Phóng to |
Ảnh: science.nationalgeographic.com |
Một chứng minh tác hại của việc ăn để giải sầu: Khi từ New Zealand qua Úc làm việc, Amy là một cô gái mảnh khảnh, dáng dong dỏng cao và không ít chàng trai phải tốn biết bao công sức đeo đuổi. Một ngày kia, Amy nhận được tin xấu từ quê nhà là bạn trai cô đã có người tình mới. Thế rồi Amy bỗng nhiên sinh chứng... nghiện ăn.
Cứ mỗi lần đọc lại những bức thư tình cũ hoặc khi thấy bất cứ dấu vết kỷ niệm xưa, Amy lại tìm đến... thức ăn. Món ăn thông thường Amy dùng để giải sầu là thức ăn nhanh (fast food). Từ một cô gái mảnh khảnh, chẳng mấy chốc Amy đạt tới trọng lượng 80kg.
Trường hợp của Amy không phải là cá biệt. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, khoảng 75% trường hợp ăn uống quá độ để... giải sầu. Phần đông “đương sự” là giới trẻ. Đôi khi chúng ta cảm thấy buồn thì kiếm cái gì nhấm nháp gọi là “ăn cho đỡ buồn”. Có tới 1.001 lý do gây ra sự ăn do cảm xúc: bị tình phụ, buồn chán, stress, “đời tôi cô đơn”, mất người thân, dọn nhà, bực bội do công việc...
Điều khó khăn là chúng ta khó phân biệt được khi nào cần ăn thật, khi nào ăn do cảm xúc. Các bạn trẻ thời nay thường rất bận rộn vì công việc, có rất nhiều bạn tranh thủ ăn trong lúc làm việc và viện cớ mình bị mất sức do làm việc quá tải, vì vậy cần phải được tẩm bổ. Thật ra có lẽ bạn bị dính tật ăn do cảm xúc.
Nếu còn đa nghi không biết mình cần ăn để có sức hay ăn để... giải sầu, bạn hãy thử thực hiện như sau: khi bạn cảm thấy muốn ăn, hãy chờ thêm 20 phút và tìm một việc gì đó để làm. Nếu sau khoảng thời gian này bạn không còn thấy đói thì đích thị cơn đói vừa qua chỉ là cơn đói giả. Một số bạn trẻ được sếp giao những công việc đầy trọng trách thì trước tiên là ăn để... suy nghĩ.
Cách tốt nhất để tránh việc ăn do cảm xúc là bạn cần tạo ra một thói quen ăn uống lành mạnh bằng việc lên kế hoạch cho các bữa ăn. Nên ăn đúng bữa để tránh... la cà ở những quầy thức ăn nhanh, vốn luôn sẵn có những loại thức ăn khiến bạn dễ dàng tăng ký.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận