gió gào suối gọi, tiếng của chim muông mừng xuân mới, tiếng của thú rừng gọi nhau đêm trăng, là tiếng lòng của những đôi trai gái yêu nhau, là khí thế của buôn làng chống thiên tai địch họa, lại có cả tiếng khải hoàn ca khi chiến thắng, và tiếng ngọt ngào của điệu ru trẻ thơ… Bởi thế, mỗi bài chiêng, mỗi giai điệu là một nghệ thuật được tinh lọc từ đời sống, là mối giao hòa giữa con người và thiên nhiên Tây Nguyên.
Có vị giáo sư từng nói rằng: “Tiếng cồng chiêng đưa người nghe về lại không gian lịch sử hình thành các dân tộc, đưa con người về lại thuở ban sơ, về với cái bản nguyên của con người trong mối quan hệ với đất trời”. Vì vậy, một chiếc chiêng lạc điệu là điều không chấp nhận được, và những nghệ nhân chỉnh chiêng, chính là người nắm giữ nét đẹp của âm nhạc Tây Nguyên. Chính họ, và cuộc đời nghệ thuật cồng chiêng của họ, đã lưu giữ những giai điệu đời thường mà thiêng liêng, biết uốn nắn chỉnh sửa để những giai điệu này luôn sống mãi, đẹp mãi với đất, với người, với bản hòa âm của núi rừng Tây Nguyên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận