28/12/2010 02:37 GMT+7

Có thể phòng tránh sốt siêu vi ở trẻ?

TS.BS LÊ MINH KHÔI (chuyên khoa nhi BV Đại học Y dược TP.HCM)
TS.BS LÊ MINH KHÔI (chuyên khoa nhi BV Đại học Y dược TP.HCM)

TT - Con trai tôi 3 tuổi, đã hai lần bị sốt siêu vi (sốt phát ban). Hiện là mùa sốt siêu vi, tôi lo sợ con lại mắc bệnh tiếp. Xin hỏi bác sĩ có cách nào giúp con tôi miễn nhiễm bệnh trên, có văcxin ngừa bệnh không?

T.T.Liêm

- Sốt siêu vi là cụm từ rất chung dùng chỉ những trường hợp sốt do nhiễm các loại virut khác nhau. Một số sốt siêu vi có thể chẩn đoán rõ ràng nhờ đặc điểm dịch tễ và các biểu hiện của bệnh. Còn lại rất nhiều trường hợp khác không thể chẩn đoán nguyên nhân, do đó thường gọi là sốt siêu vi. Hầu hết các trường hợp sốt siêu vi có biểu hiện đau đầu, đau nhức mình mẩy và nổi ban. Chính vì vậy chỉ cần điều trị triệu chứng như hạ sốt, chống mất nước, nghỉ ngơi, cách ly tránh lây nhiễm. Phần lớn sốt siêu vi không nguy hiểm và có thể tự hết, tuy nhiên cũng có một số bệnh nhanh chóng đưa đến tử vong.

Giai đoạn ủ bệnh trẻ có thể có những biểu hiện không đặc thù như mệt mỏi, đau nhức mình mẩy và sau đó sốt. Biểu hiện sốt trong hay sốt siêu vi có thể nhẹ hoặc rất cao, liên tục hay ngắt quãng. Ngoài ra, trẻ có thể bị viêm đỏ họng hầu, chảy mũi nước, nghẹt mũi, nhức đầu, đỏ mắt, ho, đau khớp, đau cơ và nổi ban da. Các sốt siêu vi nặng có thể gây xuất huyết, viêm não, viêm cơ tim, thậm chí gây tử vong nhanh chóng.

Phòng ngừa sốt siêu vi rất khó. Các biện pháp thường được khuyến cáo là trẻ nhỏ được nuôi bằng sữa mẹ, đảm bảo dinh dưỡng tốt, nơi ở sạch sẽ, thoáng đãng... Một khi trong lớp học hoặc khu dân cư có trẻ bị bệnh thì cần nhanh chóng cách ly, hạn chế tiếp xúc. Tuy nhiên, rất nhiều bệnh sốt siêu vi thời kỳ lây lan mạnh nhất là trong giai đoạn trẻ chưa có biểu hiện bệnh rõ ràng, do vậy thường việc cách ly là cần thiết nhưng có thể muộn. Chỉ một số bệnh sốt siêu vi có văcxin phòng ngừa như sởi, quai bị, viêm não Nhật Bản...

Có điều may mắn như đã nói: hầu hết các trường hợp sốt siêu vi là lành tính. Ông bà ta thường nói: học ăn, học nói, học gói, học mở. Trong nhi khoa còn một khái niệm học nữa: học tập miễn dịch. Mỗi một đứa trẻ lớn lên đều trải qua giai đoạn nhiễm bệnh. Thông qua quá trình nhiễm bệnh này, cơ thể có hệ thống miễn dịch được “huấn luyện” để đối phó với các lần xâm nhập của tác nhân gây bệnh sau này. Song khi bé bệnh, bạn không nên tự dùng thuốc mà tốt nhất đưa bé đến bác sĩ chuyên khoa nhi để được khám, theo dõi và tư vấn kịp thời.

TS.BS LÊ MINH KHÔI (chuyên khoa nhi BV Đại học Y dược TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên