![]() |
Người tiêu dùng đổ xăng sinh học tại cây xăng số 5 (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM)- Ảnh: Kim Tuyến |
Tuy nhiên, nhiều người dân còn lúng túng không biết có nên chuyển qua sử dụng xăng sinh học vì tâm lý ngại cái mới và chưa có nhiều thông tin về loại xăng này.
E ngại vì thiếu thông tin
Nhân viên Nguyễn Thành Nguyên tại cây xăng số 5 (143 quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức) cho biết: “10 người đổ xăng thì chỉ 1-2 người đồng ý đổ loại xăng này. Mỗi ngày bán được 100 lít là nhiều. Người mua xăng này chủ yếu vì giá rẻ hơn xăng thường 500 đồng/lít”.
Chị Nguyễn Minh Thi (đường Kha Vạn Cân, Hiệp Bình Chánh, đang đổ xăng sinh học) chia sẻ: “Tôi không biết rõ xăng này thế nào nhưng người ta đã đưa vào bán thì chất lượng phải đảm bảo. Đã vậy loại xăng này rẻ hơn và nghe đâu còn bảo vệ môi trường nên tôi chuyển qua sử dụng”.
Xăng sinh học là gì? Xăng sinh học là hỗn hợp của xăng truyền thống và cồn sinh học (bio-ethanol), được sử dụng làm nhiên liệu cho các loại động cơ đốt trong như xe gắn máy, ôtô. Lợi ích của xăng sinh học là giảm lượng lớn khí thải độc hại ra môi trường. Việc sử dụng xăng sinh học còn góp phần tăng khả năng đảm bảo an ninh năng lượng của một quốc gia, nhất là các quốc gia không có nguồn dầu mỏ. Xăng E5 do PV Oil sản xuất đang được bán tại các cây xăng là hỗn hợp pha 5% ethanol với 95% xăng gốc. E5 được sản xuất tại ba nhà máy sản xuất ethanol ở Phú Thọ, Quảng Ngãi và Bình Phước. Cả ba nhà máy đều có công suất 100 triệu lít/năm, sử dụng trung bình 240 tấn sắn lát khô/năm. |
Nhiều người thắc mắc việc đang sử dụng loại xăng bình thường rồi chuyển qua sử dụng xăng sinh học và ngược lại có làm ảnh hưởng máy móc của xe hay không, vì thế họ vẫn quyết định sử dụng loại xăng xưa nay đã dùng cho an toàn.
Xăng sinh học sẽ được nhân rộng
PV Oil cho biết hoàn toàn có thể sử dụng xen kẽ xăng E5 với xăng bình thường mà không ảnh hưởng đến động cơ. PV Oil phối hợp cùng Đại học Bách khoa Đà Nẵng và Toyota Bến Thành thử nghiệm liên tục sáu tháng trên các loại phương tiện lưu thông khác nhau. Kết quả loại xăng này không gây ảnh hưởng động cơ và lượng khí CO2 xả ra môi trường ít hơn 30% so với xăng thông thường.
Theo PV Oil, trong xăng E5 có trị số octan cao, khi pha vào xăng gốc làm tăng trị số octan của hỗn hợp nhiên liệu nên khả năng chống kích nổ của động cơ tăng, giúp nâng cao hiệu suất cháy 6,5% và công suất động cơ đến 3,3% so với xăng thông thường và lượng tiêu thụ nhiên liệu không thay đổi.
Tuy nhiên nhiều người đang bắt đầu dùng xăng này cho biết xe thường chết máy hơn khi trời lạnh. Anh Võ Xuân Phong - từng làm cho một công ty sinh học, rất quan tâm loại xăng này - cho biết: “Ở Thái Lan có 4-5 loại xăng sinh học khác nhau phù hợp cho những loại động cơ khác nhau. Tùy từng loại động cơ mà có sự hướng dẫn sử dụng khác nhau. Tôi không biết liệu xăng E5 đang bày bán có đảm bảo an toàn cho tất cả loại động cơ không”.
Anh Phong cho biết nhược điểm của xăng sinh học là hiệu suất cháy của loại xăng này không bao giờ đạt 100% như xăng bình thường, đồng thời ethanol khó bay hơi hơn phần nhẹ trong xăng nên sẽ gặp vấn đề khởi động cho động cơ khi nhiệt độ môi trường xuống thấp, vì vậy việc hướng dẫn sử dụng là rất quan trọng.
Ông Lý Hồng Đức - phó tổng giám đốc PV Oil - cho biết: “Trong một cuộc khảo sát bỏ túi do PV Oil thực hiện tại Hà Nội và TP.HCM, thì 15-20% người đổ xăng đã sẵn sàng chuyển sang sử dụng xăng E5 với các lý do: giá rẻ hơn, giảm khí thải gây ô nhiễm môi trường và dùng thử cho biết. Sắp tới sẽ có thêm hai cửa hàng xăng dầu tại TP.HCM tham gia kinh doanh xăng E5. Đến cuối năm nay trên cả nước sẽ có 40 điểm bán. Dự kiến đến năm 2012 sẽ phát triển khoảng 4.000 điểm bán xăng E5 tại hệ thống của PV Oil, Petec và các đại lý trực thuộc”.
Hiện một số nơi đang tiến hành nghiên cứu, sản xuất xăng sinh học theo công nghệ hiện đại như: Công ty PV Oil, phòng thí nghiệm khoa công nghệ hóa (ĐH Bách khoa TP.HCM), Công ty Đồng Xanh ở Quảng Nam...
Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy xăng sinh học E5 (hỗn hợp 5% cồn khan và 95% xăng hóa thạch) hoàn toàn có thể sử dụng an toàn cho các động cơ xăng hiện tại (sản xuất từ sau năm 1990) và có tính năng sử dụng tương tự loại xăng hóa thạch truyền thống. Tuy nhiên, không phải loại xăng sinh học nào cũng tốt cho môi trường. Nếu xăng sinh học được làm từ các nguyên liệu lương thực như sắn, mía... và sử dụng nguyên liệu xăng thông thường để sản xuất thì có tác hại hơn đối với môi trường (vì để làm ra xăng sinh học phải tốn nhiều nhiên liệu hơn, vừa đắt tiền vừa thải nhiều khí độc hại hơn và gây ảnh hưởng đến an ninh lương thực). Xăng sinh học thật sự chỉ tốt cho môi trường nếu được chế biến từ các phế thải dư thừa hay các loại thực vật như tảo và năng lượng để sản xuất, chế biến xăng sinh học cũng phải “xanh”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận