![]() |
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang làm công văn trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị cho phép tỉnh phối hợp với Bộ VH-TT, Hội đồng Di sản Quốc gia, UB Quốc gia UNESCO của VN tiến hành lập hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận Côn Đảo là một di sản văn hóa và thiên nhiên của thế giới.
Xứng đáng được tiến cử
Trong ký ức của nhiều người, Côn Đảo là địa danh được ví như "địa ngục trần gian", nơi từng giam giữ những người yêu nước Việt Nam với hệ thống chuồng cọp khét tiếng thời chiến tranh. Với chế độ tàn bạo của nhà tù, khoảng 20.000 người yêu nước Việt Nam đã chết và được chôn cất tại nghĩa trang Hàng Dương.
8 di sản VN đang được đề cử chính thức Đó là 4 di sản (vật thể) Hồ Ba Bể, VQG Cát Tiên, Bãi đá cổ Sapa, Khu di tích chùa Hương. 4 di sản phi vật thể gồm: Ca trù, Quan họ, Rối nước, Sử thi Tây Nguyên |
Hơn thế, Côn Đảo còn có thế mạnh là Vườn quốc gia có tiềm năng đa dạng sinh học cao, có nhiều loài động vật, thực vật quý hiếm, đặc hữu là nơi có ý nghĩa quan trọng toàn cầu về sinh vật biển, sinh cảnh trên cạn...
Côn Đảo cũng nổi tiếng về hệ sinh thái san hô đa dạng vào loại nhất, nhì của Việt Nam, bao gồm 342 loài, 61 giống, 17 họ...
Biển Côn Đảo cũng là nơi có số lượng Vích cư trú và làm tổ nhiều nhất ở Việt Nam. Hằng năm, có khoảng 400 con rùa đến làm tổ tại các bãi biển Côn Đảo, đẻ khoảng 1.200 tổ trứng và có khoảng 60.000 đến 80.000 rùa con được thả về biển mỗi năm...
Bên cạnh giá trị về mặt thiên nhiên, Côn Đảo còn là địa danh ghi dấu ấn những giá trị lịch sử-văn hóa cổ xưa. Nằm ở vị trí thuận lợi trên đường hàng hải nối liền Âu-Á, nên Côn Đảo được người phương Tây biết đến rất sớm. Năm 1294, đoàn thuyền của nhà thám hiểm người Italy tên là Marco Polo, gồm 14 chiếc trên đường từ Trung Quốc về nước đã bị một cơn bão nhấn chìm 8 chiếc, số còn lại dạt vào trú tại Côn Đảo.
Từ thế kỷ XV-XVI, có nhiều đoàn du hành của châu Âu ghé Côn Đảo. Cuối thế kỷ XVII và đầu thế kỷ XVIII, nhiều lần các công ty Đông - Ấn của phương Tây đã cho người tới Côn Đảo điều tra, dò xét tình hình mọi mặt với dụng tâm chiếm Côn Đảo. Năm 1702, năm thứ 12 đời chúa Nguyễn Phúc Chu, Công ty Đông - Ấn đã đổ quân lên Côn Đảo xây dựng pháo đài và cột cờ... Từ đó cho đến ngày 1-2-1862 (khi Bonard ký quyết định thành lập nhà tù Côn Đảo, biến Côn Lôn thành nơi giam giữ những người yêu nước Việt Nam), rất nhiều sự kiện lịch sử đã xảy ra trên vùng biển đảo này.
Phải chuẩn bị như thế nào?
![]() |
Di tích nhà tù Côn Đảo |
Tuy nhiên, theo ông Tài, muốn thuyết phục được UNESCO, chúng ta cần phải lập một bộ hồ sơ hoàn chỉnh, trong đó bên cạnh giá trị nổi trội về thiên nhiên, phải làm nổi những giá trị văn hóa-lịch sử của vùng biển đảo này. Sẽ rất mất công và cần nhiều thời gian, bởi hiện tại các giá trị về văn hóa mà phía tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu trình ra còn mỏng; hoặc thuyết minh đụng chạm đến những điều nhạy cảm...
Nếu nói đây là địa danh nằm trên con đường tơ lụa; nơi mà các thương gia nước ngoài dừng chân, lánh nạn... thì phải có những tư liệu cụ thể, xác đáng. Hoặc, khi nói về di tích nhà tù Côn Đảo, không nên nhấn mạnh tính chất "địa ngục trần gian" của hệ thống chuồng cọp với những phương thức tra tấn con người tàn bạo của đế quốc, thực dân... mà nên nhấn mạnh đến truyền thống văn hóa của người Việt Nam thể hiện ở tinh thần yêu nước, ý chí quật cường bất khuất của cả một dân tộc đấu tranh cho độc lập, tự do - một lý tưởng và mục tiêu của cả nhân loại và thời đại. Ngoài ra, qua khai quật khảo cổ học cho thấy những dấu vết sinh sống của người tiền sử tại đây...
Theo ông Tài, nếu được Chính phủ cho phép, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam sẽ tổ chức tiếp những đợt khảo sát tại Côn Đảo Việc lập hồ sơ phải được triển khai tích cực trong vòng một năm để nộp cho UNESCO trước kỳ họp hội đồng là 18 tháng. Có nghĩa, nếu công việc suôn sẻ, Côn Đảo sẽ trở thành di sản hỗn hợp của thế giới vào năm 2010.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận