![]() |
Phạm Thị Quỳnh Như làm cỏ đậu ở mảnh vườn trước nhà - Ảnh: Hà Đồng |
Bà Bùi Thị Thúy (42 tuổi), dân tộc Mường, trú tại bản Lún, xã Thúy Sơn, huyện miền núi Ngọc Lặc (Thanh Hóa), tâm sự với chúng tôi về con gái mình như vậy.
Suốt thời gian học tiểu học, THCS, Phạm Thị Quỳnh Như (sinh năm 1989) học ở thị trấn Ngọc Lặc. Từ nhà ra thị trấn gần 10km, nhiều hôm bố mẹ bận lên nương rẫy, Như dậy từ sáng sớm đi bộ ra trường cho kịp giờ học.
Vượt đường xa đến trường
Có hôm đi học, gặp mưa lũ cuốn trôi cầu bản Thắng, bản Chông, cắt đứt con đường đến trường, cô bé ham học của bản Lún chỉ biết ngồi bên bờ suối nhìn nước lũ cuộn chảy mà khóc..., sợ phải nghỉ một buổi học ở trường.
Biết con ham học, không muốn bỏ học giữa chừng như các bạn cùng trang lứa ở bản, bà Thúy, ông Phạm Văn Cường ( bố Như) thay nhau mượn xe đạp đưa con đến trường. Thương bố mẹ vất vả, suốt những năm học tiểu học, THCS, Như đã gửi đến bố mẹ nhiều niềm vui khi liên tục là HS tiên tiến, HS giỏi của trường. Đặc biệt năm học lớp 5 Như đã đoạt giải ba môn toán, môn văn toàn tỉnh và là HS giỏi duy nhất của xã Thúy Sơn.
Học cấp III tại Trường THPT Ngọc Lặc, Như bắt đầu bộc lộ năng khiếu học thiên về khối B của mình. Được các thầy cô của trường nhiệt tình dạy bảo, định hướng nghề nghiệp, bồi dưỡng kiến thức bài bản, liên tục các năm học cấp III Như là học sinh luôn trong tốp dẫn đầu của lớp. Cô Trương Thị Giang - giáo viên chủ nhiệm của Như từ năm lớp 10 đến lớp 12 - cho biết: “Như thông minh, có tính tự học cao; luôn chịu khó hết mình để học tập tốt và nhiệt tình tham gia các hoạt động ở lớp, ở trường, sẵn sàng giúp đỡ bạn bè”.
Nỗi lo trên chặng đường dài
Chúng tôi tìm đến nhà Như ở bản Lún, xã Thúy Sơn (một xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135) cách TP Thanh Hóa gần 100km, khi Như đang làm cỏ đậu và bóc lá mía. Trên mảnh vườn trước nhà, Như cặm cụi nhổ cỏ đậu thoăn thoắt. Đôi tay chai sần của cô thủ khoa miệt mài với công việc hằng ngày của mình. “Nghe bạn bè thông báo đã có điểm thi của Trường ĐH Y Thái Bình trên mạng, em xin bố mẹ 2.000 đồng, vội vã đạp xe ra thị trấn để xem điểm”.
Nhưng niềm vui đỗ đại học trong Như có lẽ qua đi rất nhanh, còn lại là nỗi lo bởi suốt sáu năm học đại học y thật dài, bố mẹ hay đau ốm, chưa biết gia đình em phải tính sao đây?
Còn hai tháng nữa con gái đầu mới vào trường đại học, nhưng từ hôm nay ông Cường, bà Thúy đã và đang còng lưng, mỏi gối lên rừng kiếm thêm bó củi, chăm cho luống đậu, đồi mía tươi tốt để bán lấy tiền cho Như nhập học. “Do còn nợ ngân hàng huyện hơn 10 triệu đồng, nên trước mắt gia đình tôi đang tính phải cậy nhờ, vay mượn bà con, xóm giềng chút ít. Ở bản nghèo này có con đỗ đại học thật là vinh dự, tự hào nên có phải ăn cháo, ngô, sắn, vợ chồng tôi cũng cố lo cho các con học hành thành đạt” - bà Thúy nhìn ra đồi mía trước nhà, cố giấu những giọt nước mắt hạnh phúc đang lăn trên khuôn mặt khắc khổ của người phụ nữ dân tộc Mường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận