08/09/2005 11:01 GMT+7

Chuyển thể 2 cuốn nhật ký: chưa xác lập vai trò "độc quyền"

Theo Văn hóa
Theo Văn hóa

Cho tới thời điểm này, đã có ba tác giả tuyên bố chuyển thể hai cuốn nhật ký của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm và Nguyễn Văn Thạc thành phim. Tuy nhiên, cho đến bây giờ cũng chưa có ai chính thức là người “độc quyền” làm việc này.

iPdMcTnj.jpgPhóng to

"Thuỳ và thương binh" - ký hoạ bác sĩ Thùy Trâm năm 1969 của hoạ sĩ Phạm Mùi

Cho tới thời điểm này, đã có ba tác giả tuyên bố chuyển thể hai cuốn nhật ký của liệt sĩ Đặng Thùy TrâmNguyễn Văn Thạc thành phim. Tuy nhiên, cho đến bây giờ cũng chưa có ai chính thức là người “độc quyền” làm việc này.

Chuyện của Hoàng Nhuận Cầm

Việc chuyển thể Mãi mãi tuổi 20 sang kịch bản điện ảnh là vô cùng khó/ nếu như không sáng tạo thêm các lớp lang sự kiện, hệ thống nhân vật, các tình huống tạo kịch tính... Mặt khác, ý tưởng chuyển thể đã được ướm hỏi nhưng đã ba tháng rồi, phía gia đình liệt sĩ vẫn chưa có câu trả lời chính thức.

Nên, mặc dù "kết" Mãi mãi tuổi 20, nhưng Hoàng Nhuận Cầm vẫn quyết định "chia tay" để dốc sức viết một kịch bản mới, trong đó không chỉ có hình ảnh liệt sĩ, mà còn có cả Đặng Thuỳ Trâm, Hoàng Kim Giao, Hoàng Thượng Lân... một thế hệ ra trận, chiến đấu và hy sinh cho độc lập của dân tộc.

Có cảm giác, Mùi cỏ cháy - tên kịch bản, đã “vắt kiệt" sức của Hoàng Nhuận Cầm. Anh nằm cạnh bàn viết, đầu đắp khăn ướt... , đọc từng phân đoạn cho cho vợ chép lại.

Trong căn phòng ngót chục mét vuông ở khu tập thể Hồng Hà, Hà Nội ngập tràn không khí... thời chiến. Những bức ảnh tư liệu ghi lại hình ảnh của nhóm sinh viên đại học Tổng hợp nhập ngũ ngày 6-9-1971 cùng với Nguyễn Văn Thạc; những trang nhật ký ố màu của Hoàng Nhuận Cầm được viết trong chiến tranh, trang nào cũng thấy bom nổ, máu đỏ, mùi khói bom, mùi cỏ cháy...; và những trang nhật ký của bè bạn cùng nhập ngũ còn sống sót sau chiến tranh.

Cầm bảo: "Tôi viết Mùi cỏ cháy bằng tinh thần của đồng đội. Mỗi người góp một chút tư liệu; biên kịch Đoàn Tuấn tặng tôi một bức ảnh quý và kể câu chuyện có thật về số phận của những người lính trong bức ảnh. Tôi đã đưa bức ảnh đó và số phận bốn người lính vào phim.

Mùi cỏ cháy sẽ là biểu tượng về một thế hệ người lính ra trận, lặng lẽ làm nên những chiến thắng kỳ vĩ của dân tộc. Tôi nghĩ đây là hướng khai thác hợp lý, vì nếu làm phim về cá nhân Thạc, Trâm... điện ảnh VN sẽ phải làm hàng chục bộ phim đề tài tương tự vì nhật ký của liệt sĩ Hoàng Kim Giao, Hoàng Thượng Lân cũng khốc liệt, kịch tính và giá trị vô cùng.

Mặt khác, tới đây sẽ có nhiều cuốn nhật ký chiến tranh được công bố, điện ảnh VN không thể chạy theo các sự kiện mà phải biết... đón đầu các sự kiện".

Và nỗi niềm của hai nhà văn: Nguyễn Quang Lập và Hữu Ước

Hưởng ứng lời đề nghị của ông Nguyễn Phúc Thảnh - Cục trưởng Cục Điện ảnh VN về việc chuyển thể hai cuốn nhật ký thành phim, Hãng phim Truyện VN đã đặt hàng nhà văn Nguyễn Quang Lập chuyển thể kịch bản về liệt sĩ bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm.

Vốn là người cẩn thận, Nguyễn Quang Lập yêu cầu Hãng phim Truyện VN phải làm việc với gia đình liệt sĩ Đặng Thùy Trâm về tác quyền và đảm bảo tìm được nguồn kinh phí đủ để làm phim có chất lượng.

Hai yêu cầu này đã được chấp nhận trên "lý thuyết", còn thực tế, việc xin phép chuyển thể chưa nhận được sự đồng ý từ phía gia đình liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm.

Theo nhà văn Nguyễn Quang Lập, những cuộc giao lưu, tiếp xúc, quay phim, phỏng vấn... nhiều ngày qua đã khiến cuộc sống riêng tư của gia đình liệt sĩ Thùy Trâm bị đảo lộn, họ cần có thời gian để suy nghĩ trước khi quyết định cho phép các nhà điện ảnh làm "sống lại" hình ảnh người thân đã mất của mình. Đành phải đợi, mặc dù đề cương kịch bản đã có sẵn.

Nhà văn Nguyễn Quang Lập nói: "Tôi không chuyển thể Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm mà viết về 9 ngày cuối cùng không được ghi trong ký của người phụ nữ anh hùng này. Nếu phía Hãng phim không thoả thuận được vấn đề tác quyền, tôi sẽ chuyển sang viết kịch bản khác".

Cũng ngổn ngang nỗi niềm như nhà văn Nguyễn Quang Lập, nhà văn Nguyễn Hữu Ước sau khi tuyên bố chuyển thể Nhật ký Đặng Thùy Trâm thành 10 tập phim truyền hình đã phải đổi hướng sáng tạo. Anh nói: Tôi nhập ngũ sau Thùy Trâm ba năm, tâm trạng của những thanh niên trí thức ra trận thời đó tôi hiểu. Trong tôi đầy ắp vốn sống, kiến thức trận mạc và ngổn ngang những số phận, sự kiện mà tôi mắt thấy, tai nghe...

Tôi cảm phục lý tưởng, tinh thần của bác sĩ Đặng Thùy Trâm và tôi sẽ đem lý tưởng và tinh thần của người phụ nữ này vào phim, chỉ là tinh thần thôi nhé, không phải chuyển thể những gì mà Trâm đã viết trong cuốn nhật ký.

Ngoài Trâm, tôi xây dựng thêm ít nhất là bảy nhân vật phụ nữ. Tôi nghĩ, những gì tôi viết ra sẽ hấp dẫn người xem, vì nó rất thật...

Tôi viết thì rất nhanh, dự kiến 10 tập kịch bản sẽ được hoàn thành vào tháng 10-2005. Trước khi quay tôi sẽ đưa gia đình liệt sĩ Thùy Trâm xem kịch bản, họ sẽ thấy tinh thần, lý tưởng của Trâm trong phim... nhưng tuyệt nhiên sẽ không thấy tôi vi phạm tác quyền cuốn nhật ký”.

Theo Văn hóa
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên