Mỗi lần nhiễm, cơ thể chỉ tạo kháng thể với 1 loại virút
“Điều đáng lưu ý là, một người có thể nhiễm bệnh tay chân miệng nhiều lần do mỗi lần nhiễm bệnh, cơ thể chỉ tạo ra kháng thể với một loại virút nhất định. Do đó, dù đã từng nhiễm bệnh nhưng người bệnh vẫn có thể mắc bệnh trở lại nếu bị nhiễm virút khác thuộc nhóm Enterovirus”, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo.
Hiện nay, bệnh tay chân miệng chủ yếu gây ra bởi vi rút Coxsackievirus A16 với ít biến chứng và thường tự khỏi. Tuy nhiên, bệnh này cũng có thể bắt nguồn từ các virút nhóm Enterovirus, trong đó virút Enterovirus 71 (EV71) có nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, có thể dẫn đến tử vong.
Bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc gián tiếp qua đồ dùng, vật dụng bị nhiễm vi rút từ dịch tiết mũi họng, các bọng nước vỡ của người bệnh.
Người bệnh thường có biểu hiện sốt, đau họng, loét miệng, lợi, lưỡi, phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, gối, mông.
Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), căn bệnh này hiện phổ biến ở rất nhiều quốc gia châu Á và cứ vài năm lại xảy ra một đợt ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới.
Ai cũng có nguy cơ mắc bệnh
Theo đại diện Cục Y tế Dự phòng, bệnh tay chân miệng chủ yếu xảy ra ở trẻ em dưới 10 tuổi, thường là ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Trẻ càng nhỏ thì các triệu chứng càng nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, tất cả những ai chưa từng mắc bệnh đều có nguy cơ lây nhiễm khi tiếp xúc với các dụng cụ hoặc bề mặt bị nhiễm virút do người bệnh chạm vào, nhưng không phải ai bị nhiễm virút cũng có biểu hiện của bệnh. Do đó, các bác sĩ vẫn khuyến cáo về nguy cơ lây bệnh từ những người lành mang trùng.
Sở dĩ, trẻ em có nguy cơ lây nhiễm virút và mắc bệnh cao hơn vì các bé có khả năng đề kháng và miễn dịch yếu hơn người lớn. Hầu hết người lớn được miễn dịch nhưng thực tế vẫn có nhiều ca bệnh là thanh thiếu niên và người trưởng thành.
Theo các chuyên gia y tế, trong thời điểm xuất hiện nhiều ca bệnh và vào mùa tay chân miệng, phụ nữ mang thai cần chú ý hơn trong việc phòng tránh bệnh, không nên tiếp xúc gần gũi với người nhiễm bệnh bởi có khả năng lây nhiễm và truyền virút sang cho con ngay trước khi sinh hoặc trong khi sinh.
Quan trọng là giữ vệ sinh, tránh tiếp xúc với người bệnh
Đến nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh tay chân miệng. Khi bị bệnh người bệnh nên uống nhiều nước và có thể dùng thuốc để điều trị triệu chứng như hạ sốt hay giảm đau do các vết loét. Có thể giảm nguy cơ lây nhiễm bằng các biện pháp vệ sinh thường xuyên và can thiệp y tế kịp thời khi người bệnh có các triệu chứng nghiêm trọng.
Để tích cực phòng chống, giảm thiểu ảnh hưởng của bệnh tay chân miệng đến sức khỏe, đặc biệt là trẻ em, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, khuyến cáo người dân chú trọng rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em). Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng.
Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Đặc biệt, không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
Các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ tập trung và hộ gia đình có trẻ dưới 6 tuổi cần chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ để kịp thời phát hiện và đưa ngay đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận