14/03/2010 07:51 GMT+7

Clip nữ sinh bị đánh "hội đồng": Công an đã xác định 2 học sinh ngồi xem

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TT - Sau khi Sở Giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội đề nghị Công an TP vào cuộc, ngày 13-3 lại có nguồn tin những học sinh trong clip được tung lên mạng là học sinh Trường THCS LNH và vụ việc xảy ra ở vườn hoa Pasteur (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Vụ nữ sinh bị đánh hội đồng tại Hà Nội: công an đã tìm ra clip gốcLại thêm video clip "nữ sinh đánh nhau" gây xôn xaoNữ sinh đánh bạn, quay phim chuyền tay nhauYêu cầu các sở GD - ĐT ngăn chặn tình trạng bạo lực trong học sinh

Trao đổi với chúng tôi, ông Mai Sỹ Nhật - trưởng phòng công tác học sinh, sinh viên Sở GD-ĐT Hà Nội - nói: “Sáng 13-3, Công an Hà Nội cho biết đã xác minh được hai học sinh ngồi xem (trong đoạn clip) là học sinh Trường TNT”.

vr1pssaT.jpgPhóng to
Hình chụp từ clip đang truyền đi trong cộng đồng mạng, gây phẫn nộ cho nhiều người

Ông Phan Thanh Tùng, phó hiệu trưởng Trường TNT, cho biết đang đề nghị những học sinh trên tường trình sự việc.

Về nguồn tin cho biết học sinh đánh nhau ở Trường THCS LNH, ông Nhật nói: “Nên chờ kết quả điều tra của công an. Không nên tin vào những thông tin không có căn cứ, dễ gây hoang mang cho học sinh”.

Trong khi đó, trong tin gửi về tòa soạn Tuổi Trẻ, bạn Nhiếp Phong sau khi tự mình đi xác minh vụ việc cho biết: theo anh Nguyễn Đông, làm nghề lái xe ôm ở vườn hoa Pasteur, thì anh đã trực tiếp chứng kiến vụ việc. Anh cho biết người đánh tóc ngắn, phốp pháp, cô bé bị đánh thì gầy còm, ốm yếu. Cô bé bị đánh mặt sưng vù nhưng không hề khóc.

Anh Đông cũng cho biết thêm lúc đi xe máy vào công viên, các cô gái tỏ thái độ rất ngông nghênh, còn cô bé bị đánh thì đi bộ tới.

Nhiều người dân sống ở đây đều khẳng định vụ việc diễn ra cách nay độ một tuần, vào khoảng 16g-17g.

Anh Hiếu, một trong hai người trực tiếp ngăn vụ ẩu đả khi phát hiện, cho biết cô bé đánh tóc ngắn, mặc áo kẻ. Có khoảng 5-6 em cả trai lẫn gái, nhóm này khá đông. Cô bé bị đánh đi bộ về, bảo nhà ở đây và đi về hướng Lò Đúc.

Em thấy xấu hổ

Nguyễn Thị Hồng (học sinh lớp 11 Trường THPT TNT): “Những ngày gần đây, em cảm thấy xấu hổ khi ra đường bị người ta bảo “học sinh trường đó đấy”. Trường có nhiều bạn ngoan, học giỏi, nhưng cũng có những bạn hay bỏ học, nói dối cô và bố mẹ đi chơi với bạn trai, đi tụ tập. Chuyện mâu thuẫn, đánh nhau cũng có thể từ đó ra. Trường em từng có chuyện các bạn nữ mâu thuẫn, nhưng có ai liên quan đến đoạn clip kia thì em không rõ. Chúng em mong sự việc sớm được làm sáng tỏ“.

Phạm Minh Phương (học sinh lớp 7 Trường THCS Đống Đa, Hà Nội): “Em từng chứng kiến cảnh nhiều chị học sinh lớp lớn gọi một học sinh khác ra bên ngoài trường để “xử lý”. Bạn đó bị đánh, tuy không thô bạo như đoạn clip gây xôn xao nhưng cũng bị đau. Chúng em đều sợ và có tâm lý tránh xa, không dám can ngăn. Em nghe nói trường nào cũng có những nhóm “nữ đại ca” như thế. Những bạn bị gọi ra mắng chửi, đánh có khi chỉ vì... ghét cái thái độ”.

====================================================================

Ý kiến bạn đọc

* Theo tôi ngoài vấn đề dạy chữ cho học sinh, điều không kém phần quan trọng là giáo dục đạo đức cho các em. Hiện nay hầu hết các trường (từ trường tư thục đến trường công lập) đều tập trung vào chỉ tiêu. Có chỉ tiêu cao thì mới thu hút được phụ huynh và đồng thời làm hài lòng lãnh đạo.

Các trường vẫn ép giáo viên chạy theo thành tích (chỉ đạo bất thành văn) mà tất cả ai là giáo viên cũng đều biết được điều này mà không dám bày tỏ.

Mặt khác, hiện nay, con em chúng ta thuộc diện con một (con VIP), không được nói nặng chứ đừng nói chi đến đánh. Chính vì vậy, người giáo viên chỉ biết làm sao cho chất lượng thật cao, dù là chất lượng ảo cũng được. Thế là để lại cho xã hội một số vấn nạn cần phải giải quyết.

Việc giải quyết này không chỉ làm một giờ, một ngày hay một tháng, một năm mà nó có thể kéo dài hàng chục năm, trăm năm... và có thể còn lâu hơn nữa nếu không có cách giáo dục theo đúng nghĩa của Bộ, Sở đã đề ra. Chính tôi cũng là giáo viên và đang chịu bởi áp lực này mà không biết bày tỏ cùng ai.

* Tình trạng học sinh vô đạo đức, đánh nhau như những hiện tượng nêu trên phần nào đã thể hiện tính vô kỷ luật. Cụ thể là nhà trường không có biện pháp để giáo dục đạo đức vì có rất nhiều rào cản. HIện tượng học sinh vô đạo đức tôi nghĩ các bộ, ban cần tính lại trong việc soạn thảo cơ chế.

* Không ngờ chuyện đánh nhau thường chỉ thấy ở con trai nhưng mà thực sự cũng hiếm lắm, bạn bè chơi với nhau, bạn học cùng trường thì những việc đó hiếm khi xảy ra.

Trên clip đó có nhiều người ngồi xem vậy mà không một ai đứng ra can ngăn vu việc.

Tôi nghĩ các cơ quan công an cần làm rõ vụ việc trên, nếu như tìm được nhũng thủ phạm trên thì nên có hình phạt theo pháp luật, đồng thời liên hệ với nhà trường để có hình thức kỉ luật và giáo dục lại đạo đức.

Những nguời ngồi xem để mặc cho cảnh tượng đó xảy ra cũng phải bị xử phạt, kỉ luật hoặc cải tạo về mặt đạo đức.

Các thầy cô của trường sở tại nên có những hình thức kỷ luật mạnh những em học sinh đó.

-----------------

Ý kiến của bạn về vấn đề này ra sao? Hãy chia sẻ với bạn đọc Tuổi Trẻ Online qua email tto@tuoitre.com.vn hoặc trong phần Ý kiến bạn đọc dưới đây. Cảm ơn.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên