Kyle (cởi trần) thi đấu với các bạn sinh viên VN ở sân bóng đá mini - Ảnh: H.Đ. |
Hình ảnh những người nước ngoài chơi thể thao ở VN dù đã trở nên quen thuộc nhưng đằng sau đó là những câu chuyện “trần ai” để tìm được những sân chơi lành mạnh, phục vụ nhu cầu rèn luyện sức khỏe tại nơi “đất khách”. Khó khăn đến với họ ở đủ mọi yếu tố, từ ngôn ngữ bất đồng cho đến sự xa lạ với môi trường xung quanh.
Muốn chạy bộ nhưng sợ... xe đụng
Ngay ở môn thể thao tưởng chừng đơn giản nhất là chạy bộ cũng không hề dễ dàng với những người nước ngoài sống tại VN.
Ông Steve Coyle, người Ireland, hiện làm giảng viên cho một trung tâm ngoại ngữ ở TP.HCM, cho biết ông đến VN được hơn bốn năm. Ở quê nhà, ông Coyle vốn chơi nhiều môn thể thao như bóng đá, bóng chày... nhưng sau khi sang VN, vì “lạ nước lạ cái” nên ông không thể tìm ra những đội bóng thích hợp để chơi. “Thời gian đầu khi còn ở Hà Nội, tôi thường thức giấc vào buổi sáng để chạy bộ quanh hồ Tây. Nhưng chạy bộ hoài lại chán và cũng hơi khó khăn vì ở VN đông người quá. Đến khi vào TP.HCM, tôi chuyển sang chơi quần vợt vì đây là môn thể thao cá nhân, không cần phải có hội nhóm đông người” - ông Coyle nói.
Ông Steve Kinlough, một người đồng hương mà ông Coyle tình cờ quen được nhờ đi chơi quần vợt chung, thì đã quen dần với việc chơi thể thao ở VN sau 14 năm “định cư” tại TP.HCM. Dù đã ngoài 50 tuổi nhưng đều đặn một tuần ba buổi, ông Kinlough lại xách vợt đến CLB Lan Anh (Q.10) để dượt bóng với anh bạn đồng hương của mình. “Chúng tôi quan niệm thể thao là điều không thể thiếu trong cuộc sống. Ngoài quần vợt, mỗi ngày tôi còn chạy bộ tại công viên vào các buổi sáng” - ông cho biết.
Những người lớn tuổi chỉ cốt chơi thể thao cho khỏe mạnh, còn các chàng trai, cô gái trẻ tuổi lại cần nhiều hơn thế. Youngmo Yun, một sinh viên Hàn Quốc hiện đang học tại ĐH KHXH&NV, cho biết anh rất yêu thích chạy bộ nhưng lại không chấp nhận bị “trói chân” trong các công viên.
“Ở Hàn Quốc, tôi thường chạy bộ trên đường thay vì công viên bởi tôi muốn ngắm nhìn cảnh phố xá. Sang VN, điều này lại càng hấp dẫn vì tôi rất muốn nhân tiện khám phá đường sá ở Sài Gòn” - Yun nói. Chỉ có điều sau vài lần chạy bộ trên đường, chàng sinh viên này lại... hoảng hồn vì tình trạng xe cộ đông đúc cũng như lề đường, vỉa hè chật hẹp, khó có chỗ cho người chạy bộ.
Cởi trần “đá phủi”
Trong khi những sinh viên Hàn Quốc được học tiếng Việt bài bản trong trường lớp thì nhiều chàng tây lại võ vẽ tiếng Việt theo cách “bình dân” trên những sân bóng. Chiều thứ ba hằng tuần, tại một góc của cụm sân bóng đá mini Chảo Lửa lại vang lên những tiếng hét trọ trẹ. “Chuyền đi”, “Chuyền đi”, anh chàng người Ý Daniele Ghilardi vừa chạy vừa la lớn với đồng đội. Đồng đội của anh là Tobias Pocock (người Anh) thì thi đấu như một cầu thủ Premier League đúng nghĩa - chạy không biết mệt khắp sân.
Dù khác quốc tịch nhưng cả hai thi đấu rất ăn ý với các đồng đội người Việt. Khi rời sân với chiếc áo ướt đẫm mồ hôi, Ghilardi cười cho biết anh và Pocock đến VN được hơn một năm và làm việc cho một công ty ở quận Gò Vấp. Chiều thứ ba mỗi tuần, công ty anh lại thuê sân bóng đá cho các nhân viên và Ghilardi lẫn Pocock xỏ giày ra sân cùng các đồng nghiệp. “Ở Anh tôi toàn đá trên sân lớn 11 người, nhưng sang VN do không kiếm ra hội nên đành đá sân 5 người với mọi người cùng công ty”.
Không chỉ chịu khó trong những bước chạy không biết mệt, cả Ghilardi và Pocock còn nỗ lực học thêm vài từ tiếng Việt đơn giản như “sút”, “chuyền”... “Phải la thì họ mới chịu chuyền cho tôi. Tôi còn biết cãi lộn bằng tiếng Việt nữa đấy” - Ghilardi cười nói.
Không chỉ có Ghilardi và Pocock, các sân bóng đá ở TP.HCM tràn ngập những “ngoại binh”, đa số là những người nước ngoài sang VN làm việc. Nhưng cũng có một số trường hợp khác biệt như câu chuyện của ba chàng sinh viên người Anh Matthew, Kyle và Paul. Cả ba sinh viên cùng trường này đang trong quá trình “gap year” (năm nghỉ ngơi của các sinh viên nước ngoài, dùng để đi du lịch) và quyết định chọn TP.HCM làm nơi “định cư” trong gần cả tháng ở VN.
Dù đang đi du lịch nhưng những vị khách Tây này vẫn kiên quyết tìm ra một sân chơi thể thao cho mình trong thời gian ở TP.HCM. Đi đến hồ bơi thì quá đông người, ra đường chạy bộ cũng “hoảng hồn” trước cảnh xe cộ lúc nhúc, Matthew, Kyle và Paul quyết định xách giày ra sân bóng đá mini xin được “đá phủi” chung với người bản địa. Và họ dễ dàng tìm ra những người bạn mới sẵn sàng tiếp nhận mình vào đội.
Tự tạo sân chơi Nhiều người nước ngoài đến VN lại trở thành những người “truyền giáo” cho một số môn thể thao mới lạ với người Việt. Điển hình như ông James Chew, một doanh nhân người Singapore, đã tìm cách quảng bá và gầy dựng môn hockey ở TP.HCM. Ngoài việc quảng bá cho các bạn trẻ (thường tập tại cụm sân bóng đá Kỳ Hòa 2), ông Chew còn xây hẳn một trung tâm hockey ở Long An. Nhiều người nước ngoài sống ở VN cũng gia nhập hội hockey của ông Chew. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận