07/12/2004 00:21 GMT+7

Có giỏi toàn diện được không?

HOÀNG HƯƠNG
HOÀNG HƯƠNG

TT - Từ khi thực hiện đổi mới chương trình THCS, phương pháp đánh giá HS cũng đứng trước yêu cầu phải đổi mới. Nhưng xem ra phương pháp đánh giá vẫn không thay đổi được là bao (ngoại trừ chuyện thay việc cho điểm bằng việc xếp loại: giỏi, khá, đạt, chưa đạt đối với ba môn năng khiếu: nhạc, họa, thể dục).

Sổ tay

Các tiêu chuẩn xếp loại học lực vẫn bị khống chế môn như lâu nay (ví dụ: để đạt loại giỏi HS phải có 2/3 số môn học tính điểm có điểm trung bình học kỳ (hoặc cả năm) đạt từ 8,0 trở lên, các môn còn lại đạt từ 6,5 trở lên, trong đó chỉ có một môn là toán hoặc ngữ văn).

Khống chế điểm từng môn như thế nên nhiều HS phải học ngày học đêm, học vẹt, học tủ và cả đi học thêm những môn mình ít có khả năng "sao cho đạt đủ số phẩy" để trở thành HS tiên tiến, giỏi hay chí ít cũng được lên lớp.

Thêm nữa phương pháp đánh giá mới còn có điểm hạn chế khiến các giáo viên đau đầu, trong khi không ít HS phải ấm ức vì "chín môn văn hóa bằng ba môn năng khiếu". Ví dụ: để đạt danh hiệu tiên tiến, HS phải hội đủ hai tiêu chuẩn: 2/3 số môn học tính điểm trung bình học kỳ (hoặc cả năm) đạt từ 6,5 trở lên, các môn còn lại đạt từ 5,0 trở lên trong đó chỉ có một môn toán hoặc ngữ văn; điều kiện thứ hai: có ít nhất 2/3 môn học xếp loại học kỳ (hoặc cả năm) đạt loại khá, các môn xếp loại còn lại đều xếp loại đạt.

Hai tiêu chuẩn được xếp ngang nhau và có giá trị bằng nhau nên nhiều HS bị 2/3 môn năng khiếu xếp loại đạt (trong khi qui định chỉ được phép một môn loại đạt) đã phải ngậm ngùi nhận loại học lực trung bình cho dù chín môn văn hóa đạt loại khá. Một số hiệu trưởng trường THCS ở TP.HCM cho biết khá nhiều HS phải chịu "vuột" mất danh hiệu HS giỏi hoặc tiên tiến vì ba môn năng khiếu. Thật bất công!

Nếu không có ý phân biệt môn chính, môn phụ thì tại sao không đánh giá học lực HS bằng cách lấy điểm bình quân tất cả các môn: cứ trên 8,0 là giỏi, trên 6,5 là khá, trên 5,0 là trung bình (riêng hai môn khoa học cơ bản là toán và ngữ văn có thể nhân hệ số 2 để khẳng định tầm quan trọng của nó)?

Tại sao cứ phải khống chế điểm trung bình của từng môn? Xin được mượn lời kết luận của một vị hiệu trưởng trường THCS ở Q.Bình Thạnh về vấn đề này: "Cứ dạy tất cả các môn, cứ giáo dục toàn diện nhưng đừng đòi hỏi HS phải giỏi toàn diện. Thế giới có mấy ai giỏi toàn vẹn cả văn lẫn toán. Có mấy nhà bác học nào lại có năng khiếu cả về âm nhạc, mỹ thuật?".

HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên