04/01/2004 21:27 GMT+7

"Cơm bụi", "Quán cóc", "Con chip"... được đưa vào từ điển

Theo TT&VH
Theo TT&VH

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, cùng với đà phát triển của kinh tế, khoa học kỹ thuật và giao lưu quốc tế, đã có một số lượng từ mới đáng kể được hình thành, làm giàu thêm vốn ngôn ngữ Việt. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ Chu Bích Thu, Trưởng phòng Từ điển Viện Ngôn ngữ học - một trong những người tham gia chính vào việc biên soạn cuốn từ điển Từ điển từ mới tiếng Việt (TĐTMTV)

7W0PlXQA.jpgPhóng to
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, cùng với đà phát triển của kinh tế, khoa học kỹ thuật và giao lưu quốc tế, đã có một số lượng từ mới đáng kể được hình thành, làm giàu thêm vốn ngôn ngữ Việt. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ Chu Bích Thu, Trưởng phòng Từ điển Viện Ngôn ngữ học - một trong những người tham gia chính vào việc biên soạn cuốn từ điển Từ điển từ mới tiếng Việt (TĐTMTV)

* Thưa bà, yếu tố nào thúc đẩy nhóm tác giả của Viện Ngôn ngữ học quyết định biên soạn và cho xuất bản cuốn TĐTMTV?

- Lâu nay, khi gặp những người giảng dạy tiếng Việt ở nước ngoài, tôi thấy vốn từ ngữ của họ thiếu hụt một cái gì đó. Nhiều người lớn tuổi cư trú lâu ở nước ngoài nói rằng có nhiều từ trên báo chí hiện nay họ không hiểu được. Ngược lại họ dùng một thứ tiếng Việt nghe "ngang ngang, cổ cổ" thế nào ấy. Khi Tổng thống Mỹ Bill Clinton sang thăm VN, người dịch cho ông cũng dùng một thứ tiếng Việt cách đây ít nhất cũng khoảng 50 năm.

Từ điển giải thích tiếng Việt gần đây xuất bản cũng nhiều, nhưng lượng từ ngữ của họ hầu như không thêm được bao nhiêu so với các từ điển đã có trước thời "mở cửa".

Mặt khác, báo chí trong nước có thời kêu ca nhiều việc sử dụng những từ ngữ mới nghe không "thuận tai" lắm. Không thuận tai nhưng nó vẫn tồn tại. Trước những thực tế này, chúng tôi, vốn là những người quan tâm nhiều đến vốn từ vựng và việc chuẩn hóa từ vựng đã muốn góp một tiếng nói vào dư luận vốn đang sôi động đó.

* Việc chuẩn bị của các tác giả diễn ra như thế nào?

- Chúng tôi đã thu thập được hơn 43.000 bản ghi (cho đến khi bắt tay biên soạn cuốn TĐTMTV) từ hàng nghìn đầu báo và sách được xuất bản trong giai đoạn này. Gần như trong mỗi mục từ, chúng tôi đều đưa được những ví dụ "sống", tức những ví dụ được trích dẫn nguyên văn từ báo hoặc sách (hiện nay có thể nói rất ít cuốn từ điển làm được điều này).

* Nhưng, việc thu thập là một chuyện. Cái mà độc giả có thể thắc mắc là sao cũng là từ vừa xuất hiện, từ thì được công nhận là mới, có từ lại không?

- Số lượng các đơn vị được coi là mới mà chúng tôi thu thập được lên đến hơn 19.000, nhưng chỉ có 2.500 đơn vị được chọn, tỷ lệ là hơn 13%. Nhiều người ngạc nhiên nói với tôi: Sao bà "phí" thế? Theo tôi, chuyện này không "tham" được. Chúng tôi chỉ chọn những đơn vị mới theo bốn tiêu chí:

1. Các từ ngữ mới biểu thị những khái niệm, sự vật mới xuất hiện, mới được sử dụng rộng rãi ở VN. Thí dụ: con chíp, siêu thị, tiếp thị, bao tiêu, nội tệ, không tặc, tin tặc, hooligan, ISO...

2. Các từ ngữ diễn đạt những hành động, tư tưởng tình cảm của (con người một cách tinh tế, chính xác hơn. Thí dụ: hòa nhập, hội nhập, lắc thắc, lăn tăn...

3. Các từ ngữ đồng nghĩa với các từ ngữ đã có, nhưng có khác về sắc thái nghĩa hoặc cách dùng, chúng bao gồm:

Các từ ngữ phương ngữ địa lý, phương ngữ xã hội mới được mở rộng phạm vi sử dụng ra ngôn ngữ toàn dân. Thí dụ: gạch bông (gạch hoa), quậy (phá, phá quấy), chích (tiêm)...

Các từ ngữ cổ, cũ sau một thời gian dài không hoặc ít được dùng, nay được dùng phổ biến trở lại. Thí dụ: cử nhân, tú tài, công chứng...

Các từ ngữ được dùng để chỉ những khái niệm, sự vật cũ nhưng có sắc thái đánh giá khác trước đây. Thí dụ: làm tình, khiếm thị, khiếm thính, thiểu năng trí tuệ, thu gom...

4. Các từ ngữ có nghĩa mới được phát triển nhờ các phương thức phát triển nghĩa từ như ẩn dụ, hoán dụ... Thí dụ: chợ cóc, quán cóc, hàng chợ, xe bãi, cơm bụi...

* Ngoài ra còn những tiêu chí nào khác?

- Các từ ngữ được lựa chọn phải xuất hiện ít nhất là ba lần ở ba tác giả khác nhau, lại còn phải được đánh giá là có thể "trụ" lại được, tức là có khả năng được xã hội thừa nhận (tất nhiên, đấy chỉ là sự đánh giá chủ quan của chúng tôi). Chính vì được "tuyển" khắt khe như vậy nên số từ ngữ "trúng tuyển" rất ít.

Tuy nhiên, từ khi cuốn TĐTMTV này được biên soạn xong đến lúc ra mắt có nhiều từ ngữ lúc đó chưa được lựa chọn, nay đã có vị trí khá chắc chắn. 43.000 bản ghi chưa phải là nguồn tư liệu lớn cho một cuốn từ điển. Với xu hướng phát triển mạnh như hiện nay, có khi chỉ hơn một năm thôi cũng đã đủ thời gian để một cuốn từ điển kiểu này trở nên lạc hậu.

* Vậy các tác giả vẫn có ý định tiếp tục bổ sung, hoàn thiện chứ?

- Có chứ! Tôi mới nói đến sự lạc hậu, còn những sai sót trong đó thì chắc còn nhiều. Hơn một năm qua, chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến góp ý. Cụ thể là có đôi chỗ "quên" chú nguồn gốc hoặc chú chưa chính xác nguồn gốc của từ vay mượn, bảng từ có "lạc" vào đôi ba từ mà người này người khác cho là không mới, có chỗ định nghĩa chưa thực chính xác... Đó là những góp ý hết sức quý báu, giúp chúng tôi nhìn lại công việc và cả trình độ của mình, để có thể làm tốt hơn trong các công trình sau.

* Xin cảm ơn bà!

Theo TT&VH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên