09/07/2006 13:05 GMT+7

Cô Huệ ca trù

THIÊN THẠCH
THIÊN THẠCH

TTCT - Đào đàn đã rất hiếm, đào đàn được hát được có lẽ chưa xảy ra trong lịch sử thành văn của ca trù. Vậy mà chỉ sau khoảng nửa năm theo học các bậc thầy, Phạm Thị Huệ đã có thể biểu diễn đàn hoặc hát ca trù thành thục.

s5cOJvpA.jpgPhóng to
Phạm Thị Huệ và hai người thầy: bà Nguyễn Thị Chúc, ông Nguyễn Phú Đẹ

Do đâu mà cô giáo dạy đàn tỳ bà Nhạc viện Hà Nội lại bỏ ra bốn năm “hi sinh những việc khác” để dành tất cả cho ca trù?

Là dân nhiếp ảnh nhưng thân phụ của Huệ, ông Hoa Hựu, biết chơi accordeon, guitar và học mandolin chỉ để dạy cô con gái lên năm.

Cỡ sáu tuổi, Huệ đã đàn hát cho khách nghỉ tại khách sạn Công đoàn, khu du lịch Bãi Cháy (Quảng Ninh) gần nhà. Bố viết cả bài cho con gái hát. Tám tuổi, Huệ được bố cho thi vào Nhạc viện Hà Nội. Khoa nhạc dân tộc dễ vào nhất, đàn tỳ bà lại càng chẳng có ai thi, vậy là Huệ chọn được nhạc cụ. Giờ đây, đến lượt cô con gái bảy tuổi của Huệ cũng đã hát được vài câu Hồng hồng tuyết tuyết... và đang tập phách.

Đường đến với ca trù

Huệ được bà Nguyễn Thị Chúc (sinh năm 1930) ở Hà Tây truyền dạy sau hai tháng thử thách. “Không phải thử khả năng mà các cụ quan tâm đến đức, xem mình có tâm với nghề đến đâu. Vì mình còn trẻ, dễ bay nhảy, trong khi các cụ cần người để giữ nghề”. Sự thật là có những người hát ca trù kề cận bà Chúc nhiều năm liền nhưng không được bà truyền. Đào nương đã hiếm, đào nương được coi là chân truyền lại càng cực hiếm.

Trong “Đêm ca trù toàn quốc 2006” hạ tuần tháng sáu vừa qua (trong khuôn khổ một hội thảo quốc tế về ca trù) tại Nhà hát lớn Hà Nội, lần đầu tiên có một thiếu phụ ôm đàn đáy trên sân khấu, “như trong tranh tố nữ bước ra” - có người xuýt xoa. Có thể giọng đàn của chị chưa được bay bướm như thầy Nguyễn Phú Đẹ (sinh năm 1923) nhưng tay đàn của Huệ tỏ ra rất có lực.

Trước 1945, đào đàn là rất hiếm và tuyệt nhiên chưa thấy cô nào đã đàn đáy mà lại còn hát được. “Tôi không nghĩ mình là trường hợp đặc biệt. Ngay trong bộ môn (tỳ bà) của tôi, có học sinh tôi thấy cũng có khả năng làm được như tôi - Huệ khẳng định - Chỉ có điều là các em say mê hay không thôi”. Thời gian này chị bắt đầu đã có học sinh tỳ bà học thêm đàn đáy. Từ Phạm Thị Huệ, biết đâu sẽ phát sinh một dòng đào đàn trong ca trù đầu thế kỷ 21!

Có ý đến với ca trù từ 10 năm trước, nhưng mãi đến 2001 Huệ mới gặp được bà Chúc, nhưng bà ở xa trong khi Hà Nội sẵn có bà Kim Đức. Chính bà Chúc đã dắt Huệ đến nhà bà Đức. Rất tiếc lúc đó bà Đức đã có đệ tử chân truyền. Tháng 10-2005, Huệ được rủ xuống Hải Dương để xin thụ giáo ngón đàn đáy của ông Đẹ.

Ông bật băng thu ngón đàn của riêng mình, Huệ đàn theo được ngay, dù lần đầu tiên cầm đàn đáy. Ông Đẹ khuyến khích: “Con mà học thì nhanh lắm. Cố gắng theo!”. Tháng 2-2006, Huệ bắt đầu học hát. Vậy là trong tuần cứ một buổi vào Hoài Đức, Hà Tây (cách Hà Nội 15km) tập hát, tuần sau lại phóng xe máy xuống Tứ Kỳ, Hải Dương (cách thủ đô 150km) học đàn. Huệ đã đi không biết bao nhiêu đường đất để đến với ca trù. May mà chị “đi” cũng nhanh. “Chỉ hết năm nay là Huệ đàn ca trù trọn vẹn” - ông Đẹ gật gù, vẻ mãn nguyện.

Tham... đủ thứ

Zi9SxNMu.jpgPhóng to
Từ 2001-2004, Huệ có vài lần xuất ngoại dạy nhạc truyền thống VN tại Thái Lan và Thụy Điển. Chị giảng hoàn toàn trên thang âm truyền thống (hò xừ xang...) và không ngờ lại được sinh viên tích cực hưởng ứng. Về nước, Huệ nhận chân được giá trị âm nhạc truyền thống, xác định rõ: “Quan trọng nhất là trong tay mình phải nắm chắc ít nhất một bộ môn truyền thống”.

Sau ba năm theo thầy Kim Sinh, Huệ đàn được nhạc cải lương trên tỳ bà và nắm về cơ bản nghệ thuật hát văn, cùng lúc cũng chơi cả đàn nguyệt, hát và bộ gõ. Là người đầu tiên nghĩ đến việc đưa đàn tỳ bà vào dàn nhạc chèo, Huệ từng có thời gian ôm tỳ bà theo dàn nhạc Đoàn chèo trung ương trong các buổi tập.

Chị tham vọng phát triển nhạc chèo thành những tác phẩm hòa tấu độc lập (như kiểu nhạc tài tử cải lương), tiếc rằng không lập được nhóm. Năm 1998, bản hòa tấu Cấy đêm trăng dành cho tranh, tỳ bà, sáo, nhị, bộ gõ... có Huệ tham gia dàn dựng đã giành giải đặc biệt tại Cuộc thi hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc lần 1 (đến nay cũng là lần duy nhất!). Trong chưa đến 30 tác phẩm của VN dành cho đàn tỳ bà, Huệ đóng góp được các bài Ảo vọng, Thục nữ du xuân, Hát về quê mẹ, Kỷ niệm mùa thu... Không chỉ thành thục đàn tỳ bà, Huệ còn biết chơi sáo, đàn tranh, đàn bầu, bộ gõ... “Nhưng rồi đây đàn đáy sẽ thành chính vì mình đầu tư cho nó nhiều hơn” - Huệ nói thế.

Cổ nhạc: SOS!

“Đánh tỳ bà theo kiểu VN, Huệ là hàng đầu - nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền khẳng định - Từ tỳ bà và đàn nguyệt chuyển sang đàn đáy đơn giản hơn nhiều”. Năm cuối trung cấp nhạc viện, khi đang tập bản cải lương Trường tương tư để thi độc tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc, Huệ được giới thiệu với giảng viên Bùi Trọng Hiền của khoa lý luận.

Sau một tuần được thầy Hiền “nhồi” vài ngón đàn của nghệ nhân, bản đàn của Huệ trở nên khác hẳn. Cuộc thi ấy không có giải vàng, Huệ được bạc. Sau đó, anh Hiền thử nghiệm dạy hòa tấu cải lương qua hệ thống lý thuyết do anh đúc kết từ nghệ nhân cho một nhóm nghệ sĩ trẻ trong đó có Huệ. Nhưng chuyện mưu sinh khiến lớp học không tồn tại được lâu... Dù vậy, anh Bùi Trọng Hiền đã chỉ cho Huệ con đường kế tục truyền thống.

Riêng mình, Huệ nhận thấy âm nhạc truyền thống VN đang trong cơn khủng hoảng: “Chúng ta không có viện bảo tồn âm nhạc truyền thống trong khi lại bảo tồn rất tốt nhạc cổ điển châu Âu thế kỷ 16 - 17 tại nhạc viện!”. Và chị thoáng một nụ cười: “Tình hình nhạc cổ cũng giống như môi trường, AIDS hay dịch cúm gia cầm - có lẽ phải được cấp báo thường xuyên trên tivi thì toàn dân mới ý thức được!”.

Hương xưa trở lại

xe7F1mdu.jpgPhóng to
Phạm Thị Huệ trong lễ mở xiêm y
Có một nghi lễ độc đáo được tổ chức vào đêm 28-6 vừa qua tại tư gia của một cặp vợ chồng Pháp - Việt vốn là những người bạn thân thiết của giới ca trù: lễ mở xiêm y cho đào nương Phạm Thị Huệ.

Ngày xưa, lễ mở xiêm y xưa vốn được giáo phường ca trù tổ chức mỗi khi có đào hát đã trải qua thời gian khổ luyện có khi tới cả chục năm trời. Trong lễ đó, người trùm phường ngoài chuyện chính thức giới thiệu tới các giáo phường xung quanh, và rộng ra tới toàn xã hội, về một cô đào mới đã thành nghề, còn là dịp để chứng tỏ sự nghiêm nhặt của quá trình đào tạo khổ công của nghề trước bàn thờ tổ.

Ca nương thuở xưa khi mang phận hát cửa đình tức đã chịu những ràng buộc khắt khe của xã hội, của cộng đồng về tư cách đạo đức, nhân phẩm sao cho xứng với công chúa tổ nghề vốn xuất thân chốn cung vàng điện ngọc. Giáo phường ca trù xưa được ràng buộc bởi những qui ước, luật định có nguồn gốc từ Luật Hồng Đức, và sau này càng nghiêm nhặt hơn, bởi vậy hình ảnh quen thuộc của một gánh hát xưa là chồng đàn vợ hát, anh đàn em hát, quan viên cầm chầu... (lời giới thiệu của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền trong lễ mở xiêm y). Đáng tiếc là ngày nay không còn các giáo phường ca trù, cũng như chẳng thể tổ chức lễ mở xiêm y theo đúng tục xưa.

Đến dự buổi lễ này, GS Trần Văn Khê cho biết: ca trù là bộ môn nghệ thuật có sự tôn trọng phụ nữ xưa một cách đặc biệt không chỉ bởi tổ nghề là phụ nữ, mà còn vì người ca nương và các ông bà trùm được toàn xã hội tôn trọng; hoàn toàn trái ngược với ý miệt thị của câu “xướng ca vô loài” vốn tồn tại trong xã hội phong kiến xưa (trong hồ sơ thẩm định để gửi UNESCO đề nghị công nhận ca trù là di sản phi vật thể của nhân loại cũng nhấn mạnh tới chi tiết đầy nhân văn này).

LONG TUYỀN

Một người trẻ yêu ca trùPhạm Thị Huệ và lễ “Mở xiêm áo” “Đổ hột là một kỹ thuật đặc trưng của ca trù”?GS Trần Văn Khê: Sự trở lại của mối quan tâm với ca trùCa trù Lỗ Khê: Của tin còn một chút nàyPhát hiện mới về lối hát Ca trù cổHội thảo quốc tế về ca trù: Nhiều khó khăn trong việc bảo tồnHoàn tất hồ sơ hát ca trù đệ trình UNESCO"Cơ sở để khôi phục nghệ thuật ca trù cổ rất vững chắc"Hát ca trù: nghệ thuật độc đáo riêng có của Việt Nam

THIÊN THẠCH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên