Phóng to |
Học sinh tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2013 do Tuổi Trẻ tổ chức - Ảnh: Minh Đức |
- Chào bạn, bộ phận nhân sự là cầu nối giữa người lao động và người sử dụng lao động. Bộ phận này đảm bảo các yêu cầu về luật pháp được áp dụng một cách đúng đắn cũng như phát triển được năng lực của nhân viên. Nhân sự bao gồm các mảng chính: chiến lược nhân sự (kế hoạch nhân sự, chiến lược sử dụng nhân sự để đạt hiệu quả kinh doanh cao nhất); phát triển nhân viên (đào tạo, nâng cao năng lực tay nghề…); hỗ trợ hành chính (các vấn đề về lương bổng, các loại bảo hiểm cho người lao động…).
Phẩm chất đầu tiên và quan trọng nhất của người làm công tác nhân sự là sự tận tụy. Người làm nhân sự là lo cho người khác những việc cụ thể như lương bổng, phúc lợi, đào tạo cũng như tổ chức bộ máy nhân sự như thế nào cho hiệu quả... Ở mức độ cao hơn, người làm công tác nhân sự cần có khả năng phân tích và tổ chức tốt để đảm bảo nguồn nhân lực có tính kế thừa và lâu dài hoặc đảm nhận công tác tuyển dụng (tuyển đúng người đáp ứng tốt nhất cho từng vị trí công việc).
Ở những doanh nghiệp quy mô lớn, giám đốc nhân sự là người định hướng và tổ chức tất cả mọi hoạt động liên quan đến nhân sự (phần chi tiết sẽ có nhân viên làm). Người phụ trách nhân sự phải thực sự trở thành một thành viên trong bộ máy quản lý của doanh nghiệp với chức năng tham vấn, vạch ra đường lối, định hướng chiến lược lâu dài trong công tác nhân sự cho doanh nghiệp, đòi hỏi ở người phụ trách một tầm nhìn, khả năng tư duy chiến lược. Muốn trở thành người phụ trách nhân sự một công ty hoặc một người tư vấn nhân sự cho một công ty, bạn phải trải qua công việc của một nhân viên nhân sự.
Hiện tại, chưa có trường ĐH nào chuyên đào tạo những kỹ năng cụ thể cho nghề nhân sự. Một số ngành học “bà con gần” với nghề này có thể kể như: quản trị nhân lực, quan hệ lao động… Hiện tại, việc tuyển dụng người làm nhân sự các doanh nghiệp không yêu cầu bằng cấp chuyên môn. Yêu cầu đối với các ứng viên cho vị trí này là kinh nghiệm, vốn sống, khả năng phân tích và định hướng, tầm nhìn, khả năng tổ chức và quan trọng là kỹ năng làm việc tập thể. Trên thực tế nhiều người làm công tác nhân sự tốt nghiệp các ngành kinh tế, xã hội, sư phạm. Hầu hết những người làm nhân sự thành công phải qua quá trình tích lũy kinh nghiệm từ những công việc liên quan như: hành chính văn thư, nhân viên phụ trách công tác tiền lương, bảo hiểm… ở các công ty. Ngoại ngữ cũng là một yếu tố giúp bạn có cơ hội thành công hơn với nghề này.
Nhân sự hiện đang là ngành nghề ”nóng” trên thị trường lao động thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ. Khi làm công tác nhân sự, bạn có ưu thế tìm việc ở nhiều công ty khác bất kể lĩnh vực kinh doanh là gì, đây là lợi thế của nghề nhân sự so với một số nghề khác.
* Ngành khoa học cây trồng có phù hợp với nữ và sau khi tốt nghiệp, cơ hội được nhận vào làm việc có cao hơn nam hay không? (Ngoc Huyen, ngochuyen95pt@...)
- Ai yêu thích môn sinh học, thích các loại cây trồng đều phù hợp với ngành này (và những ngành “gần” với ngành này là nông học, trồng trọt, bảo vệ thực vật…). Nước ta là nước có tiềm năng nông nghiệp lớn. Ngành này lại là ngành điểm chuẩn “mềm”, chương trình học không quá nặng nề, tính ứng dụng thực tế rất cao. Nếu bạn thật sự yêu thích, bạn sẽ thấy đây là một ngành học thú vị với cơ hội việc làm khá rộng. Nếu bạn là nữ, bạn học không thua kém các bạn nam, có khi còn dễ xin việc hơn. Không có thông tin nào cho thấy ngành này ưu tiên tuyển nam đâu, bạn yên tâm nhé.
* Ngành kỹ thuật điện tử truyền thông và ngành kỹ thuật cơ khí, ngành nào dễ xin việc hơn, triển vọng phát triển của ngành kỹ thuật điện tử truyền thông ra sao? (Nguyễn Tài Bình, tinhcammoinguoi@...)
- Bạn thích ngành nào hơn và bạn hiểu công việc ngành nào rõ hơn giữa hai ngành này? Ngành nào bạn thích và am hiểu về nó hơn, bạn sẽ học tốt và dễ thành công hơn. Cách đây 5-10 năm, điện tử là ngành được xem là “thời thượng”, chỉ tiêu nhiều, thí sinh chen chân dự thi và điểm chuẩn cao ngất. Những năm gần đây, điểm chuẩn ngành cơ khí ở nhiều trường nâng lên trong khi điểm chuẩn ngành điện tử đã hạ nhiệt.
Hiện tại, chỉ tiêu ngành điện tử viễn thông, điện tử truyền thông vẫn cao hơn ngành cơ khí. Ứng dụng ngành cơ khí rất rộng, ngoại trừ những người không thích làm nghề cơ khí, hầu hết SV tốt nghiệp ngành này đều có việc làm. Ở ngành điện tử ứng dụng cũng không hẹp nhưng trên thực tế nhiều người không xin được việc đúng chuyên môn hoặc phải học thêm nhiều thứ nữa mới có thể làm tốt công việc.
Nêu ra những thông tin như vậy để bạn cân nhắc thêm. Bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin từ người thật việc thật liên quan đến hai ngành này (qua sách báo hoặc từ những người quen biết). Chúc bạn thành công.
* Em ở Cẩm Mỹ, Đồng Nai. Em có thắc mắc về ngành học của Trường ĐH Y dược TP.HCM, cụ thể như sau: em học giỏi toán, hóa, sinh ở mức khá, muốn thi vào ĐH Y dược TP.HCM ngành bác sĩ đa khoa nhưng điểm chuẩn 2012 là 26 nên em hơi ngại. Vì vậy, em muốn thi ngành kỹ thuật hình ảnh, ngành này làm việc trong các phòng X-quang hoặc CT? Khi tốt nghiệp ngành kỹ thuật hình ảnh thì là bác sĩ hay là kỹ thuật viên. Nếu là kỹ thuật viên thì sau khi tốt nghiệp có thể học thêm để thành bác sĩ hoặc thạc sĩ? (quanhohong@...)
- Chào bạn, điểm chuẩn vào Trường ĐH Y dược TP.HCM bốn năm gần đây ở mức 23,5 đến 26,5. Để chắc trúng tuyển, mỗi môn thi của bạn phải 8 điểm trở lên (cộng cả điểm ưu tiên khu vực nữa) mới đủ điểm trúng tuyển. Chắc bạn cũng biết bác sĩ là ngành học của những người giỏi nhất. Nếu lượng sức mình không kham nổi, bạn chọn ngành kỹ thuật hình ảnh cũng đâu có gì xấu hổ. Đây cũng là công việc trong ngành y và công việc nào cũng có tầm quan trọng của nó.
Cơ hội việc làm của kỹ thuật viên hình ảnh hiện tại cũng không quá khó khăn. Ngành này đào tạo hệ cử nhân, bạn có thể học tiếp lên trình độ thạc sĩ. Tuy nhiên, chỉ cần bằng cử nhân kỹ thuật hình ảnh, bạn đã có cơ hội việc làm tốt trong các cơ sở y tế rồi.
* Em hiện đang là sinh viên năm 2 ngành luật. Vì nhiều lý do nên năm học này em đã quyết định ôn luyện và thi lại ĐH. Em muốn hỏi liệu thời điểm này thi lại ĐH thì có sáng suốt không, khi ngành em đang học bây giờ chỉ là một sự lựa chọn an toàn chứ không phải là ngành em yêu thích? Thật ra em không có cảm hứng với luật, em chỉ đam mê những công việc mang tính chất hành chính - chính trị, được làm ở các cơ quan nhà nước, nên lần thi lại này em đã đăng ký vào Học viện Hành chính quốc gia, ngành quản lý nhà nước. Em rất mong nhận được lời khuyên của ban tư vấn! (Phong Linh [linhphongo0o@...)
- Bạn thân mến, có lẽ bạn cũng biết rất nhiều cán bộ làm công tác quản lý nhà nước đang phải đi học thêm bằng ĐH ngành luật. Vì sao vậy? Bởi vì ngành luật mang đến cho họ kiến thức rất cần thiết cho công việc. Bạn đã thử tìm hiểu những đàn anh, đàn chị của mình học ngành luật ra trường họ làm gì, bạn sẽ thấy rất nhiều trong số họ đang làm trong các cơ quan hành chính nhà nước.
Bạn đang học một ngành rất gần và rất cần với công việc bạn yêu thích. Và bạn đã đi nửa chặng đường của bốn năm ĐH, nên cân nhắc mình sẽ được gì nếu thi lại? Và bạn sẽ mất gì? Nếu bạn quyết theo ngành quản lý nhà nước, trong quá trình học thế nào bạn cũng sẽ học về luật, ra đi làm cũng liên quan đến luật thôi. Về điều này, bạn đang có lợi thế chứ. Nếu học tốt và có cơ hội, bạn sẽ có việc làm tốt trong cơ quan nhà nước. Còn làm quản lý hay chỉ làm nhân viên thì tùy vào năng lực mỗi người, bằng cấp không quyết định tất cả đâu.
Bạn không nói rõ bạn “chán” ngành đang học vì lẽ gì để có thể tư vấn cụ thể hơn. Có lẽ chính bạn sẽ hiểu rõ hơn ai hết vấn đề của mình. Và với nhận thức của một SV năm thứ hai, bạn sẽ có thể tự chọn con đường hợp lý hơn. Chúc bạn thành công.
Bạn băn khoăn không biết nên chọn trường nào, ngành nào để dự thi; không biết cụ thể về ngành học mình định chọn và cần được tư vấn, hãy gửi câu hỏi về cho chúng tôi theo địa chỉ email tuyensinh@tuoitre.com.vn. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận