![]() |
Người lớn tuổi thường đưa trẻ em đến chơi ở Công viên Vincenne - Paris |
Paris với đồi Monmartre, giáo đường Sacré Coeur, tháp Eiffel, công viên Luxembour, đại lộ Champs Élysée, Khải Hoàn Môn... tất cả đều được mô tả thật lộng lẫy, lãng mạn và không một tì vết. Thế nhưng khi lần đầu được chiêm ngưỡng dung nhan Paris, tôi biết mình đã quá giàu trí tưởng tượng.
Paris vẫn đẹp với những gì người ta hay nhắc đến, Paris vẫn hoa lệ rực rỡ ánh đèn màu, Paris vẫn sang trọng với những cửa hàng cao cấp, nhưng tôi không thấy được cái hồn của thành phố có số khách du lịch thuộc loại cao nhất thế giới này. Những thành phố ít nổi tiếng hơn của Pháp lại được tôi yêu thích hơn như Avignon, Aix en Provence, Grenoble...
Đặc biệt có nơi hoàn toàn tỉnh lẻ nhưng tôi thấy xúc động khi đứng trước một cửa sổ gỗ màu xanh nhẹ nhàng hay những con đường lát đá thật duyên dáng. Có lẽ tôi đòi hỏi quá cao khi muốn Paris phải thật hoàn hảo nên đã thất vọng khi nhìn thấy những người vô gia cư tái mình trong gió rét, những đoạn xe điện ngầm chen chúc, những con đường đầy rác, sông Seine đục ngầu và cả những “bãi mìn” của lũ chó cưng rải rác khắp nơi.
Hai năm sau, may mắn lại đến với tôi khi được quay lại nước Pháp, lần này do không còn ảo tưởng về những thành phố châu Âu, tôi vui mừng được gặp lại Paris với tháp Eiffel chơi vơi, nhà thờ Đức Bà cổ kính, bảo tàng Louvre đa dạng. Bà Michèle, một người bạn thân thiết dù lớn hơn tôi đến bốn chục tuổi, đã nhiệt tình đón tôi về nhà, đưa tôi đi dạo đây đó, vào những con hẻm nhỏ vô danh, đến những tiệm ăn trong góc khuất.
Lạ lùng thay, tôi bắt đầu thấy yêu Paris khi tiếp cận với cuộc sống thật ở đây. Tôi thích đi xe điện ngầm dù đôi khi phải chen chúc để có cảm giác mình cũng bận rộn chạy đua với cuộc sống mưu sinh, để được mệt mỏi, gà gật ngủ cùng những con người phải vật lộn với bao nhiêu chi phí đắt đỏ, để thấy lòng chùng xuống, buồn ngơ ngẩn nhìn những nghệ sĩ lầm lũi chơi nhạc trong sự hờ hững của mọi người.
Không phải ngẫu nhiên mà dân Paris có câu “Métro, boulot, dodo” (xe điện ngầm, công việc, ngủ) để giễu cuộc sống đơn điệu của mình. Ngồi métro thì anh nhà giàu cũng bằng vai phải lứa với cô nàng thất nghiệp. Chẳng ai lên mặt được với ai. Trong hầm xe ngột ngạt cũng có lắm phận người, nhiều giai cấp, mọi màu da. Trên métro đạo chích dày đặc mà những đôi tình nhân hôn hít nhau nóng bỏng cũng không ít. Kẻ hiền người dữ, kẻ xấu người tốt. Bạn muốn chộn rộn lo lắng cũng được mà bình tĩnh ngoẹo đầu lim dim cũng chẳng sao. Ở cái xứ này, có tiền cũng không ngồi xe hơi sang trọng được, phải chui xuống métro nếu không muốn kẹt xe cả giờ.
Khi đi du học ở Bỉ, tôi đã buồn vơ vẩn mỗi khi nhớ về Paris, lòng thường hay nuối tiếc mình không được học ở đây. Tuy nhiên, tôi tự biết mình không thể chịu đựng nổi cuộc sống ở Paris nếu phải sống dài hạn. Tôi ngại phải di chuyển rất xa trong thế giới dưới hầm của hệ thống xe điện ngầm, tôi không thích cuộc sống đắt đỏ, tôi không ưa cái cảnh chen chúc. Thỉnh thoảng trong những kỳ nghỉ tôi vẫn từ Bỉ đáp xe lửa hay xe đò về thăm lại Paris, xúc động nhìn người bạn già của mình đứng đón trong làn gió rét tê tái rồi cũng chính bà đưa tôi lên xe quay lại Bỉ trong ánh mắt yêu thương và cái vẫy tay không muốn rời. Từ đó, tôi nhận ra Paris còn những người lớn tuổi cô đơn thật đáng yêu, như Michèle mà sau này tôi nhận làm mẹ tinh thần.
Vào cuối năm 2005 tôi có dịp quay lại châu Âu, ghé vào thủ đô nước Pháp thăm lại bà mẹ Paris của mình. Chúng tôi quấn quýt bên nhau, cùng nhau đi dạo khắp nơi để được cảm nhận Paris thật gần. Khi từ trụ sở Tập đoàn Sanofi-Aventis mà tôi đang làm việc trở về, tôi đã ngỡ ngàng nhìn thấy một bà lão gần chín mươi tuổi sống một mình trên một chiếc sà lan có mui.
Bà cụ nói mình là Ma-đàm Petit, chồng chết nhiều năm, không con cái, không người thân, không ai quan tâm chăm sóc. Bà âm thầm chống chọi với sự cô đơn, với cái rét mùa đông, với cái nóng mùa hè, với tiếng động bất an trong đêm khuya, với những cơn bệnh không tên của người biết mình đã gần về với Chúa. Vài ngày một lần bà già phải leo từ sà lan ra đường phố để mua thức ăn.
Có những ngày mực nước xuống thấp hơn con đường, bà loay hoay mãi không leo ra được, đành buồn rầu ngồi chờ không biết chừng nào mới có thể thoát ra. Tôi không hiểu nổi tại một khu phố với nhiều tòa nhà cao tầng của hàng trăm công ty, tại con sông Seine trứ danh vắt ngang Paris, tại một thủ đô của đất nước đề cao những giá trị con người lại có một Ma-đàm Petit tồn tại như thế.
Tôi cố thuyết phục bà già leo lên bờ để đến tạm trú tại một nhà dưỡng lão nào đó song bà cự tuyệt: “Cả đời tôi sống và làm việc trên chiếc sà lan này, tôi đã chuyên chở ngũ cốc cùng ông nhà tôi. Tôi không đi đâu hết. Rồi tôi sẽ chết ở đây, có thể lâu lắm người ta mới tìm ra, nhưng tôi không có sự chọn lựa nào khác”.
Cứ như một cái duyên không dứt, thỉnh thoảng tôi lại quay về Paris trong những dịp công tác. Tôi đi Paris nhiều đến nỗi những người bạn Pháp ở các tỉnh phải đùa rằng “Mày thành Parisienne rồi!” (dân Paris). Tôi thích Paris chẳng phải vì Paris là kinh thành ánh sáng mà để ru lòng mình nơi đây có một cuộc sống vô cùng phong phú, với những kiếp người thật trái ngược nhau, với những cảnh tượng vô cùng đối lập.
Song đó mới thật là một cuộc đời đúng nghĩa, với những ai muốn bon chen sẽ có nhiều cơ hội, những ai thích dừng lại vẫn tồn tại giữa cuộc sống đang trôi. Paris là nơi luôn quyến rũ người ta đến, để rồi đã một lần ghé qua sẽ chẳng thể nào dứt nổi lòng ham muốn được lần sau quay lại. Và tôi biết rằng mình đã trót yêu Paris, như yêu bà mẹ Michèle của mình và những cụ già đơn côi như Ma-đàm Petit.
Áo Trắng số 7 (ra ngày 15-8-2007) hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận