18/06/2021 08:34 GMT+7

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoạt động: Người dân được lợi gì?

THÂN HOÀNG
THÂN HOÀNG

TTO - Thẻ căn cước công dân gắn chip có bị theo dõi, giám sát? Dùng thẻ mới và bỏ sổ hộ khẩu giấy có ảnh hưởng gì đến các thủ tục liên quan? Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính như thế nào?

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoạt động:  Người dân được lợi gì? - Ảnh 1.

Người dân làm thủ tục cấp CCCD gắn chip điện tử tại Công an quận 4, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Nhiều thắc mắc của người dân đã được đại diện Bộ Công an giải đáp trong buổi giao lưu trực tuyến "Những tiện ích của căn cước công dân gắn chip và hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư" do báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 17-6.

Người dân có thể không cần hộ khẩu giấy từ 1-7

Lãnh đạo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) Bộ Công an cho biết từ ngày 1-7, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ được kết nối, chia sẻ với dữ liệu chuyên ngành của các bộ, ngành, lĩnh vực. 

Để chuẩn bị cho việc này, Bộ Công an đã đi đầu với việc triển khai cùng lúc 2 dự án về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân (CCCD) gắn chip, nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư.

Đại tá Ngô Như Cường, cục phó Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, cho biết theo quy định của Luật cư trú, từ ngày 1-7 cơ quan công an sẽ không cấp sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi công dân đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú. Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú cho đến hết ngày 31-12-2022. 

Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký thường trú, điều chỉnh thông tin trong cơ sở dữ liệu về cư trú, tách hộ... dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong cơ sở dữ liệu về cư trú.

"Khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đi vào hoạt động sẽ bảo đảm chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân, giảm những chi phí mà hiện nay người dân, doanh nghiệp đang phải chi trả trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính (chi phí do phải đi lại, chứng thực các loại giấy tờ...). 

Bên cạnh đó, việc quản lý cư dân thông qua mã số định danh cá nhân sẽ góp phần kết nối, chia sẻ thông tin về dân cư giữa các ngành, trong đó mã số định danh cá nhân được coi là chìa khóa để các cơ quan nhà nước kết nối, cập nhật tra cứu thông tin về công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ công tác quản lý ngành, lĩnh vực được giao quản lý", đại tá Cường phân tích.

Trung tá Vũ Hoàng Đạt, phó giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, cho biết thêm công dân có thể sử dụng số định danh cá nhân để khai thác thông tin của mình trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thay thế cho sổ hộ khẩu, sổ tạm trú... để thực hiện các giao dịch hành chính. 

Bỏ hộ khẩu giấy không có nghĩa là bỏ quản lý cư trú, mà chỉ chuyển từ hình thức thủ công, bằng giấy sang điện tử. Mỗi công dân có một mã số định danh, một tệp hồ sơ riêng, cảnh sát chỉ cần tra họ tên trên máy tính để xem xét, hoàn thiện hồ sơ. Thậm chí người dân có thể ngồi tại nhà khai báo thủ tục cư trú trực tuyến.

Hiện nay, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đã tổ chức kết nối chia sẻ thông tin dân cư với một số bộ, ngành như: Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Cục CSGT để sử dụng dịch vụ xác thực thông tin công dân giải quyết thủ tục cấp thẻ bảo hiểm xã hội, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông. 

Trong thời gian tới, Bộ Công an sẽ tiếp tục phối hợp với bộ, ngành, địa phương kết nối với 27 tỉnh/thành phố dự kiến trước 1-7 để cung cấp 236 dịch vụ công. Các tỉnh thành còn lại sẽ được kết nối trong tháng 7.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoạt động:  Người dân được lợi gì? - Ảnh 2.

Người dân làm thủ tục giấy tờ tại Công an quận 3, TP.HCM - Ảnh: N.PHƯỢNG

Không lo lộ lọt thông tin cá nhân

Nhiều người lo ngại bị lộ lọt thông tin cá nhân trong quá trình khai thác thông tin về công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Một bạn đọc đặt giả thiết dùng sim rác có thể nhắn tin khai thác thông tin của công dân khác hay không?

Lý giải cho thắc mắc trên, đại tá Ngô Như Cường cho biết Bộ Công an khẳng định sẽ không có việc bị lộ lọt thông tin cá nhân trong quá trình khai thác thông tin về công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Thiết kế hệ thống được đảm bảo an toàn mức độ cao nhất, được trang bị bảo mật tiên tiến, nhiều lớp nên đảm bảo thông tin của công dân được bảo mật tuyệt đối.

"Khi công dân dùng sim rác thì không thể nhắn tin khai thác thông tin của công dân khác được, muốn nhắn tin khai thác thông tin thì sim điện thoại phải chính chủ, có tài khoản đăng ký được xác thực. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an xây dựng, quản lý được bảo mật ở mức độ an toàn cao nhất. Hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư được các đơn vị nghiệp vụ và Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và truyền thông kiểm tra thường xuyên, đảm bảo không thể bị xâm nhập bởi các mối nguy hại từ bên ngoài. Do đó, người dân có thể hoàn toàn yên tâm về tính bảo mật dữ liệu thông tin dân cư của mình trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư", cục phó C06 khẳng định.

Thẻ CCCD gắn chip có bị theo dõi, giám sát?

Ngoài những câu hỏi về tiện ích của CCCD gắn chip điện tử, nhiều bạn đọc cũng quan tâm việc sử dụng CCCD này có bị kiểm soát hoạt động cá nhân hay không?

Đại tá Ngô Như Cường cho hay CCCD có gắn chip điện tử có độ bảo mật cao, dung lượng lưu trữ lớn, cho phép tích hợp nhiều ứng dụng đi kèm như: ứng dụng chữ ký số, ứng dụng mật khẩu một lần... có thể được sử dụng và kết nối với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, phục vụ các giao dịch của công dân với các cơ quan, tổ chức mà không cần phải mang theo nhiều loại giấy tờ. 

"Chip điện tử gắn trên thẻ CCCD không có chức năng định vị, theo dõi để xác định vị trí của công dân. Việc tích hợp, sử dụng thông tin trên chip điện tử tuân thủ quy định của pháp luật đảm bảo an ninh, an toàn thông tin. Hiện tại dữ liệu thông tin công dân lưu trữ trong chip đã được mã hóa và chỉ được đọc trên các thiết bị được Bộ Công an cấp phép", đại tá Ngô Như Cường nói.

Để tránh việc đánh cắp, lợi dụng thông tin, đại tá Cường khuyến cáo người dân khi sử dụng dữ liệu của mình cần chủ động hạn chế chia sẻ các thông tin cá nhân (số điện thoại, địa chỉ mail, địa chỉ nhà ở, thông tin gia đình, người thân, số CMND/CCCD...) trên mạng xã hội. Trong các trường hợp cần thiết phải cung cấp thông tin cá nhân, người dân cần phải xem xét tính hợp pháp của cơ quan, tổ chức mà mình cung cấp, đồng thời có yêu cầu đối với cơ quan, tổ chức đó phải đảm bảo bí mật thông tin cá nhân của mình. 

Bộ Công an đang nghiên cứu xây dựng và trình Chính phủ ban hành nghị định quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân để có biện pháp quản lý và xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm.

Trung tá Vũ Hoàng Đạt thông tin thêm mục tiêu của Bộ Công an là hoàn thành cấp 50 triệu thẻ CCCD mới trước ngày 1-7-2021, đến thời điểm này đã thu nhận được hơn 54 triệu hồ sơ CCCD (đạt 107%). Hiện nay, cán bộ chiến sĩ Bộ Công an đang nỗ lực hết mình, phấn đấu hoàn thành việc in hoàn chỉnh và trả thẻ CCCD mới cho công dân trong thời gian sớm nhất.

CCCD có thể thay thế các loại giấy tờ khác

Với việc đưa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào hoạt động, người dân chỉ sử dụng CCCD thay thế cho các loại giấy tờ khác như bảo hiểm y tế, giấy phép lái xe... hay không?

Đại tá Ngô Như Cường cho biết: Khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đi vào hoạt động, cùng với thẻ CCCD có gắn chip điện tử, thời gian tới sẽ nghiên cứu để tích hợp nhiều trường thông tin của công dân như bảo hiểm y tế, bằng lái xe... vào trong chip điện tử trên thẻ CCCD, khi đó các cơ quan quản lý nhà nước sẽ có lộ trình để người dân có thể chỉ cần sử dụng thẻ CCCD thay thế cho các loại giấy tờ khác.

Giúp phục vụ nhân dân tốt hơn

Trung tá Vương Ngọc Bắc - phó trưởng phòng tham mưu, phụ trách Trung tâm thông tin chỉ huy Cục Cảnh sát giao thông - cho biết cục là đơn vị đầu tiên được kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đối với các lĩnh vực nghiệp vụ là xử phạt vi phạm hành chính và đăng ký quản lý phương tiện, tai nạn giao thông. Việc kết nối tạo ra "dữ liệu sống" của người tham gia giao thông và chủ phương tiện giao thông phục vụ công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Lực lượng cảnh sát giao thông tiếp nhận và giải quyết nhiều thủ tục hành chính liên quan đến người dân, do vậy việc kết nối dữ liệu quốc gia về dân cư đem lại hiệu quả rõ rệt, thông tin người dân sẽ đảm bảo chính xác, đặc biệt là dữ liệu nơi ở hiện tại được cập nhật giúp cho công tác xác minh địa chỉ của chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện được chính xác.

Bên cạnh đó, cơ chế chia sẻ dữ liệu là xu hướng chung của thế giới hiện nay, việc kết nối chia sẻ dữ liệu rút ngắn được thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi phục vụ nhân dân tốt hơn.

Bộ Công an giải đáp trực tuyến: Những tiện ích khi bỏ sổ hộ khẩu giấy và dùng căn cước gắn chip Bộ Công an giải đáp trực tuyến: Những tiện ích khi bỏ sổ hộ khẩu giấy và dùng căn cước gắn chip

TTO - Thẻ căn cước công dân gắn chip có bị theo dõi, giám sát? Dùng thẻ mới và bỏ sổ hộ khẩu giấy có ảnh hưởng gì đến các thủ tục liên quan?... Nhiều thắc mắc của người dân đã được đại diện Bộ Công an giải đáp trên tuoitre.vn sáng 17-6.

THÂN HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên