03/02/2010 10:02 GMT+7

Chuyện phiếm về con cọp

Theo PHẠM THÀNH CHÂUDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Theo PHẠM THÀNH CHÂUDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Ông Ba Mươi, ông Hùm, ông Kễnh là tên gọi khác của con cọp, có lẽ vì người ta quá sợ “ngài” nên nói tránh ra như vậy. Cũng có tích về tên ông Ba Mươi rằng, ngày xưa, miền Trung và miền Nam rất nhiều cọp, chúng thường vào xóm bắt gia súc hoặc rình vồ người đi trong rừng. Vì thế quan trên treo giải thưởng, ai giết được cọp thì được ba mươi quan tiền, nhưng cũng bị đánh ba mươi hèo (tượng trưng) để hồn “ngài” không còn giận kẻ đã giết mình.

1Q60qmko.jpgPhóng to

Khoảng thế kỷ XVII, XVIII, từ miền Trung trở vào toàn rừng rậm hoang vắng, thú rừng đầy rẫy, người Việt đi khai phá bị thú dữ như cọp, beo hay rắn rết sát hại rất nhiều. Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức có ghi: “Giữa ngày tết năm 1771, cọp từ rừng Sác, phía Cần Giuộc, từng bầy kéo về chợ Tân Kiểng, trên đường vào Chợ Lớn, làm dân chúng kinh hoàng...”.

Nghe nói trò chơi “bầu cua cá cọp” do người Tàu phổ biến, trên miếng giấy vẽ hình các con thú là bầu, cua, cá, cọp để người chơi đặt tiền. Không ai dám đặt tiền vào hình con cọp, sợ thất lễ với “ngài”, nên người ta bỏ hình con cọp mà thay vào bằng hình con nai. Đình miếu nào cũng có bình phong vẽ hoặc phù điêu đắp nổi hình cọp để thờ “ngài” vì dân tin rằng nếu cọp thật đến, thấy chúa sơn lâm trên bình phong là biết “đất đã có chủ”.

Cọp đánh dấu lãnh thổ của mình bằng nước tiểu. Muốn giành lãnh thổ mới, cọp phải tấn công đối phương. Trước khi xông vào phải nhe nanh múa vuốt, gầm gừ ra oai, nhưng đối phương trên bình phong vẫn bình tĩnh, không hoảng sợ, mà phóng vào bình phong thì như đập đầu vô đá, vậy là cọp thật rút lui. Ở chân núi, lối vào rừng, ngày xưa người ta lập miếu ông cọp để dân sơn tràng vào thắp nhang, xin phép sơn thần thổ địa và ông cọp vào núi tìm mật ong, đốn cây, săn bắn, tìm trầm. Đôi khi người ta để ở đấy một con thú nhỏ để ông cọp đến ăn no xong rồi tìm chỗ ngủ, không bắt người nữa.

Ở Ấn Độ, vùng Bengal nổi tiếng về cọp dữ. Người dân vào rừng thường mang mặt nạ về phía sau đầu, nhìn tưởng người đi thụt lùi. Họ tin rằng cọp chỉ vồ từ đằng sau con mồi nên thấy mặt người thì cọp phải theo mãi, mà cứ thấy con mồi nhìn mình thì cũng ngán nên phải bỏ đi. Người dân tộc thiểu số ở cao nguyên Việt Nam vẫn có tục vác chà gạt trên vai, mũi nhọn hướng về phía sau. Cọp biết nếu vồ con mồi thì sẽ bị đầu nhọn chà gạt đâm nên không dám tấn công.

Cọp săn mồi bằng cách bò thật sát đến từ phía sau con mồi. Khi khoảng cách còn độ năm mét, cọp chạy thật nhanh và phóng lên lưng con mồi, cắn vào gáy, ghì chặt con mồi, chờ đến khi con mồi vùng vẫy và đuối sức ngã xuống mới cắn vào cổ họng cho con mồi nghẹt thở chết.

Hồi các thế kỷ trước, có đến hàng trăm ngàn con cọp ở châu Á, hiện nay chỉ còn khoảng năm ngàn con, mà đến ba ngàn con đang cư trú trong các sở thú. Việt Nam ta hiện còn khoảng ba trăm con, kể cả cọp được người nuôi. Cọp ở rừng thọ độ 30 tuổi, còn cọp nuôi chỉ sống được 25 năm. Cọp trưởng thành nặng nhất độ ba trăm ký.

Số cọp bị giảm vì môi trường sinh sống của chúng bị thu hẹp, nguy hại nhất là bị con người săn bắn để lấy xương nấu cao. Một con cọp lớn cho 15 ký xương, theo thời giá cách đây mười năm bán được 20 ngàn USD. Một bộ da cọp bán cũng được 15 ngàn USD. Cao hổ cốt không phải nấu toàn bằng xương cọp, mà thường được bổ sung xương khỉ, xương nai, xương dê núi (sơn dương) cho đủ bộ gọi là “quân thần tá sứ”.

Khi có được một miếng cao hổ cốt thì người ra tiệm thuốc bắc bổ một thang (thiên niên kiện, địa tiên...) đem về ngâm rượu. Buổi tối, trước khi đi ngủ, chỉ cần uống một ly rượu cao hổ cốt nhỏ thì sáng hôm sau khỏe người, không còn đau lưng, nhức xương nữa. Người đau yếu thì cho độ mười gam cao hổ cốt vào bụng gà ác (gà ri, gà da đen) hay bồ câu non, đem chưng cách thủy. Khi gà rục, đem ăn là khỏe hẳn ra.

Ngày 17-10-2009, công an Hà Nội chận bắt một xe taxi chở hai con cọp đông lạnh. Một con nặng 90 ký, con kia 40 ký. Người bị bắt khai đã mua cọp ở Thanh Hóa, định đem ra Hà Nội bán. Nghe nói một ký xương cọp có thể bán với giá 15 triệu đồng, một lạng ta cao hổ cốt có giá từ 12 đến 15 triệu đồng, có nghĩa là đắt như vàng!

Người miền Nam sinh con trai đầu lòng không gọi là con cả mà gọi thứ hai vì kiêng chức vụ hương cả trong làng. Có chuyện kể rằng ở làng Châu Bình (thuộc tỉnh Bến Tre), trước kia lúc vừa lập ra ban bệ quản lý thì những người được bầu làm hương cả đều bị cọp vồ. Vì thế dân làng bèn cử cọp chúa trong vùng làm hương cả.

Một buổi lễ được tổ chức ngoài bìa làng. Một tờ cử (nhiệm vụ lệnh) được viết trên giấy hồng điều, bỏ vào ống tre. Một đầu heo làm lễ vật. Chức sắc trong làng cùng dân chúng tề tựu ở đó, long trọng mời cọp chúa làm “đại hương cả”. Đêm đó, cọp đến ăn đầu heo và tha tờ cử (làm đại hương cả) đi. Năm sau, chức sắc và dân làng lại tổ chức lễ tấn phong chức đại hương cả cho cọp chúa. Cũng đầu heo và tờ cử mới đặt ở đấy. Tối đến, cọp ra ăn đầu heo, bỏ tờ cử năm ngoái lại, cắp tờ cử mới đi…

Người ta tin rằng, người nào bị cọp ăn thịt thì hồn không siêu thoát mà phải theo hầu con cọp đó (gọi là hổ trành). Hổ trành thường xúi thân nhân ra nộp mạng cho cọp để thế chỗ cho hồn cũ đi đầu thai kiếp khác.

Dân miền Nam thường nói “coi hát cọp” nghĩa là coi hát không phải mua vé vào cửa vì có sự tích hẳn hoi. Thời xưa, dân ta đi khai khẩn đất đai rất gian khổ. Đất đầy phèn, trồng cây gì cũng chết, lại thêm cọp, cá sấu, rắn rết đầy dẫy “U Minh, Rạch Giá thị quá sơn trường. Dưới sông cá lội, trên rừng cọp đua”. Đời sống khó khăn vất vả, bệnh hoạn không thuốc men “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội như bánh canh”, cả đời chỉ lo miếng ăn, chẳng biết giải trí là gì.

Đến thời thực dân Pháp xâm chiếm nước ta, dân chúng vùng lên chống ngoại xâm. Những người yêu nước chống Pháp bị truy nã, thường trốn về vùng U Minh, Cà Mau sống lẫn lộn với dân chúng. Họ họp nhau lập gánh hát bội, đi thuyền lang thang, nơi này hát vài hôm, nơi khác năm bảy hôm để đồng bào xem. Ai hảo tâm thì cho ít gạo, cá, sống qua ngày chứ không bán vé vô cửa.

Để khỏi bị “hùm tha, sấu gắp”, dân làng dựng sân khấu giữa sông, theo kiểu nhà sàn, cột bằng cừ tràm, lợp lá dừa nước. Xung quanh lại đóng cừ như hàng rào dưới nước để cá sấu không thể vào rình mồi được. Người xem bơi thuyền đến, ngồi trên thuyền xem hát cho an toàn. Vậy mà trên bờ, cọp tụ lại cả bầy, cùng nằm xem hát bội với bà con. Khi gánh hát dọn đi, thỉnh thoảng qua đấy, người ta vẫn còn thấy lũ cọp nằm như chờ gánh hát quay lại để diễn cho chúng xem. Như vậy “coi hát cọp” để chỉ kẻ chuyên coi hát chui, không mua vé.

Thời Pháp thuộc, tù Côn Đảo vượt ngục nhiều quá, thực dân Pháp mới chở ba con cọp ra đảo, tập họp tù nhân lại, cho họ xem để tù sợ không dám trốn trại. Sau đó chúng thả cọp vào rừng trên đảo để cọp bắt thú rừng, rắn rết, chuột bọ và tất nhiên là cả những ai vượt ngục. Bọn chủ ngục không biết rằng, khi tù nhân vào làm rừng đốn củi, đục đá thấy “con gì cục cựa, trừ con bù lon” là bắt ăn sạch vì quá đói.

Tù nhân đi làm chẳng dại gì đi lẻ tẻ để bị “cọp chụp” nên cọp chẳng có gì bỏ bụng, đói meo, đi không nổi, thấy người là lủi ngay. Tù nhân thấy cọp cũng bỏ chạy, nhưng sau đó biết cọp đói nên vây lại, đập chết để ăn thịt. Thịt được hai con thì cai tù biết, bèn cắt một người tù mỗi ngày gánh cơm ra bờ biển, đổ ra đấy cho cọp đến ăn.

Nhưng ăn toàn cơm chẳng bổ béo gì nên cọp tự “cải thiện” bằng cách mò cua, bắt ốc sống qua ngày. Không ngờ một hôm, cọp gặp một con ốc tai tượng rất lớn đang há miệng chờ mồi (tảo). Cọp thấy thịt ốc thích quá, bèn thò chân moi. Ốc đóng nắp lại, cọp kẹt chân trong đó. Loại ốc ấy có vỏ kết cứng chặt với đá nên cọp không rút chân ra được. Thủy triều lên, cọp chết ngộp.

Người mình thường tin vào số mệnh nên mới có chuyện kể rằng một cậu được thầy bói phán ngày đó, tháng đó sẽ bị chết vì cọp. Cậu ta sợ lắm, không đi chơi sở thú, biết ai tên Hổ, tên Cọp thì tránh xa. Còn vài hôm là hết “hạn tai ương”, cậu mừng lắm, đến nhà bạn chơi. Thấy trên tường có treo bức tranh con cọp, cậu bèn đập tay vào mặt cọp và nói “Mày chẳng làm gì được tao”. Ai ngờ trên bức tranh vẫn còn gắn cây kim may nên cậu ta đập trúng vào cây kim. Hôm sau, tay cậu bị nhiễm trùng rồi lên phong đòn gánh mà chết.

Cuối cùng, xin được kể vài chuyện vui về cọp. Một ông rất sợ vợ và bà vợ rất dữ. Bữa nọ, nhân vợ vắng nhà, ông mời bạn bè đến nhà nhậu. Rượu vào lời ra, ông ta “nổ”: “Các ông sợ vợ chứ tôi thì không. Vợ tôi hỗn hào là tôi trị trắng máu. Tôi dữ như cọp, vợ tôi sợ tôi lắm. Tôi gầm lên là vợ tôi xanh mặt”. Không ngờ lúc đó bà vợ về, đứng sau lưng. Mấy ông bạn nhậu ra dấu, ông ta quay nhìn, thấy vợ lập tức run cầm cập. Bà vợ nhẹ nhàng hỏi “Ông là con cọp. Dữ lắm hả? Tôi sợ ông khiếp vía hả?”. Ông ta nhanh trí đáp “Dạ phải. Tôi là con cọp, nhưng bà là Võ Tòng”.

Chuyện khác, một ông thất nghiệp, vào sở thú xin việc. Ông giám đốc nói: “Sở thú tôi có con dã nhân, làm trò hay lắm. Nhờ nó mà khách đến xem rất đông. Chẳng may nó vừa chết, chúng tôi lột da để dành. Anh có thể mang lốt con dã nhân đó vào chuồng làm trò cho khách xem được không? Tôi trả lương gấp đôi công nhân ở đây”. Anh ta đồng ý, mang lốt dã nhân vào chuồng làm trò, thiên hạ không biết, vỗ tay hoan hô.

Hứng chí, anh ta nhảy nhót, đánh đu đủ trò. Không ngờ đánh đu cách nào lại văng qua chuồng cọp, nằm một đống. Con cọp gầm gừ, nhe nanh, múa vuốt xông đến, há miệng cắn. Anh chàng làm dã nhân than một câu: “Than ôi, số ta chết vì miệng cọp!” và nhắm mắt chờ chết. Con cọp ghé sát tai anh ta thì thầm: “Anh mới vào làm đây phải không? Tôi làm cọp ở đây hơn nửa năm rồi”.

Theo PHẠM THÀNH CHÂUDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên