25/01/2013 03:11 GMT+7

"Cô Thắm về làng tôi viết tặng người chị"

LÊ ÐỨC QUANG(thực hiện)
LÊ ÐỨC QUANG(thực hiện)

AT - Thưa nhạc sĩ, ông bắt đầu sáng tác năm nào, duyên nợ nào đưa ông đến âm nhạc? Vì sao lại lấy bút danh Giao Tiên?

t2jE3W0o.jpgPhóng toNhạc sĩ Giao Tiên và người vợ hiền

- Nhạc sĩ Giao Tiên: Tôi là người có năng khiếu âm nhạc bẩm sinh, khoảng 12 tuổi tôi đã biết đàn mandoline, không ai dạy tôi cả. Tôi nhìn người lớn đàn, rồi tập tành đàn theo. Ðến 15 tuổi, tôi đàn rành rọt guitar, thổi harmonica. Năm 1965, tôi bị bắt đi quân dịch chế độ cũ. Vào làm việc tại một đơn vị gần đài phát thanh, tôi thường lui tới đó gặp gỡ các nhạc sĩ, ca sĩ tại phòng chương trình ca nhạc... Ðến năm 1970, tôi hoàn thành tác phẩm đầu tay, tựa Phận gái thuyền quyên, bài hát thu đĩa, in ấn phát hành, được mọi người biết đến tên ngay.

Lúc còn nhỏ tôi thường nghe mẹ hát dân ca, đọc truyện thơ cũ khi ru tôi ngủ. Bà lại thường dắt tôi đi xem hát bội. Sau khi vào trung học, tôi rất mê các tác phẩm Gia Huấn Ca, Truyện Kiều, Nhị Ðộ Mai, Chinh Phụ Ngâm... Nhưng đặc biệt tác phẩm truyện thơ Hoa Tiên Truyện làm tôi chú ý nhất - bởi nhân vật chính có tên Dương Giao Tiên. Dương là họ của tôi, nên tôi yêu nhân vật ấy lắm. Khi chọn bút danh cho tác phẩm của mình, tôi chọn ngay tên Giao Tiên.

Nhạc sĩ Giao Tiên sinh năm 1941, tên thật là Dương Thành, hiện nay ở tổ dân phố Sơn Long, phường Ba Ngòi, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Tuy mang tiếng ở thành phố, nhưng ngôi nhà nhỏ của ông nằm vắt vẻo trên sườn đồi. Mặc dù cuộc sống khó khăn, vợ chồng ông đang vất vả nuôi cô con gái bị động kinh, nằm liệt một chỗ, song ông cũng vui vẻ dành thời gian tiếp chúng tôi.

* Trong nhiều bài nhạc được công chúng yêu thích như: Cô Thắm về làng, Vó ngựa trên đồi cỏ non, Tình đẹp mùa chôm chôm, Nhớ người yêu..., ông thích bài nào? Hoàn cảnh, cảm xúc khi sáng tác bài nhạc ấy?

- Với tôi, bài Cô Thắm về làng là một kỷ niệm khó quên. Lúc đặt bút sáng tác ca khúc này, tôi đã nghĩ rất nhiều về người chị ruột thứ chín của tôi. Một phụ nữ tài sắc vẹn toàn, được tất cả mọi người trong làng xóm, bà con thân thuộc thương mến, khâm phục. Chị đảm đang, nhân hậu, lễ nghĩa. Người đã có công nuôi tôi ăn học thay cho cha mẹ nghèo khó. Nghĩ đến ơn sâu nghĩa dày ấy, tôi không sao đền đáp được, nên tôi sáng tác ca khúc Cô Thắm về làng.

* Ông thường sáng tác khi nào? Kinh nghiệm sáng tác của ông?

- Lúc nào tôi cũng có thể cầm bút sáng tác. Ví dụ khi đang đi trên đường, một ý tưởng nào đó, một đề tài nào đó nhập vào đầu, một câu ca nào đó, một khúc nhạc nào đó mấp máy trên môi... tôi về nhà ngồi vào bàn viết ngay. Hoặc trong một giấc chiêm bao nảy sinh lời thơ ý nhạc, tôi bừng thức dậy viết ngay. Nhưng suy cho cùng, phải là lúc tâm hồn tràn đầy cảm xúc. Ngày còn trẻ tôi viết rất thoải mái và hồn nhiên. Bây giờ tuổi tác cao nên tôi viết trong suy tư nhiều hơn và chăm chút nhiều hơn.

* Người hâm mộ gọi ông là "Nhạc sĩ của đồng quê", ông thấy có đúng sở trường của mình? Ông nhận xét gì về dòng nhạc trẻ hôm nay?

- Ðúng là người hâm mộ đặt cho tôi danh hiệu "Nhạc sĩ của đồng quê". Và thực tế như thế, bởi vì tôi có vài trăm bài hát viết về chủ đề này. Rất nhiều bài thể hiện rõ nét cảnh "ao làng, gốc rạ..." với những chuyện tình có thật, lý thú, dí dỏm, vui tươi, đậm đà, thi vị. Và cũng có rất nhiều ca sĩ trong nước, hải ngoại thể hiện ca khúc của tôi thành công.

Tôi không hề có thành kiến với nhạc trẻ bây giờ như một số người lớn khác. Bởi vì tôi nghĩ "hậu sinh khả úy". Họ có cái tài của họ, họ có cái thời của họ. Họ viết theo phong cách riêng của họ. Họ có người ái mộ của họ. Hay hoặc không hay chúng ta không thể tùy tiện phán xét. Tất cả đều đi vào lịch sử âm nhạc. "Hữu xạ tự nhiên hương". Nó hay, nó sẽ tồn tại. Nó dở, nó sẽ bị đào thải. Thế thôi.

* Ðến nay tuổi đã qua "thất thập cổ lai hi", ông vẫn chưa được kết nạp vào Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Ðiều này có làm ông buồn? Ông cho biết cái khó, cái khổ của một nhạc sĩ tỉnh lẻ?

- Thật trớ trêu, lúc còn trẻ người ta không chịu kết nạp cho tôi, đến khi già thì người ta bảo đã quá tuổi! Với tôi, quan trọng là tác phẩm của mình được công chúng yêu quý và được ca sĩ hát ở nhiều nơi. Nếu là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam mà không có tác phẩm được công chúng biết đến thì thật là tủi hổ.

Người ở thành phố, đương nhiên bao giờ cũng thoải mái hơn người ở quê, nghề nào cũng thế, nghiệp nào cũng thế, đời nào cũng thế. Nó đã là quy luật!

* ông đã từng ở Sông Bé, rồi Lâm Ðồng... và nhiều nơi trong nước, nhưng vẫn đều không gặp may. Vậy ông có tin vào số phận? Nếu có kiếp sau, ông có theo con đường sáng tác nhạc?

- Tôi không rành vào lý số, nên không biết trả lời ra sao. Nhưng tôi tin có luật bù trừ. Người có được cái này thì không có cái kia. Tôi khốn khó đủ điều, lên rừng xuống bể, nghèo đói liên miên... nhưng ông trời bù lại tôi có năng khiếu âm nhạc, tình yêu âm nhạc dữ dội, lấy âm nhạc làm niềm vui, không buồn phiền gì cả. Giả sử, nếu kiếp sau tôi được tái thế, dù khốn khó thế nào, tôi vẫn muốn mình là một nhạc sĩ tài hoa.

* Xin cảm ơn ông và kính chúc ông sức khỏe.

HCYdEFnp.jpgPhóng to

Áo Trắng số 2 ra ngày 15/1/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

LÊ ÐỨC QUANG(thực hiện)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên