20/11/2003 06:20 GMT+7

Cô gái giỏi tiếng Pháp bên kia phá Tam Giang

MINH TỰ
MINH TỰ

TT - Thật tình cờ, tôi đã gặp Dương Thị Đan Thanh từ khi em mới từ làng quê bên kia phá Tam Giang (làng Lãnh Thủy, xã Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế) vào thành phố Đà Lạt, với một nỗi mặc cảm không che giấu được; vì vậy khi gặp lại Thanh ở giảng đường Đại học Sư phạm Huế với nụ cười rạng rỡ khiến tôi quá đỗi xúc động bởi được chứng kiến một sự trưởng thành rất đáng khâm phục.

51kaZsUW.jpgPhóng to
Dương Thị Đan Thanh
TT - Thật tình cờ, tôi đã gặp Dương Thị Đan Thanh từ khi em mới từ làng quê bên kia phá Tam Giang (làng Lãnh Thủy, xã Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế) vào thành phố Đà Lạt, với một nỗi mặc cảm không che giấu được; vì vậy khi gặp lại Thanh ở giảng đường Đại học Sư phạm Huế với nụ cười rạng rỡ khiến tôi quá đỗi xúc động bởi được chứng kiến một sự trưởng thành rất đáng khâm phục.

“Nói tiếng Pháp chẳng khác chi Tây”

Khi Thanh lên 4 tuổi thì ba mất, chỉ sau mấy tháng lâm bệnh nặng. Mẹ lại mới sinh em được một tháng mười ngày. Cái gia đình vốn nghèo khổ của Thanh lại càng gieo neo hơn. Ở Thừa Thiên - Huế, dân sống bằng nghề ngư được liệt vào hàng nghèo nhất, thế nhưng vẫn còn khá hơn những người dân ở vùng quê Quảng Ngạn này.

Bởi vì sống giữa một bên là biển, một bên là đầm phá mà lại làm ruộng, với vài mảnh ruộng đồng thường xuyên nhiễm mặn, không hiểu họ làm cách nào để kiếm ra đủ miếng ăn. Vậy mà một mình mẹ phải quần quật với những mảnh ruộng dọc theo bờ phá ấy để nuôi ba đứa con.

Năm tuổi đã phải nếm trải cái đói, cái rét, Thanh vào lớp 1 cũng chỉ được một bộ áo quần tươm tất. Lần hồi đến hết lớp 3 thì người chú từ Đà Lạt về thăm quê, thấy đứa cháu học giỏi mà khổ cực quá liền đưa vào Đà Lạt để cưu mang. Đối với Thanh đó là một sự đổi đời, dù gia đình chú cũng chỉ đủ ăn, chú làm vườn, thím dạy tiểu học.

Cái xóm nhà vườn trồng rau dưới một thung lũng thuộc ấp Đa Thiện, ngoại ô thành phố Đà Lạt xuất hiện một bé gái tóc cháy nắng, da ngăm đen, khuôn mặt trẻ thơ nhưng lúc nào cũng trĩu nặng một nỗi buồn. Mỗi ngày em vẫn đều đặn hai lần đi bộ qua những ruộng rau để đến lớp ở Trường tiểu học Đa Thiện.

Dù hoàn cảnh cách biệt đến thế nhưng Thanh vẫn theo kịp bạn bè và duy trì danh hiệu học sinh giỏi toàn diện đã có từ lớp 1 đến lớp 12. Năm 1997 học xong tiểu học, Thanh thi đậu vào lớp 6 song ngữ Pháp - Việt ở Trường trung học Bùi Thị Xuân, Đà Lạt.

Với vốn tiếng Pháp do người thím dạy kèm, Thanh đã theo học một cách thoải mái chương trình song ngữ Pháp - Việt (các môn toán, lý, hóa, sinh, Pháp văn đều được dạy bằng tiếng Pháp). Bảy năm theo lớp song ngữ ở Trường Bùi Thị Xuân, Thanh đều là học sinh giỏi, điểm trung bình các môn học đều trên 8,0, riêng môn tiếng Pháp đều trên 9,0.

Đi thi học sinh giỏi cấp tỉnh cũng đứng nhì; năm lớp 11 được vào đội tuyển lớp 12 thi toàn quốc đoạt giải ba, năm lớp 12 đoạt giải nhì. Các loại giấy khen, bằng khen treo kín phòng học. Thật không ai ngờ cô bé nghèo khổ bên phá Tam Giang ấy bây giờ “nói tiếng Pháp chẳng khác chi Tây”- người dân làng Lãnh Thủy nói một cách tự hào như thế khi gặp chúng tôi ở bến đò ngang Vĩnh Tu.

Tạ ơn những người đã tiếp sức

Gần mười năm ở miền Nam, nhưng khi trở về Huế cô bé vẫn giữ nguyên cái giọng nói thật thà, chân chất của làng Lãnh Thủy quê mình. “Thím mở lớp dạy kèm tiếng Pháp cho những người lớn tuổi, em ngồi chơi cho vui. Rứa là quen tiếng Pháp khi mô không hay”- Thanh kể. Trong câu chuyện Thanh nói nhiều về cha mẹ, làng quê.

Nhắc đến người cha quá cố, nước mắt Thanh ràn rụa. Chị em Thanh đã lớn lên thành người bằng những câu chuyện quá sức cảm động: chuyện ông nội đã phải... nhường chiếc quan tài cho con mình và miệt mài thay con đưa chị em Thanh đến trường; chuyện vợ chồng chú thím tiếp sức đưa Thanh đi hết chặng đường học trò. Trên đoạn đường đó cô bé mồ côi còn được sự tiếp sức của các thầy cô ở Trường Bùi Thị Xuân, Đà Lạt.

“Em mang ơn nhiều người lắm, nên em chỉ có một mơ uớc là học xong đi dạy để đỡ đần cho mẹ, trả ơn chú thím và thầy cô”. Thanh nói việc mình chọn vào học khoa tiếng Pháp Đại học Sư phạm Huế (tuyển thẳng) chính là xuất phát từ sự yêu mến những người thầy đáng kính quanh mình và nhất là người thím nhân hậu (giáo viên Trường tiểu học Đa Thiện, Đà Lạt) đã chăm nom, giáo dục Thanh như một đứa con gái.

MINH TỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên