12/05/2013 03:50 GMT+7

Cô Út

Truyện 1.187 chữ của NGÔ THỊ THU VÂN
Truyện 1.187 chữ của NGÔ THỊ THU VÂN

TT - Tôi đến Viện Y học dân tộc thăm cô Út đang nằm điều trị tai biến. Mùi thảo dược đặc trưng của các vị thuốc đông y ngào ngạt cả không gian làm tôi thấy dễ chịu.

esDSo1lG.jpgPhóng to
Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần

Vừa thấy tôi, cô Út òa khóc nức nở. Tôi an ủi:

- Cô nín đi, đừng xúc động không tốt. Bệnh này bác sĩ không cho khóc đâu.

Mãi một lúc cô mới bình tâm lại:

- Vậy hả?

Rồi cô cười. Nụ cười méo mó. Cô ngồi tựa lưng vào vách, tiều tụy, hốc hác nhưng vẫn phảng phất vẻ đẹp của một thời xuân sắc. Chỉ vào con bé nuôi bệnh giường bên, giọng cô đã có phần ngọng nghịu:

- Sáng giờ trông bây quá chừng. Nãy cô mượn con nhỏ này đi đón.

Tôi cười:

- Lạ hoắc, sao em này biết con mà đón.

Cô bé đỡ lời:

- Thì nãy em cũng nói vậy nhưng cô biểu “mày cứ thấy đứa nào đi lang bang mày hỏi có phải đi kiếm cô Út hông, nếu nó trả lời phải thì là cháu tao”.

Cô quay mặt bẽn lẽn cười, vẫn nụ cười méo mó. Sống mũi tôi cay sè. Tôi nắm bàn tay cô lạnh giá. Bàn tay đã không còn cử động được cùng với một bên chân không thể cùng cô đi hết cuộc đời - một cuộc đời truân chuyên vốn sinh ra để trả món nợ mà ông nội tôi đã vay thuở sinh tiền. “Con gái đức cha”. Không biết đúng sai nhưng cả dòng họ nhà tôi và cả những người quen biết đều đinh ninh như vậy.

Cô Út là người con cuối cùng sau mười lần sinh nở của bà nội tôi. Đương nhiên cô lãnh phần thực hiện lời nguyền của bà: “Khi nào các con thành gia thất xong, bà sẽ không sống với ông nữa”. Đó cũng là lối thoát duy nhất mà bà nghĩ ra được. Bà nội một chữ bẻ đôi cũng không biết nhưng thuộc lòng Truyện Kiều và kể vanh vách tính cách từng nhân vật trong Tam quốc chí. Bà nói bà là người nhớ dai nên thù dai. Bà nhất định sẽ không tha thứ cho ông nội, kể cả lúc bà xuôi tay, nhắm mắt.

Khi ông nội tôi đưa về nhà người đàn bà thứ ba thì bà nội tôi và bà nội nhỏ đang hai đầu chiến tuyến, lập tức về hẳn một phe. Chừng lần lượt có thêm hai bà nữa, thì bà nội lặng lẽ cố thủ vào cái giang sơn sớm kinh chiều kệ của mình, mặc cho bốn người đàn bà kia xâu xé lẫn nhau. Trong các cô tôi, cô Út đẹp hơn thảy lại được ăn học đến nơi đến chốn. Nhưng thay vì làm bác sĩ, kỹ sư như niềm ao ước của gia đình dòng tộc thì cô lại mê đắm văn chương. Trong khi bà nội ngày đêm chờ cô Út lấy chồng thì cô Út lại không hề biết đến lời nguyền ấy. Ngày ngày cô sống trong mộng tưởng, cô vật lộn với mớ chữ nghĩa hỗn độn trên trang giấy. Ba mươi tuổi cô yêu lần đầu - người nhạc sĩ hơn cô hai mươi tuổi. Ông nội tôi phản đối, ông nhốt cô vô phòng, tra cái ổ khóa bằng cùm tay vào cửa rồi xách cặp rong ruổi khắp các sòng hốt me, tài xỉu. Một đêm mưa gió bão bùng, bà nội nhờ người bẻ khóa, gom góp tư trang, đội mưa tiễn cô ra bến đò - nơi có người nhạc sĩ chờ sẵn. Con đò rút sào trôi đi trong màn mưa. Bà nội đứng chết trân trên bến, nước mưa hòa nước mắt nhìn theo bóng con đò khuất ngã ba sông. Nghĩ đến lời nguyền, bà đưa tay vuốt mặt.

Ông nội trở về sau khi đã nướng sạch những đồng tiền cuối cùng vào sòng bạc. Bà nội quỳ dưới chân ông, ông giật tóc lật ngửa mặt bà lên: “Con Út đâu?”. “Dạ tui...”. Ông thét lên, ngã vật xuống, bán thân bất toại. Những người đàn bà kia lần lượt ra đi theo đúng thứ tự lúc ông nội lần lượt dắt họ về. Bà nội lủi thủi chăm ông. Bà quên luôn lời nguyền.

Năm sau, cũng một đêm mưa gió bão bùng. Cô Út bụng chửa vượt mặt trở về. Thì ra người đàn ông ấy đã có vợ, mà không phải một. Mỗi nhạc phẩm là một câu chuyện tình với một người đàn bà - có thật. Bà nội khóc ngất: “Phải chi má đừng mở cửa cho con trốn theo nó...”. Ân hận, bà nội giành nuôi thằng Nhàn để cô Út thảnh thơi tìm cơ hội mới. Càng thêm tuổi cô càng đẹp, càng chín như kiểu chín dần từ trong ra ngoài của trái chín cây. Nhưng hình như với cô, nhan sắc không phải là thứ vũ khí lợi hại, hay do cô thật thà quá, không biết dùng nó như một thứ vũ khí lợi hại. Bỏ quê lên Sài Gòn, cô lặn lội sấp ngửa hết cuộc tình này đến cuộc tình khác. Với ai cô cũng yêu hết mình, cũng tận tụy hi sinh, dâng hiến để rồi lại trắng tay do hầu hết họ đã vợ đùm con đề. Duy có một lần, mặc gia đình nhà dượng phản đối quyết liệt, họ vẫn có với nhau một đứa con gái bụ bẫm. Một buổi sáng, cô uể oải thức giấc sau đêm dài mê man. Cô lăn lông lốc dưới sàn nhà, la khóc thảm thiết. Căn nhà trống hơ. Họ đã vượt biên, mang theo đứa con gái nhỏ của cô tôi.

Rút kinh nghiệm, cô cẩn thận chọn lấy một người đàn ông độc thân. Dượng bị chột mắt, chân đi khập khiễng. Chiều chiều cô phụ dượng đẩy xe bánh bao chiên ra đầu hẻm, kiếm tiền chợ không hết. Biết được, con Nhã - đứa con gái lang bạt của cô Út - về tìm cớ vơ vét của mẹ. Nhàn từ quê lên mắng em một trận. Cãi vã. Giằng co. Cuối cùng không kiềm chế được, nó chộp con dao đâm một nhát thấu tim em nó. Ngày tòa xử Nhàn tù chung thân, cô Út quỵ ngay tại chỗ. Vậy là thành ra thế này.

Dượng lặng lẽ đẩy xe bánh bao chiên một đi không trở lại. Ai cũng thương cô nhưng không ai trách dượng. Chỉ có điều, mỗi khi thấy cô đưa ánh mắt buồn rười rượi nhìn qua ô cửa, dõi theo dòng người thăm nuôi tất bật ra vào, tôi thương cô lắm, tôi ước một lần dượng ghé vô thăm.

Trước khi về, tôi trân trọng đặt vào tay cô một phong bì. Cô rớm nước mắt nhìn tôi mếu máo: “Bây nghèo, cô Út không lấy tiền của bây đâu”.

Sài Gòn tháng ba, đêm không có gió, không gian sánh lại đặc lừ.

Truyện 1.187 chữ của NGÔ THỊ THU VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên