26/05/2007 18:30 GMT+7

Cô gia sư không hưởng lương

LÊ CHÂU - LÊ TÁM
LÊ CHÂU - LÊ TÁM

TTCT - Những cái đầu khét nắng, những bàn tay chai sạn đang cố tì thật chặt lên tờ giấy trắng để nắn nót từng nét chữ; sau hai năm theo học ở lớp học tình thương này, giờ đây đám thằng Tý, thằng Tèo, bé Nhi... - những trẻ em nghèo quanh khu phố 1 (phường Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một, Bình Dương) - không chỉ biết đọc, biết viết mà còn được dạy dỗ những điều hay lẽ phải, những điều mà bố mẹ chúng không có thời gian để dạy khi phải “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” để mưu sinh.

lrDJEjlh.jpgPhóng to
Cô giáo tự nguyện và những đứa học trò...
TTCT - Những cái đầu khét nắng, những bàn tay chai sạn đang cố tì thật chặt lên tờ giấy trắng để nắn nót từng nét chữ; sau hai năm theo học ở lớp học tình thương này, giờ đây đám thằng Tý, thằng Tèo, bé Nhi... - những trẻ em nghèo quanh khu phố 1 (phường Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một, Bình Dương) - không chỉ biết đọc, biết viết mà còn được dạy dỗ những điều hay lẽ phải, những điều mà bố mẹ chúng không có thời gian để dạy khi phải “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” để mưu sinh.

Tuy chúng chưa một lần đến trường, được nghe tiếng trống, hát quốc ca, nhưng nhờ tình thương của một người phụ nữ, chúng đã biết thế nào là ước mơ, hoài bão.

Lớp học của tình thương

Tôi tìm đến “lớp học tình thương” của chị Phạm Thị Thu Hồng (35 tuổi, ở phường Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một) vào lúc 7g sáng, khi nhiều trẻ em nghèo quanh khu phố đã tập trung về đông đủ, lớn có, nhỏ có. Khi biết rằng nhà cô giáo của mình có khách, chúng lễ phép khoanh tay, cúi đầu chào như đang ở một trường chính qui vậy. Chỉ sau một vài lời nhắc nhở nhẹ nhàng, chị Hồng đã ổn định lớp, phân chia chúng ra thành nhiều tốp như mọi ngày. 16 em đang theo học được chia thành bốn lớp: một lớp mẫu giáo, một lớp 1 học kỳ 1, một lớp 1 học kỳ 2 và một lớp 2.

Sau khi kiểm tra bài tập về nhà, chị Hồng ra bài tập mới, lớp thì đọc, lớp viết, rồi chị bắt tay tập viết cho từng em nhỏ mới vào. Công việc tưởng chừng đơn giản, nhưng nếu không khéo léo đảm đương thì cũng thật khó mà quán xuyến được. Chị nói: “Ngày nào tôi cũng xoay vòng như thế gần ba giờ, có hôm mệt khan cả giọng. Dạy chúng cực lắm, phải biết cách dụ ngọt, chứ la rầy một câu là ngày mai chúng bỏ lớp ngay; có đứa đang học ngon lành bỗng dưng nghỉ ngang cả tuần, khi quay lại lớp mình phải kèm rất lâu mới theo kịp chương trình”.

Hầu hết trẻ em đến đây học đều là con em của những người nghèo từ các tỉnh thành đến ở trọ quanh khu phố 1. Như gia đình bé Nguyễn Thị Huệ, Nguyễn Thị Trúc Đào... có đến sáu anh chị em nhưng đứa lớn nhất cũng chỉ mới 12 tuổi. Ba mẹ của chúng hằng ngày phải quần quật làm thuê, làm mướn đủ thứ nghề mà vẫn không đủ tiền để lo cái ăn, cái mặc cho đám con nheo nhóc thì lấy đâu ra tiền để cho chúng đi học. Để đến được với lớp học tình thương của cô Hồng, chị em chúng phải chia làm nhiều ca. Đứa lớn đi học thì đứa kế ở nhà trông em. Cũng vì theo cha mẹ mình tha phương mưu sinh mà có đứa đến nay vẫn chưa có giấy khai sinh.

Ngày đến xin học, có đứa chỉ đến bằng hai tay không, chị Hồng phải bỏ tiền túi của mình mua cho chúng từng cuốn tập, cây viết, rồi mua thêm sách, các dụng cụ học tập khác. Cũng nhờ tình thương của chị mà đến nay đã có nhiều đứa đọc viết thành thạo, biết làm toán. Chị cũng dạy cho chúng biết ước mơ, khát vọng. Như em Bùi Văn Kỳ (thằng Tèo) đi học bằng chân đất, ăn mặc nhếch nhác, nhưng mơ ước lớn lên sẽ làm bác sĩ, làm thật nhiều tiền để lo cho em, cho mẹ. Em Mai Thị Cẩm Nhung (bé Nhi) thì mơ sẽ trở thành kiến trúc sư, xây một tòa nhà thật đẹp cho gia đình... Những ước mơ kiểu đó sau này có trở thành hiện thực không thì khó mà biết được, nhưng chí ít thì ở cái lớp - học - tình - thương - tự - phát này, chúng cũng đã học được nhiều điều tốt đẹp.

Nỗi lòng cô giáo không chuyên

Mới học hết lớp 8 và chưa trải qua một khóa sư phạm nào, chị Hồng giảng dạy các em theo giáo trình mà chị đã tự bỏ công nghiên cứu. Chị lập một sổ tay ghi chép tỉ mỉ tên tuổi từng đứa học trò, phân lớp, chấm điểm. Riêng lớp mẫu giáo, chị dành ngày thứ bảy hằng tuần để dạy thêm nhạc, vì cho rằng âm nhạc sẽ giúp các em năng động hơn trong học tập. Để các em được vui vẻ, vào dịp tết, hè chị không ngại bỏ vài trăm ngàn đồng tiền túi ra tổ chức liên hoan cho chúng trong khi cuộc sống gia đình chị vẫn còn nhiều khó khăn.

Công việc hằng ngày của chị là nhận hàng ở các tiệm may về gia công, có ngày làm đến 10 giờ đêm nhưng thu nhập mỗi tháng cũng không quá 1 triệu đồng. Sở dĩ chị dành nhiều thời gian và tâm huyết cho trẻ em nghèo như thế vì trước đây chị cũng từng ao ước được học, được trở thành một bác sĩ giỏi. Thế rồi ước mơ ấy sớm tắt lịm trong năm học lớp 8 khi chị bị bệnh nặng, việc học cũng chấm dứt luôn từ đó.

Cách đây ba năm, lúc còn ở TP.HCM chị cũng từng mở một lớp học tình thương như thế này, dù chỉ có tám em theo học. Ngày dọn nhà về Bình Dương, nhìn thấy trong khu phố có nhiều trẻ em thất học, “máu” gia sư trong lòng chị lại trỗi dậy. Chị muốn làm một điều gì đó cụ thể để giúp các em mà việc dạy chữ, dạy cho các em làm người là khả năng duy nhất trong tầm với của chị. Thế là chị cất công đi vận động từng em, từng người cha, người mẹ. Chị nói: “Để tạo ra một lớp học như vậy khó khăn lắm.

Ban đầu dụ dỗ một hai đứa đến dạy, mua quà cho chúng ăn, từ từ những đứa khác thấy đi học vui thì tìm đến. Có người muốn con mình biết chữ cũng tìm đến nhờ dạy giúp nên lớp học mới có nhiều em như vậy”. Hiện tại, để đủ chỗ ngồi cho học trò, ngoài việc tận dụng phòng khách, chị Hồng phải cơi nới thêm nhiều tấm tôn ra trước hiên nhà. Không có tiền mua sắm bàn ghế, chị tận dụng luôn cả bàn tròn ăn cơm, bộ ghế xalông cũ để các em ngồi học, có lúc chị phải mượn đỡ bàn ghế của các quán cà phê, nước mía cạnh nhà để “phục vụ” các em.

Lòng tốt của chị là vậy, nhưng ông trời đối xử thật trớ trêu khi đầu tháng 10-2006, chị bị bệnh khá hiểm nghèo, đó là bị teo thận. Để có tiền chữa bệnh, chị phải bán đi một miếng đất và xe cộ... - những tài sản lớn mà chị có. Vì lo chăm sóc vợ trong những ngày ốm đau mà anh Phạm Ngọc Dũng, chồng chị, cũng mất luôn công việc tài xế.

Tuy khó khăn là thế, nhưng chị vẫn tỏ ra lạc quan: “Bây giờ thì tôi khỏe hơn nhiều rồi, những ngày bệnh nặng tôi cũng chưa bỏ lớp dù một buổi. Lúc ấy tôi không đi lại, không nói được nhiều, chỉ ngồi một chỗ rồi ra bài tập cho các em, đứa nào không hiểu thì có anh Dũng dạy giúp. Tôi không lo nhiều chuyện sống chết, chỉ mong sức khỏe của mình được kéo dài thêm để có nhiều trẻ em nghèo trong khu phố được biết chữ. Mong muốn lớn nhất của tôi là một ngày nào đó, các em học sinh nghèo này được các ngành, các cấp quan tâm để các em được đến trường như bao đứa trẻ khác”.

LÊ CHÂU - LÊ TÁM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên