![]() |
Câu lạc bộ sáng tác trẻ Phú Yên |
Tiền thân của CLB sáng tác trẻ Phú Yên là Bút nhóm Rơm Vàng, từng chiếm được nhiều tình cảm yêu quý của bạn đọc trẻ Phú Yên. Vào cuối năm 2007, Rơm Vàng có nguy cơ tan rã, bút trưởng Cao Vĩ Nhánh ráo riết tìm nguồn tài trợ, giúp đỡ để gây dựng nên một nhóm sáng tác mới mang tên CLB sáng tác trẻ Phú Yên. Thật may mắn, nhờ sự bảo trợ, dìu dắt tận tình của Chi hội Văn học thuộc Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Phú Yên, CLB dần dần đi vào ổn định
Hôm ra mắt, CLB đã có một buổi giao lưu, học hỏi thân tình, bổ ích, thiết thực xung quanh các vấn đề phương pháp sáng tác, tìm kiếm và xử lý đề tài, trau dồi, gọt giũa ngôn ngữ... với các nhà thơ, nhà văn tên tuổi của Phú Yên như: Đào Minh Hiệp, Ngô Phan Lưu, Triệu Lam Châu, Huỳnh Văn Quốc, Phương Trà...
Gần một năm qua, hàng loạt cây bút trẻ triển vọng của CLB như: Phụng Thuyên, Nguyên Bảo, Khánh Duy, Thư Nhã, Tường Vi, Phương Diệu, Lệ Hằng, Thuận Ánh... bắt đầu định hình phong cách sáng tác riêng và đã góp mặt trên nhiều tờ báo từ trung ương đến địa phương: báo Phú Yên, tạp chí Văn Nghệ Phú Yên, Thiếu Niên Tiền Phong, Mực Tím, Tài Hoa Trẻ, Áo Trắng...
Chất keo từ niềm đam mê viết lách không chỉ gắn kết các thành viên với nhau trên phương diện sáng tác mà họ còn yêu thương, quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống.
Hiện tại CLB gồm 25 thành viên, hầu hết là các bạn học sinh trên địa bàn thành phố Tuy Hòa và các vùng lân cận. Cao Vĩ Nhánh giữ chức chủ nhiệm. Quy trình tập hợp bài của CLB chủ yếu qua email. Vào những dịp đặc biệt CLB mới tổ chức họp mặt, trao đổi bài vở.
Phương châm hoạt động của CLB là không ngừng phấn đấu, rèn luyện để ngày càng có những trang viết hay hơn, đặc sắc hơn. CLB hi vọng sẽ là địa chỉ văn chương thú vị để các tâm hồn yêu thích văn chương ghé thăm. CLB rất mong được giao lưu, học hỏi với các bạn đọc trẻ trên cả nước.
Xin liên hệ với CLB Sáng tác trẻ Phú Yên qua điện thoại 0979.091.522 hoặc email: caovinhanh@gmail.com
_____________________
Mưa hạ
Nắng nóng mùa hạ làm mệt nhoài con phố. Từng khuôn mặt người nặng giọt mồ hôi. Rồi cơn mưa hạ ùa đến. Bài hát nhỏ thích nhất bỗng dịu dàng cất lên, vang vọng trong không gian.
"Nhớ em vội vàng trong nắng trưaÁo phơi trời đổ cơn mưa..."
Bài hát Một mình của nhạc sĩ Thanh Tùng. Hôm nay, nhỏ cũng một mình. Ngẩn ngơ nhìn làn mưa trong suốt hồi lâu, nhỏ bật cười. Mùa hạ lạ thật, chẳng khác nào tâm trạng của một cô gái mới lớn, chợt nắng, chợt mưa, hồn nhiên đến lạ! Nhoẻn miệng cười, nhỏ thấy mình so sánh thật chính xác, chỉ có điều trái tim nhỏ dường như cũng thích bắt chước mùa hạ mất rồi! Nắng trốn ở đâu cho nhỏ một mình? Bâng khuâng chiều nội trú buồn hiu! Mưa nhạt nhòa trên mắt ai, nhớ...
Nắng rải một màu vàng rực trên con đường đầy hồi ức. Nắng lặng lẽ đến theo tiếng ve với những nhành phượng rực lửa và nhí nhảnh xen qua kẽ lá rơi trên mắt ai. Nhớ mái tóc chẻ ngọn khét mùi nắng giữa trưa hè đi bắt cá. Nhớ cánh diều vi vút tận triền đê tung cao cùng những bước chân bé xíu và hương hoa dại ngan ngát bao trùm cả không gian ngày thơ bé. Nhớ làn da ngăm vì ăn nắng trong những chiều vùng vẫy dưới nước. Tha thiết nhớ về những cơn sốt làm bà lo lắng ngồi bên cả đêm, mệt nhoài chiếc lưng còng và những lúc mẹ thủ thỉ gội đầu bên ao dặn rằng đừng dang nắng...
Nhỏ nhìn cơn mưa hạ với bao nỗi niềm trỗi dậy, không gian tràn ngập nắng thuở nào xa nhớ! Đưa tay hứng những giọt mưa, nhẹ nhàng ngửi thấy mùi khét nắng thân thương phảng phất đâu đây!
___________________
Ô cửa sổ
Bên ngoài trời đã khuyaNhà nhà đều yên giấcCó ô cửa nhà kiaVẫn còn ngời ánh điện.
Cứ hằng đêm hằng đêmLại thấy bóng của thầyBên chiếc bàn gỗ nhỏChấm bài cho chúng em.
Trăng ơi hãy sáng tỏGió ơi hãy dịu dàngĐến bên thầy làm bạnCho thầy không cô đơn.
Tóc của thầy đã bạcTrán đầy những nếp nhănBởi nhiều đêm thức trắngThầy lo cho học trò.
Thầy ơi em mãi mãiKhông quên được ơn ngườiĐã chăm lo dạy dỗCho chúng em ngày mai.
___________________
Hành trình sau lưng bố
Như bao lần đi xa, hôm nay con lại bắt đầu cuộc hành trình phía sau lưng bố.
Con chẳng thể nhớ nổi con đã quen với tấm lưng của bố tự bao giờ. Theo năm tháng bố vẫn luôn dẫn con vào đời bằng tấm lưng ấy. Con đến trường, tấm lưng vững chãi của bố như một thiên thần hộ mệnh đem lại may mắn cho con mỗi lần đi thi. Cho đến tận bây giờ với con nó vẫn mang thiên chức ấy.
Lũ bạn con hay kể về những ông bố tuyệt vời của chúng. Như ông bố nghệ sĩ của Thu Trang, ông bố tâm lý của Trà My, ông bố vui tính của Thúy Vi... Bố của con thì khác, nếu chẳng phải có việc gì cần thiết thì hầu như con và bố ít trò chuyện với nhau. Đó cũng chính là lý do mà cuộc hành trình sau lưng bố với con chỉ toàn im lặng. Bố con mình trò chuyện bằng một thứ ngôn ngữ đặc biệt - ngôn ngữ không lời. Và dường như thứ ngôn ngữ ấy nó dào dạt, mãnh liệt và chân thành hơn mọi thứ ngôn ngữ trên đời.
Bố có biết con luôn cảm thấy tự hào về tấm lưng của bố? Tấm lưng cho con sự bình an, yên tâm thực sự vì có bố ở bên. Đã có lúc trời mưa tầm tã, nắng như đổ lửa, những sáng sương giăng trắng xóa, những đêm mịt mù không trăng, bố vẫn không nề hà chở con đi học. Con luôn thấy vững tin khi núp dưới lưng bố. Những lúc bố phóng xe thật nhanh, con ôm bố thật chặt, chẳng phải vì con sợ hãi mà vì con muốn bố hiểu rằng con gái luôn cần bố, luôn tin tưởng tuyệt đối vào bố.
Cái cách bố dành yêu thương cho chị em con thật khác, nó không lộ liễu và vồn vã như bao ông bố khác. Bố đã quan tâm tới chúng con bằng hành động. Bố dạy chúng con bằng chính cuộc đời mình. Hồi con còn bé, bố đã từng đánh con bằng roi tre thật đau nhưng cũng chính bố là người bảo mẹ thoa dầu cho con, cái thông điệp không lời ấy đã nói lên tất cả tình yêu thương của bố dành cho con. Bố luôn chỉ cho con thấy mục đích cần đạt tới và nhắc nhở con cố gắng nhưng chưa bao giờ bố phàn nàn khi con chưa chạm đến cái đích thành công vì bố luôn tin vào sự cố gắng của con.
Là một nông dân nhưng chưa bao giờ bố ngừng học hỏi. Những tấm bằng khen nông dân sản xuất giỏi vẫn chưa là đích cuối cùng của bố. Vì con biết bố luôn muốn mang lại một cuộc sống thật ấm no, hạnh phúc cho vợ con.
Ngày con học hết lớp 9 cũng là lúc bố phải đưa ra một quyết định khó khăn: cho con thi vào một ngôi trường danh giá. Chấp nhận cho con học ở đó đồng nghĩa bố mẹ phải nuôi con học "đại học sớm". Vì bố không muốn con thiệt thòi như bố ngày xưa.
Con gái bố không dám chắc sẽ đem vinh quang về cho gia đình nhưng chắc chắn con sẽ không làm mọi người thất vọng. Hãy tin vào sự cố gắng của con bố nhé!
Sáng nay, con lại ngồi phía sau bố để vượt qua một chặng đường hơn 60 cây số trở lại trường học. Con lại tiếp tục cuộc hành trình phía sau lưng bố và đang chờ đợi ngày đến đích...
Áo Trắng số 11 (ra ngày 15-6-2009) hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận